Sủi cảo còn gọi là bánh chẻo được coi như một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực truyền thống Trung Hoa. Đặc biệt, đây là món ăn trung hoa dễ làm không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán của người Hoa. Cùng theo dõi cách làm sủi cảo đơn giản được hướng dẫn chi tiết dưới đây để có thể thực hiện cho gia đình, bạn bè cùng thưởng thức nhé!
Học cách làm sủi cảo – món ăn truyền thống nổi tiếng của người Hoa. Ảnh: Internet
Sủi cảo là gì? Ý nghĩa của món ăn sủi cảo
Đây là một món ăn có phần vỏ bột bọc bên ngoài còn bên trong là nhân thịt. Trước kia, người Trung Hoa hay ăn sủi cảo vào những dịp lễ tết, đặc biệt là trong đêm giao thừa để mong thật nhiều may mắn và hạnh phúc. Ngoài ra, những viên sủi cảo có hình dáng trông giống đồng tiền xưa của Trung Quốc nên có ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu có, sung túc trong năm. Không chỉ dừng lại là một món ăn trong những dịp lễ tết, ngày nay, sủi cảo thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của người Trung Hoa hiện đại.
Ảnh: Internet
Trong tập quán của Trung Quốc, từ quá trình làm nhân, tạo hình cho đến lúc ăn sủi cảo đều khá cầu kỳ. Chẳng hạn như, khi làm nhân, quá trình băm thịt và rau phải vang vọng, kéo dài tiếng của dao thớt chạm vào nhau. Rau trộn với thịt làm nhân, trong tiếng Trung Quốc đồng âm với từ “có của”. Băm nhân tiếng to mà thời gian lại dài, có nghĩa là “lâu dài và dư thừa”. Và băm nhân thời gian càng dài tức là gói sủi cảo càng nhiều thể hiện gia đình đó sẽ có cuộc sống đầm ấm, khá giả. Khi ăn sủi cảo, cũng phải có quy luật và tôn ti trật tự rõ ràng. Bát thứ nhất là để thờ cúng tổ tiên, tỏ lòng tôn kính cha ông quá cố. Bát thứ hai là để cúng thần thánh trong dân gian. Bát thứ 3 mới đến các thành viên trong gia đình thưởng thức. Khi ăn phải nhớ rằng, nên ăn số chẵn, không được ăn số lẻ.
Sau đây, sẽ là hướng dẫn cách làm sủi cảo nhân thịt tôm đúng hương vị như người Hoa để các bạn cùng tham khảo và làm phong phú cho bữa ăn.
Cách làm sủi cảo người Hoa
Nguyên liệu làm sủi cảo tôm thịt
Nguyên liệu vỏ sủi cảo:
- 200g bột mì
- 2g muối
- 110ml nước ấm
Nguyên liệu nhân sủi cảo:
- 500g thịt nạc dăm heo băm
- 650g tôm đã bóc vỏ, bỏ chỉ
- 100g mỡ heo xay
- 50g thịt ghẹ đã bóc vỏ
- 5g nấm mèo khô
- 2 muỗng cà phê nước tro tàu
- 1.5 muỗng canh bột năng
- 5g gừng băm
- 1 trứng gà
- 1 muỗng cà phê giấm
- Gia vị: muối, đường, bột ngọt, hạt nêm, tiêu, dầu mè
Gia vị cho phần nước chấm:
- 2 muỗng canh nước tương
- ½ muỗng canh giấm
- 1 muỗng cà phê dầu ớt
Cách làm sủi cảo tôm thịt
Cách làm tôm thủy tinh
Rửa sạch 500g tôm cho sạch, để ráo. Sau đó, bạn ướp vào 2 muỗng cà phê nước tro tàu, trộn đều. Tiếp theo, bạn bọc lại cho tôm vào ngăn mát tủ lạnh và để nghỉ trong 30 phút.
Sau khi ướp nước tro tàu 30 phút, bạn mang đi rửa sạch lại 1 – 2 lần nước. Tiếp theo, cho vào tôm 1 muỗng canh bột năng, bóp trộn đều rồi xả sạch lại.
