5 vấn đề thường gặp nhất trong SEO và cách khắc phục

Trong bối cảnh hiện nay, một chiến lược SEO chuyên sâu và toàn diện là điều kiện tối cần thiết để xếp hạng tại những vị trí cao nhất trên SERP. Nếu bạn không liên tục tối ưu website của mình, cũng như bắt kịp với những xu hướng mới, thì các đối thủ sẽ là người vượt lên dẫn trước. Tuy nhiên, những vấn đề SEO luôn xảy ra và liệu bạn đã biết cách khắc phục chúng?

Hãy nghĩ về SEO đơn giản là sự tổng hợp các kỹ thuật hay các quy trình hiệu quả nhất được công nhận bởi các máy tìm kiếm. Và một khối lượng lớn thời gian dành để đầu tư cho việc thăng hạng của website có thể dễ dàng bị phá hủy chỉ vì chúng ta vô ý không tuân theo một nguyên tắc nào đó.

van-de-thuong-gap-trong-SEO

(Nguồn ảnh: Internet)

Qua bài viết này, hãy cùng Khóa học SEO Á Âu tìm hiểu những lỗi thường mắc phải nhất trong SEO và cách để xử lý chúng. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề này, hãy nhanh chóng khắc phục, còn nếu bạn chưa gặp, bạn sẽ biết đâu là những lỗi cần phải tránh.

Vấn đề 1: Các trang không được lập chỉ mục đúng

Vấn đề là: Tất cả chúng ta đều muốn Google xếp hạng những trang của mình cao hơn. Nhưng Google không thể xếp hạng cho những trang mà các bot không thể nhìn thấy.

indexation-issues

(Nguồn ảnh: Internet)

Cách hiệu quả nhất để kiểm tra các vấn đề liên quan đến việc lập chỉ mục của trang (indexation issue) chính là sử dụng Google Search Console.

Gần như trong phần lớn trường hợp, các vấn đề của bạn sẽ xuất phát từ nội bộ website (internal): có thể là trang đó đã bị chặn index bởi lệnh disallow trong file robots.txt, hoặc một thẻ NoIndex đã được chèn vào trang đó.

Tiếp đến, lỗi DNS hoặc 404 có thể là những “thủ phạm” đáng tình nghi nhất làm cho trang không được index. Trong Search Console, những lỗi cụ thể này sẽ được hiển thị ở cột “Errorr”.

Giải pháp ở đây là hãy kiểm tra và thử gỡ bỏ thủ công thẻ NoIndex cho những trang nghi vấn, hoặc thiết lập lệnh allow đối với những trang này trong file robots.txt, để cho bot của Google có một khoảng thời gian để thu thập dữ liệu lại (recrawl), những trang này sẽ nhanh chóng xuất hiện trên SERP.

Còn nếu toàn bộ website của bạn đều cho phép bọ quét thu thập dữ liệu, các trang đều có thẻ index, nhưng hệ thống tìm kiếm của Google vẫn chỉ hiển thị một phần kết quả mà bạn mong muốn – thì rất có thể bạn đã bị “dính” phải tác vụ thủ công. Đây là một hình phạt rất nặng từ Google và sẽ làm cho website của bạn giảm thứ hạng ngay lập tức, hoặc thậm chí là không được xuất hiện trên SERP.

Trong trường hợp này, hãy tiến hành quy trình khôi phục lại bằng cách triển khai hoạt động audit cho toàn website. Với một công cụ chuyên dùng để audit, bạn sẽ nắm được bức tranh tổng thể về sức khỏe của website đối với hoạt động SEO, và tất cả những trang được hoặc không được index cũng sẽ được liệt kê cụ thể.

Khi đã có được danh sách này, hãy xem những trang nào đang vi phạm những nguyên tắc của Google, những trang nào chưa có thẻ index hoặc được thiết lập lệnh (instruction) không đúng trong file robots.txt. Nhìn chung thì mỗi tháng, bạn cần thực hiện kiểm tra tổng thể website để xem có các vấn đề nào liên quan đến việc thu thập dữ liệu phát sinh hay không.

