Là một trong những món bánh truyền thống lâu đời của Nhật Bản, Wagashi được nhiều người biết đến không chỉ nhờ hương vị tuyệt hảo mà còn bởi kỹ thuật tạo hình vô cùng bắt mắt và tinh xảo. Cùng đến với lớp thực hành tạo hình Wagashi buổi 2 để tìm hiểu về những đặc điểm và kỹ thuật tạo hình Wagashi độc đáo nhé!
Wagashi xinh xắn “hút mắt” người thưởng thức từ cái nhìn đầu tiên
Được xem là linh hồn và tinh hoa ẩm thực của đất nước mặt trời mọc, những chiếc bánh Wagashi tinh tế với nhiều hình dạng và màu sắc bắt mắt luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng thực khách ngay từ lần đầu thưởng thức. Mỗi chiếc bánh ra đời chính là nhờ vào đôi tay kỳ công và điêu luyện của những người thợ tài ba. Không chỉ nổi tiếng ở xứ sở hoa anh đào, bánh Wagashi với nét độc đáo có một không hai còn được truyền bá rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại buổi thực hành tạo hình Wagashi của HNAAu, các học viên sẽ được lĩnh hội những kiến thức cơ bản về dòng bánh này và tự tay tạo ra những chiếc bánh với hình dáng và màu sắc vô cùng độc đáo.
Để cho ra đời một chiếc bánh Wagashi hài hòa, đẹp mắt, người thợ làm bánh phải sử dụng “Nghệ thuật 5 giác quan” bằng cách cảm thụ thông qua: Thính giác (nghe tên gọi), thị giác (nhìn ngắm), xúc giác (sờ cảm nhận), khứu giác (ngửi mùi hương), vị giác (ăn và cảm nhận). Từng chiếc bánh được tạo ra đều có khả năng đánh thức giác quan của người thưởng thức, vì thế nếu muốn cảm nhận trọn vẹn hương vị và độ tinh tế của bánh, người ăn cũng phải sử dụng hết 5 giác quan của mình.
Với các nguyên liệu được sơ chế từ buổi học trước, công đoạn chuẩn bị nguyên liệu trở nên đơn giản hơn. Các học viên chỉ cần sên bột bánh và vê nhân là đã có thể bắt tay vào công đoạn tạo hình bánh. Tại buổi thực hành, Giảng viên hướng dẫn cả lớp kỹ thuật tạo hình 4 loại bánh: Tứ sắc, hoa hướng dương, hoa tulip và sen đá.
Giảng viên hỗ trợ các học viên trong từng công đoạn
Tạo hình bánh là công đoạn quan trọng nhất, quyết định sự thành công của thành phẩm. Để làm được những chiếc bánh xinh xắn, hình dáng cân đối, màu sắc hài hòa, bắt bắt, đòi hỏi người thợ làm bánh phải tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn trong từng thao tác thực hiện. Dưới sự hướng dẫn chi tiết của Giảng viên từ công đoan chia tỉ lệ bột bánh, pha màu đến kỹ thuật tạo hình… mỗi học viên đều háo hức bắt đầu buổi thực hành.
Giảng viên làm mẫu công đoạn bắt cánh hoa sen đá
Từng bước, Giảng viên hướng dẫn lớp cách sử dụng công dụng cụ một cách hiệu quả cho từng loại bánh khác nhau, các thao tác kỹ thuật tạo hình bánh từ đơn giản đến phức tạp. Học viên chăm chú tập trung theo dõi và quan sát từng kỹ thuật do Giảng viên làm mẫu, sau đó tự tay thực hiện chiếc bánh của mình. Công đoạn tạo hình bánh tưởng chừng sẽ làm khó được các học viên nhưng với những đôi tay khéo léo cùng sự nỗ lực của các bạn, từng chiếc bánh được hoàn thiện, xinh xắn và đẹp mắt.
Bánh Wagashi tứ sắc đẹp mắt do các học viên thực hiện
Bên cạnh những loại nhân truyền thống là đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng, Giảng viên còn hướng dẫn cách biến tấu hương vị bánh Wagashi với nhân mè đen, trà xanh, bí đỏ, hạt dẻ, chanh dây, hồng sấy khô, hoa đào muối… Cùng với đó là cách bảo quản thành phẩm để kéo dài thời gian sử dụng.
Thành phẩm Wagashi đẹp mắt, hấp dẫn
Tuy có phần khá vất vả, nhưng nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của Giảng viên cùng sự cố gắng của các bạn học viên, từng chiếc bánh Wagashi xinh xắn, đáng yêu dần hoàn thiện. Sau buổi thực hành, chắc hẳn các bạn học viên sẽ có cho mình những kỹ năng và kinh nghiệm để tự tin làm bánh tại nhà.
Ý kiến của bạn