Kỹ thuật pha chế tốt, thao tác nhanh, phong thái tự tin… là những nội dung các bạn học viên được rèn luyện trong buổi học Kỹ thuật pha chế chuyên nghiệp của khóa học Bar Trưởng. Đây là kiến thức nền tảng để học viên tiếp tục phát triển tay nghề, đáp ứng tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp.
Học viên thực hành kỹ thuật khuấy trong pha chế
Để có thể nắm giữ vị trí Bar Trưởng trong hệ thống các Nhà hàng, Khách sạn, Khu nghỉ dưỡng… đòi hỏi bạn phải giỏi kỹ năng pha chế tất cả các dòng thức uống phổ biến trên thị trường đồng thời thực hiện tốt công việc quản lý, điều hành quầy Bar hiệu quả. Trong buổi học này, học viên tìm hiểu và thực hành các kỹ thuật pha chế chuyên nghiệp, vận dụng hiệu quả vào pha chế thức uống.
Làm quen với công cụ dụng cụ pha chế
Mở đầu buổi học, giảng viên giới thiệu và phân loại các dạng quầy Bar phổ biến, hướng dẫn cách bố trí, sắp xếp quầy Bar khoa học, tối ưu công năng từng khu vực, tiết kiệm thời gian tìm kiếm cho nhân viên. Bên cạnh đó, để thực hiện các kỹ thuật pha chế chuyên nghiệp, học viên phải biết cách phân loại và sử dụng các công cụ, dụng cụ pha chế.
Giảng viên giới thiệu các dụng cụ pha chế chuyên nghiệp
Trong quá trình giới thiệu từng dụng cụ, giảng viên kết hợp với hướng dẫn cách sử dụng chi tiết. Nhờ đó, khi bước vào phần thực hành kỹ thuật pha chế chuyên nghiệp, học viên nhanh chóng làm quen và thực hiện thao tác với các dụng cụ một cách chuẩn xác. Ngoài ra, học viên sẽ khám phá tên gọi các loại ly phục vụ đồ uống, các đơn vị sử dụng phổ biến trong pha chế, cách quy đổi các đơn vị đo lường quốc tế…
Học viên chăm chú lắng nghe giảng viên hướng dẫn cách sử dụng shake
“Điểm danh” các kỹ thuật pha chế chuyên nghiệp
Các Bar Trưởng tương lai cần nắm vững kiến thức cơ bản, để ứng dụng vào quá trình làm việc và đào tạo nhân sự quầy Bar.
Shake (lắc)
Shake là kỹ thuật sử dụng bình lắc hòa quyện các nguyên liệu vào với nhau, đồng thời làm lạnh, đẩy hương, đẩy mùi cho đồ uống. Dụng cụ để thực hiện kỹ thuật lắc là bình shake.
Stir (khuấy)
Stir là kỹ thuật khuấy, có tác dụng giúp các nguyên liệu hòa quyện, làm lạnh đồ uống và hạn chế đá tan nhanh. Đồng thời, kỹ thuật khuấy sẽ giữ được vị cay và hương thơm của rượu. Dụng cụ để thực hiện kỹ thuật khuấy là bar spoon.
Stir là một trong những kỹ thuật pha chế được sử dụng thường xuyên
Build (rót thẳng)
Build là kỹ thuật đơn giản trong pha chế đồ uống. Đây là kỹ thuật rót nguyên liệu trực tiếp vào ly theo góc 90 độ, không khuấy vàs lắc.
Muddle (dầm)
Muddle là kỹ thuật dầm hoặc nghiền nguyên liệu pha chế bằng chày dầm. Kỹ thuật này có tác dụng mang lại hương thơm, mùi vị đặc trưng cho đồ uống như: bạc hà, hương thảo, chanh, dâu tây, gừng…
Roll (lắc và khuấy)
Roll là kỹ thuật được kết hợp giữa lắc và khuấy. Đặc điểm của kỹ thuật này là hòa quyện các nguyên liệu tốt hơn khuấy nhưng nhẹ nhàng hơn so với lắc. Học viên sẽ rót thức uống từ ly này sang ly khác nhiều lần, nhờ vậy thức uống có mùi vị hòa quyện nhưng không bị loãng do đá tan.
