Tôi hỏi Trung Hiếu: 4 năm đủ để hiểu những vinh quang lẫn vất vả của nghề. Vậy đã khi nào anh từng nghĩ sẽ chọn một nghề khác nhẹ nhàng hơn? Anh thoáng hướng ánh nhìn về đồng nghiệp đang cần mẫn trong gian bếp tất bật, ồn ào rồi đáp: “Hiếu chưa bao giờ nghĩ như vậy. Mình đã chọn rồi thì cứ một hướng mà bước đi, phấn đấu tiếp chứ chắc chắn không bao giờ bỏ cuộc hay quay đầu”…
Và câu chuyện của chúng tôi đã bắt đầu như thế!
Anh là Trần Trung Hiếu – cựu học viên khóa Nghiệp vụ Bếp trưởng tại Hướng Nghiệp Á Âu, hiện là Chef de partie (Trưởng ca) Bếp Hoa tại Nhà hàng Buffet cao cấp D’Maris (Quận 7, TP.HCM).
Gương mặt của chàng trai sinh năm 1994 luôn nở nụ cười tươi và kể về công việc với giọng nói tràn đầy năng lượng. 24 tuổi, Hiếu dành 3 năm học Cao đẳng Cơ khí ô tô, khoảng 1 năm cho công việc tài xế và đến nay là tròn 4 năm cho nghề đầu bếp. 3 tháng thử việc, 4 tháng để lên vị trí Bếp chính và 2 tháng nữa để trở thành Chef de partie – đó là hành trình của anh tại D’Maris trong gần 1 năm qua.
8h sáng, các đầu bếp ở D’Maris đã vào ca, bắt tay vào công việc nhận – sắp xếp nguyên liệu, sơ chế, nấu nướng… Ai nấy đều tất bật, vội vàng với những nhiệm vụ riêng. Anh cho biết 8h là bắt đầu làm việc, 10h30 tất cả nhân viên bếp sẽ meeting cùng Trưởng ca bếp Hoa – Nhật – Hàn – Âu và Bếp trưởng Điều hành, 11h nghỉ giữa ca và 11h30 bắt đầu đón khách.
Mỗi ngày Trung Hiếu phải làm việc trung bình 9 – 12h
Tính chất công việc nghề bếp luôn đòi hỏi Trung Hiếu sự tập trung cao độ trong suốt hơn 10 tiếng làm việc. Không chỉ chế biến những món ăn quan trọng, anh còn liên tục quan sát đồng nghiệp để nhắc nhở, phân công nhiệm vụ, điều chỉnh công việc và đặc biệt là không ngừng thúc đẩy, động viên tinh thần của tất cả mọi người.
Nhìn Trung Hiếu của hôm nay say sưa bên dao – chảo – lửa, không mấy ai nghĩ đã có lúc anh cũng chán nản, mất phương hướng, thiếu tự tin vào lựa chọn của mình. Giai đoạn chuyển lên cấp độ Chuyên sâu, anh từng muốn ngừng lại vì bài học ngày càng khó, lượng kiến thức càng nhiều trong khi thời gian học còn lại rất ngắn. Những lúc đó, Hiếu nghĩ về lý do khiến anh muốn gắn bó với nghề bếp và tiếp tục bước đi.
“Thay vì chán nản, Hiếu chọn cách tiếp xúc và tâm sự với thầy cô nhiều hơn để được hướng dẫn thêm và lắng nghe những chia sẻ bổ ích về định hướng nghề. Thêm vào đó, các bạn cần phải năng động, tự giác, chăm chỉ hơn để tạo cảm hứng và niềm vui học tập cho chính mình. Đừng ngại việc đi sớm, về trễ. Đi sớm để cùng Quản lý bếp vào kho chuẩn bị market list, sắp xếp, phân khay nguyên liệu. Về trễ để tập thói quen dọn dẹp thật sạch sẽ và hỏi thầy cô thêm những điều chưa hiểu”, Trung Hiếu chia sẻ.
