Vào những ngày cuối năm, khi thời tiết trở nên hanh khô, độ ẩm không khí xuống thấp cũng là lúc làn da bị hao hụt độ ẩm tự nhiên, dễ trở nên khô tróc và bong vẩy bất thường. Vì thế, chăm sóc da đúng cách vào mùa lạnh thật sự rất quan trọng nếu bạn muốn giữ gìn làn da căng mướt đầy sức sống. Và skincare mùa đông sẽ càng hiệu quả hơn nếu bạn nhận thức và tránh được những sai lầm phổ biến sau đây khi dưỡng ẩm hằng ngày.
Hiểu đúng về dưỡng ẩm là nền tảng để bạn vỗ về và nâng niu làn da ngọc ngà, đặc biệt vào ngày đông hanh khô. Cấp nước, dưỡng ẩm đủ không những giúp da mịn mượt hơn mà còn bảo vệ da khỏi các tác nhân có hại. Thế nhưng đâu đó vẫn tồn tại nhiều hiểu lầm không đáng có xoay quanh chủ đề dưỡng ẩm da mùa lạnh. Bài viết sau đây từ Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu sẽ cùng bạn “vạch trần” những quan niệm sai lầm đó.
Dưỡng ẩm đúng cách là yếu tố tiên quyết để sở hữu làn da khỏe mạnh trong ngày đông
(Nguồn ảnh: Internet)
Hiện tượng khô da mùa đông
Bước vào mùa lạnh, độ ẩm không khí giảm, nhiệt độ giảm dẫn tới tuần hoàn của mạch giảm theo, gây ra hiện tượng da khô hơn, tay chân nứt nẻ và môi bong tróc. Ở giai đoạn này, để da duy trì vẻ ngoài căng ẩm, sáng khỏe, bạn cần chú trọng từng bước một khi chăm sóc da, từ làm sạch đến đặc trị. Vậy làm sao để da luôn căng mịn dù tiết trời hanh khô? Sau đây là một vài lưu ý cần tránh khi dưỡng ẩm da vào mùa lạnh.
Một số sai lầm khi dưỡng ẩm da vào mùa lạnh
Xây dựng quy trình chăm sóc da thiếu khoa học
Sau bước tẩy trang, bạn nên dùng nước ấm rửa mặt, vì nước ấm giúp làm sạch da kỹ hơn và nhiệt độ cao làm tăng quá trình chuyển hóa và độ tan của hoạt chất ở những bước tiếp theo.
Đặc biệt, đừng quên rửa mặt lại bằng nước mát, bởi lúc này nước ấm đang khiến nhiệt độ trên da tăng lên, khiến nước bay hơi. Vì thế, hãy dành 30 giây dùng tay vỗ nhẹ lại toàn mặt (nhằm giữ nước trong lớp thượng bì nông), sau đó rửa tiếp bằng nước mát.
Chỉ nên rửa mặt bằng nước ấm và nước mát, tránh nước nóng (Nguồn ảnh: Internet)
Tiếp theo, ở bước cấp ẩm nông, bạn nên dùng serum hyaluronic acid (HA) hoặc toner (có thể chọn toner acid để vừa giảm độ pH của da, vừa tăng ẩm). Nên thoa serum HA và toner sau khi rửa mặt tầm 1 phút rồi vỗ nhẹ nhàng. Ngoài ra, có thể thay thế hai cách trên bằng mặt nạ HA.
Ở bước treatment cho các vấn đề về da như mụn, nám, lão hóa…, hãy chọn sản phẩm dạng cream (thay vì gel) nhằm giảm bớt bước dưỡng ẩm chứa dầu ở cuối.
Cuối cùng, bạn nên sử dụng thêm sản phẩm cấp ẩm dạng cream. Với tình trạng da bị mụn mủ hay mụn viêm thì cần thoa rất mỏng hoặc không bôi (do bước treatment ở trên đã có dạng cream rồi). Với da không mụn hoặc chỉ mụn ẩn thì vẫn có thể dùng dạng cream nhưng oil-free. Còn với da khô thì sản phẩm có thể chứa dầu dưỡng để cấp ẩm sâu hơn.
Chỉ sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm đắt tiền
Dù rằng “tiền nào của đó” nhưng không có nghĩa sản phẩm dưỡng ẩm càng đắt tiền thì càng hiệu quả, bất chấp thành phần sản phẩm có phù hợp với làn da hay không. Lời khuyên cho chị em là nên chọn sản phẩm từ thương hiệu uy tín, có thành phần, kết cấu và công dụng thích hợp nhất cho loại và tình trạng da.