Vấn đề 2: Từ khóa ăn thịt (keyword cannibalization)

Đây là một vấn đề cực kỳ phổ biến xuất phát từ thực trạng người làm SEO có quá nhiều các chủ đề tương tự, đăng tải những tài nguyên có nội dung cực kỳ tương đồng với nhau, và đôi lúc là nhắm vào những từ khóa chính xác hoàn toàn giống nhau.

Điều này dẫn đến việc có nhiều trang sẽ cạnh tranh lẫn nhau để xếp hạng cho cùng một từ khóa, và làm ảnh hưởng đến cơ hội xếp hạng của tất cả những trang có liên quan.

Đây không phải là một vấn đề nhỏ và cần khắc phục sớm nhất có thể. Bạn có thể xử lý tình trạng này thông qua nhiều công cụ SEO đa dạng. Để tìm hiểu chi tiết hơn, mời bạn đọc qua bài viết này.

Hình dưới đây là một ví dụ minh họa cho công cụ Rank Tracker.

rank-tracker-keyword-cannibalization

(Nguồn ảnh: Internet)

Trong giao diện này, bạn sẽ thấy có 3 cột, một cho những từ khóa bạn đang nhắm mục tiêu, một cho những web page liên quan đến những từ khóa đó, và một cột nữa cho những thông tin SEO tổng quan.

Hãy vẽ ra một bản đồ từ khóa (keyword map) và sắp xếp lại website của mình, bảo đảm rằng các nội dung của bạn đều nhắm vào những bộ từ khóa khác nhau.

Bên cạnh đó, hãy hợp nhất những trang có chủ đề tương đồng với nhau bằng cách xây dựng một trang duy nhất, kết hợp những trang khác nhau đó lại với nhau.

Nhờ đó, bạn sẽ đảm bảo rằng mình không phải cạnh tranh với chính minh trong số muôn vàn đối thủ đang tạo ra các nội dung trong thị trường mục tiêu của bạn.

Vấn đề 3: Định dạng trang không phù hợp với chủ đề mục tiêu

Thực tế là: thậm chí nếu bạn có nhiều backlink hơn đối thủ, bạn vẫn có thể xếp hạng thấp hơn họ.

Điều này có thể không đúng với một số người làm SEO, nhưng sự thật là vấn đề xếp hạng không nằm chủ yếu ở backlink. Trong bối cảnh hiện nay, Google hiện đang áp dụng nhiều công nghệ hơn nhằm đối phó với những chiến lược trao đổi liên kết tinh vi, do vậy, nếu chỉ tập trung vào xây dựng một danh mục backlink khổng lồ là không đủ.

Để được xếp hạng cao hơn, thì không chỉ bạn phải thực hiện đúng cách, mà còn phải tránh những lỗi có thể làm cho website của mình bị phạt. Không chỉ là về nội dung, bạn phải chú ý nhiều đến hình thức phù hợp (acceptable form).

Ví dụ, nếu bạn viết một bài viết về chủ đề giày dép tốt nhất, và bạn xây dựng nó dưới dạng danh sách với độ dài khoảng 2,000 từ, nhưng bạn không thể thăng hạng được, lúc này bạn nên nhìn vào những đối thủ đang ở thứ hạng cao trên SERP.

Hoặc giả sử bạn đăng tải một nội dung được viết rất hay và giàu tính thông tin về những thành phố tốt nhất để sinh sống. Đây là một bài viết lớn kèm các hình ảnh, với tên của các thành phố được chèn vào xuyên suốt trong nội dung.

Rồi sau đó bạn nhận thấy rằng mọi trang xuất hiện trong top 5 kết quả trên SERP đối với từ khóa “những thành phố tốt nhất để sinh sống” thì thông tin đều được trình bày dưới dạng hình ảnh (image gallery) và rất ít chữ. Điều này có nghĩa là Google xem đây là định dạng phù hợp nhất để trình bày các nội dung về chủ đề đó.

Lúc này, hãy điều chỉnh lại nội dung của mình theo những tiêu chí trên: xây dựng nó theo phong cách lấy hình ảnh làm trọng tâm kèm theo những đoạn miêu tả ngắn gọn, rõ ràng, bạn sẽ thấy trang của mình cải thiện thứ hạng nhanh chóng!

