Tiếp nối phần 1 hôm trước của bài viết về chủ đề những sai lầm nguy hiểm nhất về link building, hãy cùng Đào tạo SEO Á Âu tiếp tục tìm hiểu về 5 lầm tưởng còn lại để cải thiện hiệu quả SEO cho doanh nghiệp nhé!
(Nguồn ảnh: Internet)
Sai lầm #4. Các backlink từ những trang giống như Wiki sẽ đảm bảo thứ hạng cao
Mọi người đều tin rằng nếu họ có được backlink từ những website với độ uy tín rất cao thì họ sẽ được thúc đẩy thăng hạng. Tuy nhiên điều này lại không đúng.
Sự thật
Google xếp hạng Wikipedia và những website tương tự Wiki cũng giống như những website khác trên Internet: bằng cách tính toán giá trị PageRank của các đường link trỏ đến trang cụ thể. Sau đây là thông tin trực tiếp từ một chuyên viên của Google:
Thông tin xác nhận của Gary Illyes trên Twitter (Nguồn ảnh: Internet)
Các gợi ý
Khi đã biết rằng tất cả các website đều được xếp hạng dựa trên những yếu tố giống nhau, thì việc cần làm chính là phân tích PageRank của các đường link. Chúng ta đều biết rằng tính năng tính toán PageRank của Google hiện nay đã không còn hoạt động. Tuy nhiên, phần mềm SEO PowerSuite đã phát triển một giải pháp thay thế cho PageRank – chính là InLink Rank. Chỉ số này sẽ phản ánh sức mạnh xếp hạng của bất kỳ trang nào, và bạn có thể truy cập để xem chi tiết hơn:
Phần mềm PowerSuite cung cấp giải pháp tính toán chỉ số InLink Rank (Nguồn ảnh: Internet)
Sai lầm #5: Các liên kết trỏ ra bên ngoài tác động nhiều hơn các liên kết nội bộ
Ý kiến trên là không chính xác, các liên kết nội bộ (internal link) và các liên kết trỏ ra bên ngoài (external link) đều có tầm quan trọng riêng.
Sự thật
Trong khi các inbound link (hay còn gọi là các backlink) là một trong những yếu tố xếp hạng quan trọng nhất, thì các liên kết nội bộ cũng đóng một vai trò to lớn. Đầu tiên, bằng việc liên kết từ những trang có thứ hạng cao hơn đến những trang có thứ hạng thấp hơn, bạn sẽ thúc đẩy được link juice (thuật ngữ SEO dùng để chỉ sức mạnh của đường link) truyền đến những trang đang bị “yếu” hơn của mình.
Thứ hai, bằng cách tạo ra mạng lưới liên kết các nội dung của bạn lại với nhau, bạn sẽ tạo nên các cụm chủ đề (topic cluster). Trong kỷ nguyên tìm kiếm theo ngữ nghĩa, thì việc này là cực kỳ quan trọng. Khi Google đến website của bạn và tìm thấy toàn bộ một cụm chủ đề thay vì chỉ một trang nào đó, họ sẽ cho rằng bạn là một chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể. Bằng cách này, website của bạn sẽ được xếp hạng cao hơn trong các kết quả tìm kiếm.
Các gợi ý
1. Để xem những trang nào trên website của bạn có độ uy tín cao nhất và thấp nhất, hãy mở phần mềm WebSite Auditor và đi đến mục Site Structure, chọn Visualization. Sau đó sử dụng công cụ Internal Page Rank để tạo ra một sơ đồ phản ánh độ quan trọng và độ uy tín của một trang có trong website. Nhìn vào hình ảnh minh họa dưới đây, thì điểm tròn sẽ càng lớn khi độ uy tín của trang càng lớn.
Sơ đồ phản ánh độ quan trọng và độ uy tín của một trang trong website trong công cụ WebSite Auditor (Nguồn ảnh: Internet)
Bây giờ bạn đã biết được những trang nào của mình có sức mạnh lớn nhất, bạn có thể trỏ link từ chúng sang những trang yếu hơn để gia tăng độ uy tín.