Sản phẩm chứa hyaluronic acid từ nhà Neutrogena với mức giá tầm trung
(Nguồn ảnh: Internet)
Theo Peter M. Elias – Giáo sư chuyên ngành da liễu Trường Đại học California (Mỹ), glycerin và petrolatum là hai thành phần giữ ẩm cực tốt và tạo điều kiện phục hồi nhanh hơn cho tế bào đang bị thương tổn. Ngoài ra, HA cũng được đánh giá cao bởi khả năng giữ nước gấp 1.000 lần trọng lượng. Và những thành phần này đều có thể tìm thấy trong các sản phẩm với mức giá tầm trung.
Không cần dưỡng ẩm cho da dầu, mụn
Mụn thường “sinh sôi nảy nở” trên làn da có quá nhiều dầu nhờn nên không ít người tin rằng da mụn thì không cần dưỡng ẩm thêm, bởi càng ẩm thì da càng bết rít. Tuy nhiên, đây lại là quan niệm thiếu chính xác.
Việc bảo đảm lỗ chân lông thông thoáng là yếu tố quan trọng khi điều trị mụn, thế nhưng xem nhẹ bước dưỡng ẩm vì sợ bít tắc lỗ chân lông thì không đúng. Khi bạn phớt lờ các sản phẩm dưỡng ẩm và cấp nước, làn da sẽ kích thích tuyến dầu hoạt động mạnh hơn để bù lại như một phản ứng tự nhiên của cơ thể, dẫn tới da càng tiết dầu nhiều hơn.
Da dầu vẫn cần được dưỡng ẩm đúng cách (Nguồn ảnh: Internet)
Ngoài ra, Jim Wilmott – Bác sĩ da liễu với 36 năm kinh nghiệm trong việc phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho biết: “Độ ẩm đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa năng lượng và dinh dưỡng của tế bào. Tất cả các phản ứng sinh hóa xảy ra bên trong da sẽ phụ thuộc vào độ ẩm bên ngoài và bên trong từng tế bào. Nếu thiếu độ ẩm, quá trình sừng hóa sẽ diễn ra không đồng đều và đây là nguyên nhân khiến tắc nghẽn lỗ chân lông và sinh mụn”.
Thoa càng nhiều thì da càng thêm độ ẩm
Liều lượng sản phẩm bôi lên da không tỷ lệ thuận với độ ẩm mượt của da, tức không đồng nghĩa thoa càng nhiều kem dưỡng ẩm thì da bạn càng ẩm lâu hơn. Khi dùng sản phẩm dưỡng ẩm “quá liều”, các tế bào da dễ bị bít tắc, không sản xuất GAGs (tạo nên chất nền giữ cho lớp hạ bì ngậm nước), từ đó da bị “bội thực”, sinh ra mụn ẩn… Do vậy, đọc kỹ thành phần và sử dụng với liều lượng vừa phải vẫn là giải pháp khoa học nhất.
Lạm dụng kem dưỡng ẩm không giúp da bạn ẩm lâu hơn (Nguồn ảnh: Internet)
Chúng ta vừa điểm qua một số sai lầm khi dưỡng ẩm da mùa đông. Vậy chăm sóc da vào mùa lạnh thế nào cho chuẩn khoa học? Để chăm sóc và bảo vệ da đúng cách trong tiết trời hanh khô của những ngày cuối năm, bạn nên:
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Hạn chế tắm, rửa mặt bằng nước nóng
- Bảo vệ da cẩn thận khỏi ánh nắng mặt trời
- Đắp mặt nạ dưỡng ẩm
- Tẩy da chết hàng tuần
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
- Thoa sản phẩm dưỡng ẩm
Bạn có thể tham khảo nội dung chi tiết và lý giải sâu hơn tại đây.
Nhìn chung, dưỡng ẩm nên trở thành một thói quen trong chu trình chăm sóc da hằng ngày của chị em, bất kể ngày hay đêm, mùa hè nóng bức hay mùa đông hanh khô. Hy vọng với bài viết phân tích những sai lầm trong dưỡng ẩm da mùa lạnh trên, bạn đã có thể tự điều chỉnh lại routine của mình sao cho khoa học hơn để đem lại vẻ đẹp căng mướt và mịn mượt cho làn da.
Ý kiến của bạn