Nếu yêu thích cà phê, hẳn là bạn sẽ không còn xa lạ với cà phê Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng thế giới. Ở mỗi đất nước khác nhau sẽ có mỗi loại cà phê và đặc trưng khác nhau, song ở đất Thổ, cà phê không chỉ là văn hóa ẩm thực đơn thuần, là phần quan trọng trong các nghi thức mà còn là thức uống tiên tri của người Turki. Vậy, cà phê Thổ Nhĩ Kỳ có gì thu hút mà đặc biệt đến thế?
Nếu nước Ý nổi tiếng với một tách Espresso có hương thơm đặc trưng và vị ngọt của một thanh chocolate thì một tách Turk Kahvesi Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng “đen như địa ngục, mạnh mẽ như cái chết và ngọt ngào như tình yêu”. Không chỉ ấn tượng và được nhiều người yêu thích, cà phê tại vùng đất Thổ còn trở thành nét văn hóa độc đáo của nước này.
Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành văn hóa đặc trưng của nước này như thế nào?
(Ảnh: Internet)
Di sản văn hóa phi vật thể từ đất Thổ
Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến là vùng đất có địa thế chính trị phức tạp, là nơi giao lưu của 3 châu lục: Á, Âu, Phi và có sự dị biệt trong 3 truyền thống độc thần giáo xuất phát từ Abraham: đạo Do Thái, đạo Kitô và đạo Islam khiến nước này có những đụng độ và tranh chấp không dứt. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được biết đến là nơi đã đóng góp cho cả thế giới món quà văn hóa cực kỳ phổ biến ngày nay, được UNESCO công nhận như một di sản văn hóa phi vật thể của đất nước này, đó là văn hóa cà phê Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Coffee).
Câu chuyện về cà phê Thổ
Lịch sử kể rằng, vào năm 1555 có hai người lái buôn Syria lần đầu tiên mang cà phê đến thủ đô của Turki là Istanbul và bán “sữa cho những người chơi cờ và những người suy tư”. Từ đó, cà phê đã lan truyền âm thầm khắp vùng đất Thổ, vào đầu thế kỷ 16, các quán cà phê đã trở thành trung tâm hội họp của những tổ chức chính trị và văn hóa lớn. Cho đến giữa thế kỷ 17, cà phê Thổ đã xâm nhập vào tận triều đình đế quốc Ottoman. Để phục vụ cà phê cho hoàng đế và các cận thận, trong triều có đến hơn 40 người phụ tá pha chế cà phê và dọn hầu.
Nghi thức cà phê Thổ Nhĩ Kỳ
Trong thiên kinh Qur’an, còn gọi là Koran của người Hồi Giáo, theo lời phán của Allah Đấng Toàn Năng, giới cấm tuyệt đối là các tín đồ không sử dụng thức uống có cồn. Chính vì lẽ đó mà cà phê tại Thổ Nhĩ Kỳ được ưa chuộng và trở thành nghi thức quan trọng trong toàn xã hội.
Vào giữa thế kỷ 17, ở Turki, cà phê trở thành một phần của nghi lễ, phong tục từ tòa án đến hôn nhân, thậm chí việc cưới hỏi cũng được định đoạt qua sự chiêu đãi cà phê chính thức. Vì thế, phụ nữ thời này được huấn luyện kỹ về pha chế cà phê, người chồng tương lai của cô ấy cũng nhận xét phẩm chất của cô bằng kỹ năng pha chế và dọn mời cà phê, tương tự như phụ nữ Việt Nam xưa khi pha trà và têm trầu.
Vì sao người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ phải biết pha chế cà phê? (Ảnh: Internet)
Bí mật trong pha chế cà phê kiểu Ngâm
Đây là phương pháp pha chế đặc biệt có từ đầu thế kỷ 20 của người Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, cà phê được ngâm trong bình thủy tinh đậy kín nắp để giữ hương. Với sự đột phá trong cách ngâm cà phê là người ta đã phát minh ra của Meloir với bộ phận lọc cà phê rất mịn, giữ lại bột cà phê ở đáy bình.
Đặc trưng pha chế cà phê kiểu Nấu Sôi truyền thống
Ngoài ra, người Thổ thường sử dụng loại cà phê Arabica thuần chủng đã được rang và nghiền nhuyễn để pha chế cà phê theo kiểu Nấu Sôi. Tại Istanbul, cách pha chế phổ biến là họ dùng nửa tách nước và 2 muỗng cà phê xay mịn cho vào bình có cán dài (Cezve hoặc Ibriq), thêm 1 muỗng đường và đun trên ngọn lửa vừa phải. Khi hỗn hợp sôi, họ khuấy đều rồi rót một ít cà phê ra tách. Sau đó họ tiếp tục đun sôi cà phê thêm một lần nữa rồi mới rót tất cả ra tách, bao gồm cả bã cà phê. Phương pháp này sẽ giúp cà phê đặc và vị mạnh, hậu vị kéo dài dù chỉ nhấp một ngụm nhỏ.
Thưởng thức cà phê Thổ
Khi dùng cà phê Thổ Nhĩ Kỳ theo cách thông thường, người dùng phải thật kiên nhẫn, để bã cà phê lắng xuống đáy cốc rồi mới từ từ thưởng thức. Tuy nhiên vẫn có nhiều người không đợi được phải dùng phải ngón tay chấm vào một ly nước lạnh rồi nhúng vào tách cà phê để quá trình lắng bã diễn ra nhanh hơn.
Thức uống tiên tri của người Thổ Nhĩ Kỳ
Điều thú vị tạo nên nét đặc trưng độc đáo trong văn hóa cà phê Thổ là hình thức bói cặn – fassomancy. Sau khi dùng xong tách cà phê, thầy bói sẽ úp một cái đĩa nhỏ lên trên miệng tách rồi đảo lộn tách cà phê, để cho cặn bột đọng trong tách được úp xuống đĩa và hiển thị ra các hình thù trên đĩa. Dựa dựa vào đó, thầy bói sẽ tuyên đoán về vận mệnh may rủi và những sự kiện sắp xảy ra trong tương lai. Mặc dù nét tín ngưỡng này được coi là chưa đủ cơ sở khoa học song vẫn còn phổ biến đến tận bây giờ và rất được lòng các du khách nước ngoài đến thăm.
Như vậy, bạn đã có những thông tin thú vị và hữu ích cho mình qua đặc trưng văn hóa cà phê nước Thổ được chia sẻ ở trên. Đến đây, bạn cũng biết thêm nhiều kiểu pha chế cà phê khác nhau và nét cuốn hút, hấp dẫn của cà phê Thổ Nhĩ Kỳ đúng không nào?
Ý kiến của bạn