Và sẽ là một câu chuyện khác hoàn toàn nếu chúng ta bàn đến những từ khóa mà Google áp dụng các tính năng hiển thị trên SERP (SERP feature). Điều chúng ta thấy càng nhiều hiện nay đó là Google đang cố gắng trả lời cho những truy vấn của người dùng ngay trên trang SERP mà họ không cần phải nhấp vào các trang kết quả (xu hướng zero-click SERP), thông qua các công cụ chẳng hạn như trích dẫn nổi bật (featured snippets), mục “people also ask”, các biểu đồ tri thức (knowledge panel)…

Việc xuất hiện trên SERP với những tính năng này là rất quan trọng, và yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất chính là cấu trúc (structure).

Đầu tiên, hãy xác định xem những từ khóa bạn đã lựa chọn có thể được tích hợp tính năng SERP hay không. Bước này có thể được thực hiện dễ dàng bằng các công cụ theo dõi thứ hạng, chẳng hạn như Ahrefs, hoặc đơn giản hơn, bạn chỉ cần tìm kiếm các cụm từ mục tiêu trên Google.

kiem-tra-search-features-cua-tu-khoa

(Nguồn ảnh: Internet)

Truy cập vào Google, ở góc dưới cùng bên phải, chọn “Cài đặt” (Settings) > “Cài đặt tìm kiếm” (Search Settings). Trong mục “Kết quả tìm kiếm cá nhân” (Private results), hãy nhấp vào lựa chọn “Không sử dụng kết quả tìm kiếm cá nhân”. Sau đó ở phía dưới, bạn có thể lựa chọn khu vực (region) nếu cần thiết và bắt đầu tìm kiếm những từ khóa của mình.

khong-su-dung-ket-qua-ca-nhan

(Nguồn ảnh: Internet)

Nếu bạn nhìn thấy trên SERP có hiển thị một biểu đồ tri thức hoặc một trích dẫn nổi bật, thì có nghĩa là từ khóa đó có thể được tích hợp tính năng SERP.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng để có được những tính năng SERP này chính là sử dụng các dữ liệu có cấu trúc (structured data markup hay Schema). Hãy nhớ rằng: Ưu tiên của Google là hiển thị cho người dùng những câu trả lời có liên quan và nhanh chóng nhất cho câu hỏi của họ. Hãy đánh dấu các dữ liệu có cấu trúc bằng cách sử dụng Schema, chèn vào các đầu mục liệt kê (bullet points), các danh sách (lists), các con số (numbers)…

Máy tìm kiếm sẽ nhận ra rằng bạn đang đưa ra một câu trả lời nhanh và ngắn gọn, và sẽ sử dụng nội dung của bạn làm nguồn cho vị trí trích dẫn nổi bật.

Ngoài ra, việc bổ sung thêm các thành phần có cấu trúc như những nội dung FAQ cũng rất hữu ích, vì việc xuất hiện tại các vị trí của các tính năng trên SERP sẽ giúp bạn gia tăng lượng truy cập, lượt xem trang và tỉ lệ CTR.

Bạn có một ý tưởng nội dung tuyệt vời và biết cách trình bày nó sao cho hiệu quả nhất, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Bài viết đó nên đáp ứng những gì mà Google cho là thích hợp đối với nội dung đó.

Vấn đề 4: Liên kết nội bộ không chặt chẽ

Bạn đã biết về việc thiết lập hệ thống điều hướng theo chức năng cho website (functional navigation) chưa?

Đó là một hệ thống cho phép người dùng có thể quay trở lại trang chủ (homepage) từ một nơi bất kỳ, họ phải biết được họ đang ở khu vực nào của website, và, lý tưởng nhất, thì họ có thể đến bất cứ khu vực nào trên website từ một trang bất kỳ, bằng cách “lần theo” hay nhấp vào các liên kết.

Nhưng việc xây dựng hệ thống liên kết nội bộ chặt chẽ thì phức tạp hơn thế. Thực tế là, các website đều có những trang quan trọng, các trang chính yếu hay còn gọi là các money page – là những trang có thể tạo ra dòng tiền thật sự cho website của mình.