Bạn cho tôm vào thau nhỏ cùng với 3 cục đá lạnh rồi để xả tràn dưới vòi nước chảy chậm 2 – 3h.
Sau đó, bạn rửa sạch lại và cho vào tôm 1 muỗng cà phê giấm bóp, trộn đều, xả sạch lại 2 – 3 lần nước cho sạch nhớt, để ráo hoặc dùng khăn giấy thấm khô.
Tiếp theo, ướp vào tôm ¼ muỗng cà phê đường, 1/8 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột năng, ¼ muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng cà phê dầu mè, trộn đều.
Tôm xử lý để có vị giòn hấp dẫn. Ảnh: Internet
Lưu ý:
- Sau khi rửa sạch, để ráo, bạn cân lại tôm. Cứ mỗi 200g tôm thì ướp 1 muỗng cà phê nước tro tàu. Bạn cần cho lượng nước tro tàu chính xác, không nên cho quá nhiều.
- Nước tro tàu sẽ giúp cho tôm có độ giòn và thịt tôm trong hơn.
- Bột năng sẽ giúp loại bỏ chất bẩn và mùi tanh trong tôm.
- Ướp dầu mè để tôm thơm, không lẫn mùi tanh.
Sơ chế nguyên liệu khác
Nấm mèo rửa sạch, ngâm nở, cắt nhỏ.
Thấm khô bằng khăn giấy 150g tôm. Sau đó, bạn dùng dao bản lớn, đập bẹp tôm và băm nhuyễn.
Sơ chế nấm mèo và tôm cho phần nhân. Ảnh: Internet
Cách làm nhân sủi cảo tôm thịt
Cho thịt heo xay, mỡ xay, tôm băm, 7g muối, 24g đường, ½ muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng canh hạt nêm, ¼ muỗng cà phê tiêu, ½ muỗng canh bột năng, 5g gừng băm vào máy quết bột ở tốc độ vừa (số 4) trong 5 phút. Sau đó, chỉnh chế độ tối đa (số 10) quết trong 2 phút.
Tiếp theo, bạn cho trứng gà vào, quết thêm 2 phút nữa thì tắt máy, lấy thịt ra khỏi cối. Sau đó, bạn cho ½ muỗng canh dầu mè, thịt ghẹ, nấm mèo vào, trộn đều theo 1 chiều rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh nếu chưa gói ngay.
Quết nhân bằng máy để có độ dai ngon
Lưu ý:
- Bạn nên chọn thịt nạc vai để nhân mềm và ngon hơn.
- Mỡ là thành phần không thể thiếu để nhân có độ dai.
- Thịt heo, tôm, mỡ trước khi quết cần cho vào ngăn mát tủ lạnh.
- Bạn có thể sử dụng hạt nêm gà hoặc heo đều được.
- Bột năng sẽ giúp cho nhân thịt dai hơn.
- Trứng gà sẽ giúp cho nhân dính chặt vào phần da sủi cảo.
- Bạn có thể không sử dụng thịt ghẹ cho phần nhân cũng được.
- Sau khi cho thịt ghẹ, nấm mèo, dầu mè vào, bạn nên trộn theo 1 chiều để hỗn hợp nhân không bị bở.
Cách làm vỏ sủi cảo
Rây mịn bột mì vào âu, tiếp theo cho 2g muối, 110ml nước ấm vào, trộn đều cho đến khi thấy bột hút hết nước thì dùng tay nhồi khoảng 2 phút để bột thành khối, mọc kín âu bột và ủ trong 15 – 20 phút.
Sau khi để bột nghỉ xong, bạn mang ra nhồi tầm 5 phút cho bột dẻo mịn. Tiếp tục, bọc kín khối bột và cho bột nghỉ 1h.
Sau khi bột nghỉ được 1h, bạn mang ra chia khối bột làm 2 và lăn mỗi phần thành hình trụ dài rồi tiếp tục cắt bột thành những cục nhỏ khoảng 8 – 10g.
Rắc 1 ít bột mì ra mặt phẳng, cho cục bột lên và dùng đồ cán, cán mỏng. Bạn dùng lực mạnh để cán mỏng ở các rìa, phần giữa có thể dùng lực ít hơn. Cứ thế cán cho hết số bột.