Kỹ thuật roll đòi hỏi người pha chế phải khéo léo thực hiện
Layer (xếp tầng)
Layer là phương pháp rót trực tiếp các nguyên liệu pha chế vào ly sao cho nguyên liệu phân thành từng tầng riêng biệt, không bị trộn lẫn vào nhau. Khi thực hiện kỹ thuật này, phải áp dụng nguyên tắc “nguyên liệu nặng nằm dưới, nguyên liệu nhẹ nằm trên”.
Blend (xay)
Blend là kỹ thuật pha chế đơn giản, chỉ cần cho nguyên liệu vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn.Kỹ thuật này thường được áp dụng để thức uống đá xay, sinh tố, milkshake…
Free Pour (rót tự do)
Free Pour là kỹ thuật định lượng nguyên liệu không dùng dụng cụ đong. Học viên sẽ gắn vòi rót vào chai và rót nguyên liệu vào ly hoặc bình lắc. Trong quá trình rót, học viên định lượng nguyên liệu bằng mắt hoặc đếm nhẩm thời gian rót.
Flair (đốt lửa)
Flair là kỹ thuật đốt các nguyên liệu hoặc các thành phần dễ cháy, đặc biệt là rượu để giải phóng hương thơm và tạo hiệu ứng ánh sáng.
Smoky (tạo khói)
Smoky là kỹ thuật pha chế có tác dụng tạo vị khói hoặc hiệu ứng khói bay đẹp mắt cho đồ uống. Học viên sẽ sử dụng súng phun khói để thực hiện kỹ thuật này. Khói được sử dụng trong pha chế thường được tạo thành từ việc đốt các loại thảo mộc, trái cây sấy khô, đá khô…
Thực hành kỹ thuật pha chế chuyên nghiệp
Sau khi lắng nghe giảng viên diễn giải và thị phạm trực tiếp, học viên được chia thành các nhóm nhỏ để thực hành từng kỹ thuật pha chế. Trong quá trình đó, giảng viên quan sát thao tác của từng học viên và điều chỉnh kịp thời.
Học viên lần lượt thực hành từng kỹ thuật pha chế
Ngoài ra, giảng viên chia sẻ một số “bí thuật” giúp học viên chinh phục các kỹ thuật pha chế chuyên nghiệp như:
- Lắc theo nhịp để thức uống hòa quyện đều.
- Cách mở bình shaker dễ dàng, chính xác.
- Chuyển động bar spoon bằng lực cổ tay để giảm cảm giác mỏi khi thao tác trong thời gian dài.
- Cách giảm tốc độ dòng chảy của rượu để nguyên liệu không bị trộn lẫn khi phân tầng.
- Cách tính nhịp đếm ổn định để rót chính xác định lượng nguyên liệu khi sử dụng kỹ thuật free pour.
Bên cạnh đó, giảng viên lưu ý học viên về cách cầm shaker, bar spoon, muddle và tư thế thực hiện các kỹ thuật đẹp mắt, thể hiện được sự tự tin, phong thái chuyên nghiệp. Đặc biệt, giảng viên luôn nhấn mạnh, trong quá trình pha chế, học viên luôn cười tươi. Đây là “vũ khí” giúp học viên có thể lấy thiện cảm và chinh phục khách hàng.
Giảng viên giúp học viên chỉnh sửa tư thế cầm chai rượu đẹp mắt
Sau buổi học, chắc chắn học viên đã nắm vững các kỹ thuật pha chế chuyên nghiệp. Thông qua những chia sẻ của giảng viên, các bạn sẽ có thêm góc nhìn rộng hơn về công việc mình đang theo đuổi. Từ đó, học viên biết cách lập kế hoạch học tập và rèn luyện để chinh phục vị trí Bar Trưởng trong tương lai không xa.
Ý kiến của bạn