Vậy nên chúng ta có xu hướng chỉ tập trung vào chúng khi xây dựng cấu trúc website thay vì xây dựng những cụm chủ đề (thematic cluster) lớn kết nối một loạt các trang lại với nhau. Và cách làm này không phải là phương pháp hiệu quả nhất để thiết lập liên kết nội bộ.

Bạn phải phủ rộng và thiết lập một mạng lưới liên kết vừa chặt chẽ, vừa hợp lý. Hãy tìm cách để liên kết không chỉ đến những trang trọng tam, mà còn từ những trang quan trọng này đến những trang nhỏ hơn, hay còn gọi là những trang “bổ trợ” (supplementary page). Mỗi khi có nội dung mới, hãy quay trở lại những bài viết cũ và tạo ra thêm các liên kết trỏ đến những bài viết mới này. Bạn cần hình dung cách tổ chức các nội dung của mình như là nhiều cụm trang (clusters of pages), và mỗi cụm sẽ hỗ trợ cho những cụm khác.

Ví dụ, giả sử bạn có một trang trọng tâm với nội dung miêu tả về các tính năng của một phần mềm. Hãy đặt một số liên kết nội bộ từ nó trỏ đến những nội dung bổ trợ nói về việc sử dụng những tính năng này trong thực tế ra sao, các bài hướng dẫn (guide/how-to) và cả các bài guest post.

Trong trường hợp bạn không có nội dung bổ trợ nào, hãy tạo ra một vài bài viết cho các trang chính của bạn, sau đó tiến hành thiết lập các liên kết nội bộ phù hợp để website của bạn có một mạng lưới liên kết mạch lạc và chặt chẽ.

Tuy nhiên khi làm những việc này, hãy nhớ đảm bảo rằng bạn không tối ưu hóa quá liều các anchor text, nghĩa là bạn nên tránh sử dụng những anchor text chứa từ khóa chính xác bạn đang muốn thăng hạng. Thay vào đó, nên nhắm vào những anchor text phù hợp một cách tự nhiên (dù cho những anchor text như “xem thêm”, “tại đây” rõ ràng không phải là những anchor text tốt nhất).

Có một số công cụ trực quan hóa hình ảnh (visualization tool) có thể hỗ trợ bạn trong việc xây dựng hệ thống liên kết nội bộ, chẳng hạn như Website Auditor. Tất cả các trang sẽ được hiển thị dưới dạng sơ đồ mạng lưới các liên kết. Từ đó, bạn có thể thấy ngay được đâu là những điểm “nút” (node) quan trọng nhất trong sơ đồ mạng này, và những trang nào cần được trỏ đến nhiều hơn.

website-auditor-visualization-tool

(Nguồn ảnh: Internet)

Nếu được thực hiện đúng, thì một trang bất kỳ có thể trở thành một cỗ máy sinh lợi với những nội dung chất lượng cao cùng với các liên kết nội bộ chặt chẽ.

Vấn đề 5: Tốc độ trang thấp, đặc biệt là trên thiết bị di động

Tất cả chúng ta đều biết rằng tốc độ trang (page speed) hiện tại được xem là một yếu tố dùng để xếp hạng. Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn dễ dàng quên mất đi một số nguyên tắc cơ bản và làm cho tốc độ của web page bị chậm lại, và dẫn đến thất thoát một lượng lớn traffic, không chỉ là sụt giảm thứ hạng.

Mỗi một giây tăng thêm mà trang của bạn cần để tải, thì có một lượng lớn người dùng đã thoát ra – không bao giờ quay trở lại. Các trang có tốc độ chậm thường có thứ hạng thấp hơn, chuyển đổi tệ hơn và không có trải nghiệm người dùng tốt.

Và điều này lại càng quan trọng hơn đối với các thiết bị di động. Hơn một nửa số người dùng di động sẽ rời khỏi một trang nếu nó mất hơn 3 giây để tải xuống.

Sự đánh giá cao của Google đối với những website có thể triển khai định dạng AMP, cũng là một tín hiệu cho thấy trải nghiệm nhanh, gọn gàng cho những người dùng di động sẽ tiếp tục là một yếu tố được ưu tiên trong xếp hạng.

