Bạn từng nghe đến công việc phục vụ bàn nhưng chưa biết mô tả công việc cụ thể là gì, cũng như đắn đo về mức lương và lộ trình phát triển của nhân viên phục vụ nhà hàng? Chúng ta sẽ lần lượt cùng nhau tìm hiểu trong bài viết sau nhé.
Mô tả công việc của phục vụ bàn nhà hàng
Phục vụ nhà hàng là người làm nhiệm vụ bưng bê và phục vụ món ăn, thức uống cho khách, đồng thời tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái cho khách khi dùng bữa. Sau đây là bản mô tả công việc nhân viên phục vụ nhà hàng, nêu những công việc mà phục vụ bàn cần làm:
Chuẩn bị trước khi khách đến
- Vệ sinh phòng ăn sạch sẽ
- Set up bàn ăn theo tiêu chuẩn nhà hàng
- Chuẩn bị công cụ dụng cụ ăn uống cho khách
- Kiểm tra danh sách khách đặt bàn và toàn bộ cơ sở vật chất nhà hàng
Đón tiếp khách
Chào khách và xác nhận đặt bàn
- Khi khách đến, chào khách bằng ngôn ngữ phù hợp và theo tiêu chuẩn mẫu câu của nhà hàng
- Hỏi khách đặt bàn chưa, đi tổng cộng bao nhiêu người, có muốn ngồi phòng không hút thuốc không…
Dẫn khách về bàn
- Hướng dẫn khách tới vị trí bàn bằng bàn tay, các ngón khép lại, đi trước khách từ 1 – 1.5m
- Khi khách tới bàn, giới thiệu đây là bàn của khách
Nghiệp vụ phục vụ rất đa dạng, đòi hỏi quá trình đào tạo bài bản (Nguồn ảnh: Internet)
Mời khách vào bàn và giới thiệu thực đơn
Kéo ghế mời khách ngồi và trải khăn ăn cho khách
- Kéo ghế mời khách nữ và người lớn tuổi trước
- Dùng hai tay cầm vào hai bên thành ghế ngã về sau một góc 15 độ
- Nếu khách dùng món kiểu à la carte thì trải khăn ăn vào lòng khách. Nếu khách ăn kiểu buffet thì gấp khăn ăn thành hình tam giác và đặt bên trái khách.
Giới thiệu thực đơn
- Dùng tay phải đưa thực đơn vào chính diện của khách (tùy theo nhà hàng mà thứ tự thực đơn món ăn và thức uống có thể thay đổi), nghiêng người khoảng 30 độ
- Lùi về sau tầm 1.5m, đợi khách chọn món
- Mời, gợi ý thực đơn cho khách bằng các phương pháp
Ghi nhận order
- Điền vào phiếu order các yêu cầu của khách
- Xin yêu cầu của khách về chế biến món ăn (chín tái hay vừa, ít cay hay cay…)
- Nhắc lại order
- Cảm ơn khách và chuyển order cho bộ phận bếp, bar và thu ngân
Phục vụ món ăn, thức uống cho khách
- Dùng khay đúng quy cách để mang thức ăn, nước uống cho khách
- Chọn vị trí thích hợp để đứng quan sát khách, khi khách có nhu cầu sẽ có mặt ngay
Thanh toán, tiễn khách và dọn dẹp
Thanh toán
- Báo với thu ngân cộng hóa đơn khi khách dùng bữa xong
- Kẹp hóa đơn vào sổ da, đựng trong khay và đem ra cho khách
Tiễn khách
- Cảm ơn khách đã dùng bữa tại nhà hàng
- Chào tạm biệt và hẹn gặp lại
Dọn dẹp
- Thu dọn đồ ăn, nước uống thừa và dụng cụ ăn uống bẩn
- Set up bàn mới để đón khách tiếp theo
Thu nhập của phục vụ bàn nhà hàng
Với những ai thắc mắc lương nhân viên phục vụ nhà hàng có cao không thì thực chất thu nhập của phục vụ bàn trong khách sạn 5 sao sẽ dao động từ 5 – 8 triệu/tháng. Đây chỉ là mức tham khảo (còn tùy thuộc vào vùng miền, khối lượng công việc, quy mô nhà hàng…). Nếu thạo kỹ năng, giỏi về sale thì thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều.
Thu nhập phục vụ bàn dao động từ 5 – 8 triệu/tháng (Nguồn ảnh: Internet)
Thu nhập của nhân viên phục vụ nhà hàng được chia cụ thể thành các phần sau:
Lương cứng
Lương cứng phục vụ bàn trong khách sạn 4 – 5 sao dao động từ 3,5 – 5 triệu đồng/tháng. Mức lương cơ bản này có sự chênh lệch giữa nhân viên mới và nhân viên có thâm niên, cũng như địa điểm làm việc, chính sách của khách sạn…
Service charge
Service charge (phí dịch vụ) là khoản tiền trích từ 5% phí dịch vụ nằm trong tổng số tiền khách thanh toán. Vào các mùa cao điểm du lịch, doanh thu khách sạn đạt mức cao đồng nghĩa nhân viên nhà hàng cũng được service charge cao. Ở một số nơi, đôi khi service charge có thể ngang bằng mức lương cơ bản.
