“Thẩm mỹ nội khoa” và “thẩm mỹ ngoại khoa” là hai cụm từ thường được nhắc đến trong lĩnh vực làm đẹp. Là người làm trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp nói chung và spa nói riêng, bạn cần hiểu đúng và đủ về hai khái niệm cơ bản này. Cùng Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu phân biệt nhé.
Phân biệt thẩm mỹ nội khoa và ngoại khoa
Hai từ “làm đẹp” nghe có vẻ đơn giản, nhưng thật ra lại rất phức tạp, do đặc điểm cơ thể con người không giống nhau. Đó gọi là cơ địa. Mỗi cơ địa sẽ phù hợp với từng phương pháp làm đẹp khác nhau.
Nhiều người chưa hiểu đúng về thẩm mỹ nội khoa và ngoại khoa
(Nguồn ảnh: Denver Skin Care)
Vì thế, khi nhắc đến hai phương pháp thẩm mỹ nội khoa và thẩm mỹ ngoại khoa, bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng và lắng nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ là người cung cấp những thông tin toàn diện để bạn biết mình phù hợp nhất với phương pháp thẩm mỹ nào.
Thẩm mỹ nội khoa là gì?
Theo thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thẩm mỹ nội khoa là sử dụng các phương pháp KHÔNG cần phẫu thuật, chỉ áp dụng thủ thuật ít xâm lấn để cải thiện diện mạo của con người.
Thẩm mỹ nội khoa không cần phẫu thuật (Nguồn ảnh: Swann Beauty)
Điểm đặc biệt của thẩm mỹ nội khoa là ít gây tác dụng phụ nặng nề như các trường hợp phẫu thuật có gây mê.
Thẩm mỹ ngoại khoa là gì?
Trái ngược với thẩm mỹ nội khoa thì thẩm mỹ ngoại khoa cần đến sự can thiệp của phẫu thuật (nên còn gọi là phẫu thuật thẩm mỹ). Phương pháp này cũng hướng đến thay đổi và cải thiện vẻ ngoài của con người.
Nhiều người thường nhầm lẫn thẩm mỹ ngoại khoa và phẫu thuật chỉnh hình. Thật ra, thẩm mỹ ngoại khoa chỉ là một nhánh nhỏ của phẫu thuật chỉnh hình (thuật ngữ mô tả bất kỳ loại tái tạo cơ thể nào).
Thẩm mỹ ngoại khoa có sự can thiệp của phẫu thuật (Nguồn ảnh: thanhnien)
Do là phương pháp làm đẹp xâm lấn nên dĩ nhiên, thẩm mỹ ngoại khoa luôn đi kèm với rủi ro nhất định. Vì thế, trước khi phẫu thuật thẩm mỹ, bạn cần chắc chắn về mục đích của mình và có sự tư vấn chi tiết từ người có chuyên môn.
Ví dụ các phương pháp thẩm mỹ nội khoa
Ánh sáng điều trị
Trong thẩm mỹ nội khoa, không thể không nhắc đến công dụng làm đẹp của IPL (Intense Pulse Light) và đèn LED.
- IPL: Dãy ánh sáng có bước sóng 400 – 1200nm, được ứng dụng trong triệt lông, trẻ hoá da, điều trị mụn, điều trị giãn mao mạch…
- LED: Được ứng dụng trong trẻ hoá da và điều trị mụn.
Thẩm mỹ nội khoa bao gồm sử dụng công nghệ ánh sáng trong trị liệu
(Nguồn ảnh: Nitipon Clinic)
Laser điều trị
Laser là loại ánh sáng có cường độ cao, mang nguồn năng lượng rất lớn và có bước sóng chọn lọc. Các loại tia laser khác nhau sẽ có tác dụng không giống nhau khi tiếp xúc với da.
Các vật thể màu mục tiêu của laser bao gồm hemoglobin (thành phần cấu tạo nên hồng cầu), melanin (sắc tố quyết định màu mắt, tóc, da) và nước với công dụng điều trị như sau:
- Laser có đích tác dụng là hemoglobin: điều trị bướu máu, giãn mao mạch…
- Laser có đích tác dụng là melanin: điều trị nám, tàn nhang, tăng sắc tố sau viêm, trẻ hoá da không cần nghỉ dưỡng…
- Laser có đích tác dụng là nước: điều trị sẹo mụn, rạn da, đốt mụn cóc, nốt ruồi…
Laser đem lại công dụng rất đa dạng trong làm đẹp (Nguồn ảnh: Derm Collective)
Lăn kim
Lăn kim là sử dụng nhiều kim nhỏ, vô trùng để lăn lên bề mặt da và tạo ra các thương tổn nhỏ nằm sâu tới lớp bì của da.