2. Nếu bạn cần kiểm tra xem website của bạn có đang tổ chức các cụm chủ đề hiệu quả không, bạn có thể thực hiện chức năng tương tự trong công cụ Visualization. Đầu tiên hãy đi đến mục Site Structure, chọn Pages, và tìm kiếm một chủ đề cụ thể mà bạn biết mình có nhiều nội dung viết về nó. Lọc qua các kết quả và gắn thẻ đánh dấu (tag) một cách thích hợp.
Quay trở lại giao diện Visualization, tạo ra một sơ đồ dựa trên thẻ chủ đề đã đánh dấu bằng cách nhấp vào biểu tượng bảng màu trong thanh công cụ bên trái và bạn sẽ nhìn thấy được website của mình đang tổ chức các cụm chủ đề ra sao:
Áp dụng chức năng Visualization cho các cụm chủ đề (topic cluster) trong phần mềm WebSite Auditor (Nguồn ảnh: Internet)
Sai lầm #6. Các đường link là yếu tố xếp hạng quan trọng nhất
Khả năng cao là lầm tưởng này xuất phát từ phát biểu sau đây của Andrey Lipattsev – Chiến lược viên cấp cao phụ trách về mảng nâng cao chất lượng tìm kiếm của Google Search: “Nội dung, link và RankBrain là 3 yếu tố xếp hạng hàng đầu.”
Sự thật
Mọi người đều biết rằng có hơn 200 yếu tố xếp hạng có liên quan đến trải nghiệm người dùng (UX), khả năng thân thiện với thiết bị di động (mobile usability), hiệu suất về mặt kỹ thuật (technical performance), ý định của truy vấn (query intent)…
Về bản chất thì các yếu tố xếp hạng của Google thay đổi rất linh hoạt. Bộ máy tìm kiếm lựa chọn các yếu tố xếp hạng phần lớn dựa trên ý định cụ thể của truy vấn. Chuyên gia phân tích của Google – John Mueller đã xác nhận về vấn đề này.
Vậy nên, các liên kết vẫn rất giá trị, vì chúng là một trong những số ít những yếu tố mà có thể mang lại kết quả gần như ngay lập tức. Nhưng sẽ không đúng nếu cho rằng Google bỏ qua tất cả những yếu tố khác để ưu tiên những website có hồ sơ backlink ấn tượng.
Các gợi ý
Backlink là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần được kiểm tra thường xuyên. Công cụ SEO SpyGlass có đầy đủ chức năng để hỗ trợ bạn thực hiện việc này hiệu quả.
Đầu tiên, công cụ này sẽ tìm kiếm tất cả các backlink mà website của bạn đang có. Sau đó, bạn có thể kiểm tra xem đâu là những backlink nguy hiểm nhờ vào chỉ số Penalty Risk.
Chỉ số Penalty Risk trong SEO SpyGlass có thể giúp nhận diện các backlink nguy hiểm (Nguồn ảnh: Internet)
Thứ hai, bạn có thể đặt lịch kiểm tra định kỳ trong công cụ này. Đi đến mục Preferences, chọn Scheduler và bổ sung công việc cần thực hiện:
Lên lịch kiểm tra tự động với chức năng Scheduler (Nguồn ảnh: Internet)
Sai lầm #7. Các đường link không liên quan đến ngách thị trường của bạn sẽ không giúp website thăng hạng
Thỉnh thoảng, bạn sẽ nghe nhiều người nói rằng những đường link không liên quan sẽ được xem như là những đường link chất lượng thấp. Hãy cùng tìm hiểu tại sao điều này lại không đúng nhé.
Đúng là, chúng ta được hướng dẫn rằng để xếp hạng cao, chúng ta cần những đường link có sự liên quan (relevant link). Tuy nhiên, trong trường hợp website của bạn nhận được một backlink không liên quan, nhưng nó lại đến từ một website có độ uy tín cao, thì bạn không cần phải lo lắng. Google sẽ thấy không có vấn đề gì với những liên kết như vậy nếu chúng:
- Được biên tập và đưa vào nội dung một cách có chủ đích (editorially given). Thêm vào đó, trong trường hợp này, thì cũng sẽ rất khó cho các đối thủ của bạn có được những backlink như thế.