Tip
Tiền tip là khoản tiền thưởng từ thực khách khi họ cảm thấy hài lòng. Khách có thể tip trực tiếp cho cá nhân hoặc gộp lại chia đều cho tất cả nhân viên làm việc trong ca hôm đó.
Lộ trình thăng tiến trong nghề phục vụ bàn nhà hàng
Lộ trình phát triển nhà hàng dàn trải thành các vị trí như sau:
Nhân viên phục vụ bàn => Trưởng ca => Giám sát nhà hàng => Quản lý nhà hàng => Quản lý bộ phận Ẩm thực => Giám đốc khối dịch vụ ẩm thực
Với mỗi nấc thang cao hơn, bạn sẽ nhận được mức lương cao hơn tương xứng. Trong đó, vị trí quản lý nhà hàng có thể nhận mức lương 10 – 15 triệu và quản lý bộ phận Ẩm thực có thể hơn 20 triệu.
Yêu cầu đối với nhân viên phục vụ nhà hàng
Tuân thủ quy định về tác phong, đồng phục
Nhân viên phục vụ bàn là người tiếp xúc trực tiếp với thực khách, do đó sẽ đóng vai trò như bộ mặt của nhà hàng. Nhân viên phục vụ cần đảm bảo một số yêu cầu về ngoại hình như nam cắt tóc gọn gàng, nữ tóc búi cao, không đeo nữ trang có giá trị lớn…
Bên cạnh đó, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp trong các nhà hàng, khách sạn lớn cũng cần tuân thủ quy định về đồng phục như mặc đúng đồng phục, mang giày và tất đen, không mang giày có gót quá cao… Một số nhà hàng Nhật hoặc Hàn thậm chí còn yêu cầu nhân viên mặc trang phục truyền thống của nước đó.
Nắm rõ các hạng mục công việc
Công việc phục vụ bàn rất đa dạng, từ set up bàn ăn, chuẩn bị dụng cụ ăn uống cho đến ghi nhận order, bưng thức ăn, hỗ trợ thanh toán… nên bạn cần phải hiểu rõ tính chất và thứ tự công việc mình đang làm. Bên cạnh đó, nắm rõ công việc còn giúp bạn phối hợp nhịp nhàng với đồng nghiệp khi nhà hàng đông khách.
Không chỉ vậy, phục vụ bàn còn phải hiểu rõ và ghi nhớ thực đơn như tên gọi món ăn, cách thức chế biến, nguyên liệu làm nên món ăn, gia vị dùng kèm… để kịp thời tư vấn thắc mắc cho thực khách.
Trang bị nghiệp vụ phục vụ, kỹ năng mềm
Theo bạn, nhân viên phục vụ nhà hàng cần có những kỹ năng gì? Muốn trở thành phục vụ nhà hàng, bạn phải có nghiệp vụ chuyên ngành (set up bàn ăn, trình thực đơn, phục vụ rượu vang, thanh toán hóa đơn cho khách…), cùng với kỹ năng xử lý tình huống phát sinh với khách, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng ngoại ngữ (đặc biệt tiếng Anh)…
Nhân viên phục vụ nhà hàng chuyên nghiệp cần biết giao tiếp tiếng Anh (Nguồn ảnh: Internet)
Có nên làm phục vụ bàn?
Phục vụ bàn là vị trí khởi điểm trong ngành Quản trị Nhà hàng Khách sạn của rất nhiều bạn trẻ mới ra trường (hoặc cả khi còn đi học) bởi mức thu nhập khá hấp dẫn và có lộ trình phát triển rõ ràng. Không chỉ vậy, cơ hội việc làm của nghề này cũng không thiếu, do các nhà hàng, khách sạn liên tục được mở ra, tạo nhu cầu tuyển dụng cực kỳ lớn nên bạn trẻ không gặp quá nhiều khó khăn khi tìm việc.
Bên cạnh đó, phục vụ nhà hàng là công việc đòi hỏi bạn phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, giúp bạn rèn luyện nghiệp vụ phục vụ, trau dồi khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, giải quyết tình huống… nên đây là vị trí “bàn đạp” giúp bạn tích lũy kinh nghiệm thực tế và thăng tiến lên nấc thang cao hơn trong ngành.
Chúng ta vừa cùng tìm hiểu thu nhập nhân viên phục vụ nhà hàng, nhân viên phục vụ bàn làm những gì, lộ trình thăng tiến phục vụ bàn, có nên làm phục vụ nhà hàng hay không… Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có góc nhìn đúng đắn hơn khi lựa chọn nghề nghiệp.
Tham khảo ngay khóa Nghiệp Vụ Quản Lý Nhà Hàng chỉ 3 tháng nếu bạn có ý định theo đuổi công việc liên quan đến F&B.
Ý kiến của bạn