Người Hà Nội xưa đã khéo léo kết hợp nghệ thuật trà đạo của Nhật Bản với nét văn hóa rất riêng của đất Việt để hình thành nên phong cách thưởng trà mang đậm âm hưởng dân tộc. Trong mỗi tách trà chứa đựng “cả một bầu trời” lễ nghi và triết lý cuộc sống được người xưa đúc kết qua ngàn năm lịch sử.
Người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng coi thưởng trà là một thú vui tao nhã. Sự cầu kỳ của nghệ thuật ướp trà, sự tỉ mỉ của nghệ thuật pha trà, sự thanh tao trong nghệ thuật thưởng trà… Tất cả phối hợp hoàn hảo với nhau để tạo nên nét văn hóa uống trà đạo đặc biệt của người Việt.
Trà sen – trà “hoàng gia” của người Việt
Người Hà Nội xưa chuộng cách ướp trà trong hoa sen. Mỗi cân trà, người nghệ nhân phải dùng 1.000 – 1.200 hoa sen để ướp. Mỗi cân trà sen phải dùng 2 – 3 chỉ vàng để đổi. Lá trà phải lấy từ loại trà Tuyết Shan cổ thụ vùng Hà Giang, mọc tự nhiên trên các dãy núi cao 800 – 1.300m, quanh năm sương mù bao phủ.
Từng búp trà non mơn mởn, đọng sương sớm mai vừa hái được các nghệ nhân nâng niu như báu vật. Búp trà sau khi sao và phơi khô sẽ được ủ trong chum (vại), bên trên phủ một lớp lá chuối khô, từ 4 – 5 năm để trà giảm độ chát, búp trà có độ xốp như giấy nhưng vẫn lưu giữ được hương thơm đặc trưng của trà.
Cách ướp trà sen nổi tiếng
Trà sẽ được gói thành từng túi nhỏ, thả vào trong bông sen. Khi đêm xuống, sen khép cánh lại, trà được ủ suốt cả một đêm nên quyện hương sen thơm ngát. Hoặc người nghệ nhân sử dụng hạt trắng ở đầu nhụy hoa sen, gọi là “gạo sen” để ướp trà. Cứ một lớp trà, nghệ nhân sẽ rải một lớp gạo sen, sau cùng sẽ phủ một lớp giấy bản. Thời gian ướp sen thường dao động từ 18 – 24 giờ.
Sau đó, nghệ nhân sẽ sàng lọc để loại bỏ gạo sen rồi đóng trà trong những chiếc túi giấy chống ẩm và sấy cho trà khô, hương trà và hương sen quyện lại. Nghệ nhân lại ướp trà với gạo sen, giai đoạn này lặp lại đến lần thứ 2, thứ 3, thứ 4 và thậm chí là thứ 5. Số lần ướp trà với sen càng nhiều trà càng thơm, hương sen càng hòa quyện nồng nàn. Chính sự cầu kỳ và tỉ mỉ và trong quá trình ướp đã tạo ra một loại trà sen được người xưa ví như “trà hoàng gia”.
Nét đẹp văn hóa “ẩn mình” trong nghệ thuật thưởng trà
Quá trình pha trà đòi hỏi người ta phải tỉ mỉ trong từng thao tác. Dần dần các thao tác ấy chuyển hóa thành lễ nghi không thể thiếu trong nghệ thuật trà đạo của người Việt.
Hãm trà
Trước khi pha trà, ly trà, bình trà phải được làm nóng bằng nước sôi, dụng cụ múc trà, vớt bỏ xác phải đều phải được làm tre hoặc gỗ thơm. Dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm đất nung, được gọi là “Ngọc diệp hồi cung” (lá ngọc quay về cung).
Chỉ mỗi hành động nhỏ nhưng mang hình tượng nhân văn thật sâu sắc
Hành động châm nước nóng rửa trà để loại bỏ bụi bẩn, giúp trà ngấm nước, nước trà pha xong có độ trong mà màu sắc đẹp mắt được gọi là “Cao sơn trường thủy” (núi cao sông dài). Lần châm nước thứ 2 – hãm trà được gọi là “Hạ sơn nhập thủy” (xuống núi tắm sông). Nước nóng sẽ được đổ từ trên cao xuống ấm trà, nước tràn miệng ấm để đậy nắp, bụi trà được loại bỏ. Nắm ấm cũng phải được dội nước sôi làm nóng để giữ nhiệt độ ấm trà tốt nhất. Chỉ sau 1 – 2 phút hãm, hương thơm nồng đậm hấp dẫn người mê trà.
Đến ngay cả cách rót trà cũng chứa đựng hình ảnh tuyệt vời
Rót trà
Trà hãm xong sẽ được rót ra một chén lớn gọi là “chén tống” rồi chia đều cho từng chén nhỏ gọi là “chén quân”. Khi chia trà, người xưa không rót một lần đầy chén, chỉ rót ½ chén, hết một vòng lại tiếp tục rót lần thứ 2 đầy 2/3 chén.
Bình trà như một đội quân thu nhỏ
Rót trà cũng đòi khỏi sự khuôn phép. Nếu rót xoay vòng các chén liên tục, không nhấc tay lên, người ta gọi đó là “Quan Công tuần thành”. Nếu rót từng chén rồi nhấc tay lên rót chén khác, người ta gọi đó là “Hàn Tín điểm binh”.
Hình ảnh rót trà được ẩn dụ như cách đoàn quân tập hợp
Thưởng trà
Trà đạo là thức uống bậc con cháu kính dân trưởng bối, chủ nhà chiêu đãi khách quý, bề tôi dâng lên vua chúa. Vì thế, dâng trà cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Dâng trà đúng cách là ngón giữa đỡ đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén, hành động này được gọi là “Tam long giá ngọc” (ba con rồng đỡ viên ngọc). Người rót trà và người uống đều phải cung kính cúi đầu chào nhau.
Nâng chén trà uống thể hiện sự kính trọng với người rót trà, người làm ra từng búp trà
Trước khi thưởng thức, chén trà phải được nâng sang tay trái rồi sang phải, bước này gọi là “du sơn lãm thủy” (du lãm sông núi). Sau đó, đặt chén trà trong lòng bàn tay, nâng lên mũi cảm nhận hương trà phảng phất và dùng tay che chén trà rồi nhấp 1 ngụm nhỏ. Từ từ nhâm nhi để cảm nhận chút đắng, chút chát và sau đó là vị ngọt thanh nơi cổ họng. Nhấm xong ngụm trà, hương thơm đọng lại khiến người say mê.
Thưởng trà bằng tất cả các giác quan, mắt nhìn, mũi ngửi, tai nghe, lưỡi nếm, tay cầm. Một chén trà ngon là tổng hòa của “pha – rót – thưởng”. Dụng tâm pha trà, dụng tâm cảm trà giúp bạn cảm nhận được hương vị trà tuyệt hảo là triết lý của nghệ thuật trà đạo. Cuộc sống cũng như thế, dụng tâm làm việc sẽ giúp bạn nhận được giá trị xứng đáng.
Ý kiến của bạn