- Đến từ một nguồn địa phương (local source). Khi bạn là một doanh nghiệp địa phương, thì các đường link trỏ đến website của bạn có thể đến từ những nơi mà ít người nghĩ đến: các trang danh bạ (directories), các phương tiện truyền thông tại địa phương (local media) hoặc những doanh nghiệp lân cận.
- Đến từ một ngách liên quan gián tiếp đến doanh nghiệp của bạn. Hãy hình dung bạn có một nông trại, và bạn nảy ra một ý tưởng cho thuê một vài động vật mà bạn đang chăn nuôi. Sau một thời gian, bạn phát hiện là doanh nghiệp của mình được đề cập đến trong một bài viết về cách xử lý với tình trạng stress trên một trang tạp chí online về sức khỏe. Đây chỉ là một ví dụ nhưng nó cho thấy rằng những backlink như thế có thể giúp mang lại cho bạn những khách hàng mới.
Sai lầm #8. Chiến lược Guest Posting không còn hiệu quả trong link building nữa
Lầm tưởng này đến từ một phát biểu của kỹ sư Google Matt Cutts. Và đây là một ví dụ cho thấy rằng bạn nên áp dụng tư duy logic đối với những thông tin mà mình tiếp nhận.
Sự thật
Lời phát biểu rằng chiến lược guest posting không còn hiệu quả đã được làm rõ sau đó. Thực tế, điều mà Matt Cutts muốn trình bày chính là những bài guest post spam sẽ không còn hiệu quả. Rõ ràng là tại sao các máy tìm kiếm lại phạt bạn nếu bạn đăng tải bài viết của mình trên một nền tảng uy tín nhằm mục đích xây dựng thương hiệu?
Ngoài ra, cũng có thể nói rằng chiến lược guest posting không chỉ xoay quanh việc xây dựng backlink (phần lớn các liên kết này có thể sẽ bị đặt thuộc tính nofollow bởi chủ sở hữu), mà còn giúp xây dựng thương hiệu và làm cho nó được nhìn thấy nhiều hơn. Đây chính là một nguồn gián tiếp để thu về lưu lượng truy cập.
Các gợi ý
1. Đầu tiên, khi bạn nghĩ đến phương án sử dụng guest post, hãy kiểm tra xem những ai đang nói về thương hiệu của bạn hoặc của đối thủ. Để thực hiện việc này, hãy sử dụng một công cụ social listening (giúp lắng nghe và đánh giá những gì người dùng nói về thương hiệu thông qua mạng xã hội), chẳng hạn như Awario.
Awario là một công cụ social listening hiệu quả (Nguồn ảnh: Internet)
2. Khi có một trang blog nào đó mời bạn viết bài guest post, hãy kiểm tra xem trang đó có đăng tải những nội dung chất lượng không. Tránh đăng bài guest post vào những trang blog spam và có nội dung mỏng (thin content).
3. Bên cạnh các đường link đặt trong phần giới thiệu (bio), hãy sử dụng các đường link phù hợp với ngữ cảnh (contextual link) ngay cả khi chúng là link nofollow.
4. Sử dụng chiến lược guest blog như là một cơ hội để xây dựng thương hiệu và danh tiếng. Hãy tạo ra các nội dung chất lượng và “bắt nhịp” được với người đọc. Đây là cách tuyệt vời để phát triển hồ sơ liên kết một cách tự nhiên.
Kết luận
Hai phần của bài viết đã trình bày cho bạn 8 sai lầm nguy hiểm nhất khi thực hiện link building. Tuy nhiên, bạn sẽ còn gặp rất nhiều lầm tưởng khác, cách tốt nhất là hãy vận dụng khả năng đánh giá và tìm hiểu của mình khi tiếp xúc với một thông tin mới, ngay cả khi nó đến từ một nguồn đáng tin cậy.
Bạn có chia sẻ gì về hoạt động link building trong bối cảnh hiện nay không? Hãy cho Hướng Nghiệp Á Âu biết trong phần bình luận bên dưới nhé!
Ý kiến của bạn