Bên cạnh đó, các trang chậm hơn đồng nghĩa với việc website sẽ mất nhiều thời gian hơn để được thu thập dữ liệu và lập chỉ mục. Và bản thân nó có thể gây ra những vấn đề liên quan đến việc index nếu bạn không kiểm soát một cách thích hợp.

Để khắc phục các vấn đề liên quan đến tốc độ trang sẽ mất nhiều công sức, và gần như bạn không thể thực hiện việc này nếu không sử dụng một công cụ audit phù hợp.

Hãy sử dụng công cụ PageSpeed Insights của Google để tìm hiểu xem tốc độ của một trang có đang ảnh hưởng đến cơ hội được xếp hạng cao của nó hay không. Chú ý thiết lập chế độ mặc định sang trải nghiệm trên di động (mobile).

google-pagespeed-insights

(Nguồn ảnh: Internet)

Việc tối ưu hóa cho thiết bị di động là ưu tiên của Google, nên công cụ này được ra đời với mục đích đó. Lúc mới bắt đầu, bạn hãy sử dụng PageSpeed Insights vì sự nhanh chóng và thuận tiện của nó.

Sau khi kiểm tra, bạn sẽ nhân được một mức điểm số cùng với những hạng mục (insights) chỉ ra hướng xử lý bạn có thể thực hiện để cải thiện mức điểm này.

Có vô vàn những lỗi nhỏ mà một webmaster có thể mắc phải làm cho trang của họ bị chậm lại. Từ việc chuyển hướng quá nhiều cho đến việc CDN chưa hoàn thiện, bạn có thể thực hiện rất nhiều hạng mục để nâng cao tốc độ trang hơn.

Đối với phần lớn những người làm SEO, thì một việc mà họ có thể làm ngay lập tức để cải thiện thời gian tải trang chính là tối ưu các đoạn code và hình ảnh. Hãy loại bỏ đi tất cả những bình luận, các định dạng dư thừa, các dòng code không sử dụng, và nén tất cả các hình ảnh trên website của bạn.

PageSpeed là một công cụ tốt để bắt đầu với việc kiểm tra và gia tăng tốc độ cho web page. Nhưng bạn cũng nên tìm cho mình những công cụ chuyên sâu hơn để có một giải pháp toàn diện. Các công cụ đó có thể quét qua tất cả các trang trên website cùng một lúc, bạn có thể khám phá được nhiều đề xuất để cải thiện chỉ với một cú nhấp chuột, và hiệu quả mà nó mang lại cũng sẽ cao hơn.

Kết luận

Hiện nay, dù cho có rất nhiều hướng dẫn, các tài liệu, và các lớp học SEO, nhưng thậm chí dường như vẫn có nhiều người quên đi những gì được xem là nền tảng và bỏ qua chúng. Trên đây là 5 vấn đề thường gặp phải khi thực hành SEO, hi vọng qua bài viết này của Khóa học SEO Á Âu, bạn đã có thêm được những kiến thức hữu ích để áp dụng cho website của mình.

Điểm: 4.8 (26 bình chọn)

Tác giả: Lâm Vĩ

Tôi là một Marketer, hiện đang công tác tại Hướng Nghiệp Á Âu với vai trò nghiên cứu, sáng tạo và phát triển các giải pháp tiếp thị hiệu quả trong thế giới Digital Marketing.

Bài viết liên quan

ĐƠN VỊ TUYỂN DỤNG CHEFJOB.VN

ĐẦU BẾP - BẾP BÁNH - PHA CHẾ - PHỤC VỤ - BUỒNG PHÒNG

LỄ TÂN - QUẢN LÝ NHÀ HÀNG - KHÁCH SẠN

Hotline: 1900 2175 - Web: www.chefjob.vn

SIÊU THỊ ĐVP MARKET

Chuyên bán sỉ lẻ Nguyên liệu - Dụng cụ - Máy móc

TRÀ SỮA - CAFÉ - QUÁN ĂN - QUÁN KEM - KINH DOANH BÁNH

Hotline: 028 7300 1770 - Web: www.dvpmarket.com

Ý kiến của bạn