Phương pháp lăn kim hữu ích trong điều trị rụng tóc, sẹo mụn, trứng cá đỏ, tăng sắc tố da… hoặc khi cần đưa hoạt chất thấm sâu hơn vào da (tretinoin, vitamin C…).
Lăn kim tạo ra các vết thương nhỏ trên da (Nguồn ảnh: Arch Aesthetics)
Sóng RF
Sóng RF có tác dụng trong việc kích thích tạo collagen, giúp da săn chắc, trẻ hoá nên thường áp dụng cho những người có tình trạng da chảy xệ, nếp nhăn, cải thiện mụn/sẹo mụn, cải thiện kích thước lỗ chân lông… (tuỳ hệ RF).
Hiệu quả rõ rệt của sóng RF là cải thiện nếp nhăn, da chảy xệ…
(Nguồn ảnh: Essex Body Sculpture)
Sóng siêu âm
Công nghệ sóng siêu âm hội tụ sử dụng sóng siêu âm cường độ cao để tạo ra tác động nhiệt sâu không xâm lấn vào lớp cân cơ (nâng da, đường nét gương mặt) và lớp collagen (quyết định độ săn chắc, mịn màng).
Với phương pháp này, da sẽ cần ít nhất 4 tuần để hồi phục. Các sợi collagen tiếp tục tăng sinh, làm đầy nếp nhăn với hiệu quả được duy trì nhiều tháng.
Sóng siêu âm hội tụ đặc biệt hiệu quả trong trẻ hoá gương mặt
(Nguồn ảnh: The Aesthetics Studio)
Chất làm đầy (filler)
Tiêm filler là thủ thuật thẩm mỹ nội khoa, sử dụng hoạt chất có chức năng làm đầy tiêm để trực tiếp vào bên trong lớp trung bì với mục đích làm tăng thể tích tại vị trí tiêm.
Các dịch vụ phổ biến hiện nay là tiêm filler nâng mũi, tiêm filler độn cằm, tiêm filler làm đầy rãnh cười, tiêm filler tạo hình môi, tiêm filler má baby…
Hiệu quả tạo hình của tiêm filler (Nguồn ảnh: Utah Facial Plastics)
Những loại filler thông dụng gồm hyaluronic acid, calcium hydroxylapatite, poly-L-lactic acid… Nhìn chung, phương pháp này chỉ có tác dụng từ vài tháng – vài năm tùy cơ địa và cách chăm sóc của mỗi người.
Căng da bằng chỉ
Là phương pháp thẩm mỹ nội khoa, căng da mặt bằng chỉ sử dụng loại chỉ đặc biệt có thành phần là PDO (Polydioxanone) hoặc PCL (Polycaprolacton) để đưa vào da.
Căng da bằng chỉ là thủ thuật đưa loại chỉ đặc biệt vào da
(Nguồn ảnh: Aesthetics Journal)
Mục đích là kéo căng da mặt, giảm hiện tượng chảy xệ, giúp nâng cung mày, thon gọn gương mặt… Phương pháp này cần nghỉ dưỡng 1 – 2 tuần và có tác dụng từ 6 tháng – 2 năm.
Ví dụ các phương pháp thẩm mỹ ngoại khoa
Hút mỡ
Hút mỡ là thủ thuật sử dụng ống thông mỏng để hút mô mỡ ra khỏi các bộ phận trên cơ thể như bụng, đùi, mông, hông, mu bàn tay…
Hút mỡ có thể dẫn tới một số tai biến nguy hiểm (Nguồn ảnh: thanhnien)
Với phương pháp thẩm mỹ ngoại khoa này, các biến chứng có thể xảy ra gồm tụ máu, nhiễm trùng, tổn thương cấu trúc dưới da…
Thẩm mỹ ngoại khoa vùng mặt
- Phẫu thuật mí mắt: loại bỏ hoặc tái định vị da/chất béo dư thừa ở khu vực này.
- Tạo hình mũi: định hình lại dáng mũi qua một vết rạch nhỏ bên trong lỗ mũi.
- Độn cằm và gò má: giúp xương gò má và cằm trở nên nổi bật hơn, khuôn mặt cân đối hơn…
- Phẫu thuật tai: định hướng tai về phía đầu hoặc định hình sụn.
Độn cằm là hình thức thẩm mỹ ngoại khoa vùng mặt
(Nguồn ảnh: TLKM Plastic Surgery)
Thẩm mỹ ngoại khoa vùng ngực
Phương pháp này bao gồm tăng/giảm kích thước ngực, nâng ngực…
Trên đây là những thông tin cơ bản giúp bạn phân biệt rõ thẩm mỹ nội khoa và thẩm mỹ ngoại khoa. Nếu quan tâm đến các chủ đề khác về chăm sóc sắc đẹp, muốn có thêm kiến thức để làm nghề thì bạn có thể tham khảo tại đây nhé.
Ý kiến của bạn