Trái với những gì tôi tưởng tượng về những đầu bếp thường ít nói, trầm tính, có phần lạnh lùng, Trung Hiếu cởi mở và luôn kể câu chuyện của mình với một thái độ tích cực. Hiếu nói có khi một ngày phải làm 14 tiếng nhưng vẫn cảm thấy vui vì tất cả đồng nghiệp đều cố gắng, giúp đỡ lẫn nhau. Hiếu cho chúng tôi nhìn đôi bàn tay nhiều vết chai, có những vết đứt chưa lành nhưng ngay sau đó lại rạng rỡ kể rằng càng ngày anh càng học thêm được nhiều cách nấu món mới. Niềm vui đó đủ lớn để quên nỗi đau. Hỏi rằng điều gì tạo động lực lớn nhất, anh kể chỉ cần thực khách khen ngon, đồng nghiệp khen ngon. Đó là hạnh phúc lớn nhất.
Tích cực, lạc quan, biết lấy niềm vui của nghề, sự quan tâm lẫn nhau để quên đi vất vả của nghề là cách để Trung Hiếu và rất nhiều đầu bếp tại D’Maris vượt qua những áp lực đặc thù trong công việc.
Khoảng thời gian học tại Hướng Nghiệp Á Âu mang đến nhiều bài học thiết thực, rất cần thiết cho các đầu bếp trẻ mới ra trường và trong suốt quá trình làm việc. Nhưng đầu bếp sinh năm 1994 cho biết nếu có ai đó hỏi điều gì làm anh nhớ nhất ở trường, anh sẽ nói là ngày khai giảng nhập học.
Đó là cảm giác sung sướng khi lần đầu tiên khoác lên mình bộ đồng phục Bếp, cảm giác như mình đã là một đầu bếp. Đó là khoảnh khắc cùng bạn bè, thầy cô đặt tay lên ngực để lắng nghe và khắc sâu trong lòng lời tuyên thệ nghề nghiệp cao quý, thiêng liêng. Khoảnh khắc ấy, anh hiểu rằng bản thân từ đây phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình.
“Hiếu luôn ghi nhớ bài học của cô Thục Anh về cái Tâm của đầu bếp. Cùng một công thức nhưng nấu với 2 tâm trạng sẽ thành 2 món ăn khác nhau. Đừng nấu ăn khi buồn bực. Nó ảnh hưởng đến chất lượng món ăn, ảnh hưởng đến thực khách, ảnh hưởng đến nhà hàng và chính công việc của mình nhiều lắm”. Vì thế khi đã chế biến, dù có ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hãy nấu bằng tất cả sự tận tụy và chân thành.
Món ăn ngon được tạo nên từ đầu bếp giỏi và luôn lấy cảm nhận của thực khách làm đầu
Nhưng với Trần Trung Hiếu, như thế chưa đủ. Là một đầu bếp, anh không ngại hỏi, ngại học từ Bếp trưởng để hoàn thiện bản thân hơn. Trở thành quản lý, Hiếu chia sẻ mỗi ngày trôi qua anh đều học cách lắng nghe, thông cảm với các đầu bếp xung quanh mình, tận tình chia sẻ những điều hay để cùng nhau tiến bộ. Cái tâm, trái tim người đầu bếp còn là như thế!
Bởi như câu chuyện của Trung Hiếu, 4 năm làm đầu bếp đã cho anh rất nhiều kiến thức về cách nấu ăn của rất nhiều nền ẩm thực chứ không chỉ riêng món Hoa. Áp lực – công việc nào cũng có. Khó khăn – nghề nghiệp nào cũng nhiều. Nhưng quan trọng hơn là hãy giữ ngọn lửa yêu nghề để vượt qua và bước tiếp.
Khi chưa cố gắng hết sức, đừng vội nghĩ đến chuyện dừng lại, từ bỏ chính niềm đam mê của mình.
24 tuổi – chúng tôi biết tương lai của Trần Trung Hiếu còn rất dài ở phía trước. Với tình yêu ấy, nguồn năng lượng tích cực ấy và cả tình cảm thương mến mà anh nhận được từ những người xung quanh, tin rằng con đường của Hiếu đi sẽ còn nhiều hơn nữa những thành công mới. Chúc cho Trần Trung Hiếu – Trưởng ca Bếp Hoa của Nhà hàng cao cấp D’Maris thật nhiều sức khỏe và luôn giữ mãi ngọn lửa nghề để tiến thật xa.
Ý kiến của bạn