Cách làm vỏ sủi cảo cũng rất đơn giản và dễ thực hiện. Ảnh: Internet
Lưu ý:
- Rây bột mịn để lớp vỏ sủi cảo mịn, không bị lợn cợn.
- Ở lần nhồi bột đầu tiên, bạn chỉ cần nhồi trong 2 phút cho bột thành khối, kết dính lại với nhau, không rời rạc là được, rồi mang đi ủ, không cần nhồi quá kỹ.
- Ở lần nhồi bột thứ 2, sau khi bột nghỉ sẽ trở nên mềm, dẻo nên rất dễ nhồi, bạn chỉ cần nhồi sơ qua tầm 5 phút là bột sẽ dẻo, mịn ngay.
- Tùy sở thích ăn vỏ dày hay mỏng, to hay nhỏ, bạn có thể chia bột thành cục lớn hoặc nhỏ nhưng trung bình là 8 – 10g. Tuy nhiên nếu vỏ dày quá ăn sẽ nhanh ngán.
Gói sủi cảo
Cho nhân thịt vào giữa miếng vỏ, rồi đặt tôm thủy tinh lên trên thịt. Lượng nhân trong khoảng 15 – 20g. Sau đó, gập đôi vỏ lại, ép phần viền cho dính với nhau. Tiếp tục tạo các nếp gấp ở rìa cho đẹp mắt, bạn gấp từ ngoài vào mỗi bên 3 nếp hoặc nhiều hơn đều được.
Có rất nhiều cách gói, tạo hình khác nhau cho sủi cảo. Ảnh: Internet
Lưu ý:
- Lượng nhân dao động trong khoảng 15 – 20g tùy theo sở thích của bạn.
- Có rất nhiều cách tạo hình sủi cảo khác nhau, bạn có thể tạo hình theo cách mình thích.
Luộc sủi cảo
Bắc nồi nước lên bếp, đun sôi. Khi nước sôi, bạn cho sủi cảo vào nồi và khuấy nhẹ để sủi cảo không bị dính vào đáy nồi. Tiếp theo đậy nắp nồi, khi thấy nước sôi trở lại, bạn thêm vào nồi 1 cốc nước và đậy nắp. Khi nước sôi trở lại, tất cả bánh sẽ nổi lên trên, lúc này, bạn tiếp tục thêm 1 cốc nước nữa, đậy nắp. Khi nước sôi trở lại, bạn vớt sủi cảo ra và thưởng thức.
Chiên nước sủi cảo
Nếu không thích luộc, bạn có thể làm chín bằng phương pháp chiên nước cũng rất ngon và giòn.
Bắc chảo lên bếp, cho vào 2 muỗng canh cầu ăn, quét đều dầu ra mặt chảo. Sau đó, xếp sủi cảo vào, chiên ở mức lửa vừa trong 2 phút hoặc cho đến khi mặt dưới sủi cảo vàng. Tiếp theo, bạn đổ vào chảo 100ml nước sôi, đậy nắp chảo lại, đun trong khoảng 5 phút trên mức lửa vừa hoặc cho đến khi nước cạn thì đun thêm 1 – 2 phút cho mặt đáy sủi cảo giòn thì tắt bếp và thưởng thức.
Bạn cũng có thể chiên nước nếu muốn ăn giòn. Ảnh: Internet
Làm nước chấm sủi cảo
Bạn cho vào chén 2 muỗng canh nước tương, ½ muỗng canh giấm, 1 muỗng cà phê dầu ớt, khuấy đều là hoàn thành phần nước chấm.
Nước chấm sủi cảo được pha từ nước tương, giấm, dầu ớt. Ảnh: Internet
Trên đây là hướng dẫn cách làm sủi cảo tôm thịt với phần nhân và phần vỏ dai ngon, hấp dẫn, bạn có thể áp dụng luộc hoặc chiên nước để thay đổi hương vị cho bữa ăn nhé! Nếu muốn học thêm cách làm các món dimsum khác của ẩm thực Trung Hoa, bạn có thể điền vào form bên dưới để được Hướng Nghiệp Á Âu tư vấn chi tiết hơn về chương trình học nhé!
Ý kiến của bạn