Nên học spa hay trang điểm? Nhắc đến những nghề làm đẹp hot nhất hiện nay, nhất định không thể bỏ sót hai cái tên là nghề trang điểm và nghề spa. Hai lĩnh vực làm đẹp này được đánh giá là rất giàu tiềm năng, mở rộng cơ hội việc làm và đem lại nguồn thu nhập đáng mơ ước. Tuy nhiên, giữa trang điểm và spa, lựa chọn nào sẽ đảm bảo lợi ích tương lai lâu dài hơn? Nghề nào học nhanh và dễ tìm việc hơn? Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu sẽ cùng bạn đi tìm lời đáp bằng cách so sánh mọi khía cạnh của hai lĩnh vực này.
So sánh nghề spa và nghề trang điểm
Spa và trang điểm đều là những nghề dịch vụ, hướng tới mục tiêu thay đổi diện mạo, cải thiện ngoại hình của khách hàng để họ trở nên xinh đẹp và tự tin hơn trong giao tiếp. Người theo nghề trang điểm thường được gọi là chuyên viên trang điểm/makeup artist, còn người làm nghề spa thường được gọi bằng cái tên kỹ thuật viên spa.
Nên học nghề spa hay makeup? (Nguồn ảnh: Internet)
Trang điểm đơn thuần là sử dụng mỹ phẩm, mỹ cụ để nhẹ nhàng tạo nên một lớp phủ tạm thời trên khuôn mặt, thao tác đa phần được thực hiện trên bề mặt da, không sử dụng dao kéo hoặc kim tiêm để biến đổi các bộ phận, bề mặt da của người được trang điểm không chịu nhiều tác động vật lý…
Trong khi đó, các liệu trình, dịch vụ của spa sẽ sử dụng tác động vật lý (massage, bấm huyệt…), chất hoá học (BHA, AHA, vitamin C…), kỹ thuật điều trị bằng máy móc (tia laser, sóng siêu âm…) để khắc phục, điều trị các vấn đề về da, thư giãn toàn thân, tái tạo năng lượng cho khách hàng…
Đứng trước câu hỏi nên học spa hay makeup, Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu sẽ cùng bạn làm rõ một số khác biệt nhất định giữa hai nghề này, để từ đó bạn có quyết định sáng suốt nhất cho bản thân.
Mô tả công việc, kiến thức cần có
Để tự tin làm nghề, trước tiên, cả chuyên viên trang điểm và kỹ thuật viên spa phải trang bị kiến thức căn bản về da liễu, chẳng hạn như cách phân biệt các loại da, cách phân tích tình trạng da, cách đọc bảng thành phần có trong mỹ phẩm…
Điểm chung của nghề spa và trang điểm là đều đòi hỏi kiến thức về da (Nguồn ảnh: Internet)
Kiến thức cơ bản là kim chỉ nam để kỹ thuật viên spa tư vấn, thực hiện liệu trình một cách bài bản cho khách, đồng thời là cơ sở để chuyên viên trang điểm đưa ra giải pháp trang điểm phù hợp nhất cho khách. Còn về kỹ thuật làm nghề, cả hai sẽ không giống nhau. Cụ thể như sau:
Nghề spa
- Tẩy trang, làm sạch da, đắp mặt nạ
- Tẩy da chết vùng mặt và body
- Massage Thuỵ Điển, massage Thái, massage đá nóng, bấm huyệt chuyên sâu…
- Triệt lông, tắm trắng, peel da, xông hơi, gội đầu dưỡng sinh…
- Điều trị các vấn đề về da như lão hoá, mụn, sẹo…
- Các liệu pháp điều trị bằng ánh sáng, vi điểm, sóng siêu âm…
- …
Nghề trang điểm
- Phối màu dựa trên bánh xe màu sắc, kỹ thuật vẽ face chart, ứng dụng hiệu ứng ánh sáng trong trang điểm…
- Đánh nền bằng cọ, tay, latex sponge
- Đánh khối mũi, tạo dáng mũi thanh tú
- Vẽ eyeliner, tán màu mắt, đánh má, vẽ chân mày, tỉa chân mày, phẩy sợi chân mày…
- Thực hành trang điểm theo nhiều layout khác nhau như Âu Mỹ, Hàn Quốc, sự kiện thảm đỏ, chụp ngoại cảnh cô dâu…
- …
Môi trường làm việc
Môi trường làm việc của chuyên viên makeup tương đối đa dạng, thường đòi hỏi di chuyển nhiều nơi. Ví dụ, chuyên viên trang điểm có thể làm việc tại beauty salon, studio váy cưới, theo chân ekip làm phim, di chuyển đến nhà của khách, hậu trường show diễn thời trang/ca nhạc/sân khấu kịch…
Nghề trang điểm có môi trường làm việc khác hẳn so với nghề spa (Nguồn ảnh: Internet)
Trái ngược với chuyên viên makeup, kỹ thuật viên spa sẽ làm việc cố định tại các spa, beauty clinic…, không phải di chuyển đến tận nhà khách hàng để làm. Không gian làm việc của kỹ thuật viên spa khá lý tưởng với phòng ốc sạch sẽ, bài trí đẹp mắt, tràn ngập hương thơm dịu nhẹ và âm thanh thư giãn, vấn đề vệ sinh và sức khoẻ khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Thời gian làm việc
Mỗi spa sẽ có quy định về khung giờ làm việc khác nhau. Nhân viên được phân công và thông báo lịch làm việc cụ thể. Tuỳ mỗi nơi, thời gian làm việc của nhân viên toàn thời gian bắt đầu từ 8 hoặc 9 giờ sáng, kéo dài tới 8 hoặc 9 giờ tối; thời gian ngưng nhận khách tầm 7 giờ tối để nhân viên hoàn thành nốt những vị khách cuối cùng. Thời điểm đông khách thường rơi vào cuối tuần, nghỉ lễ… Ngoài ra, còn có hình thức làm theo ca.
Khung giờ làm việc của kỹ thuật viên spa ổn định hơn chuyên viên trang điểm (Nguồn ảnh: Ngõ Spa)
Đối lập với nghề spa, nghề trang điểm không có khung thời gian làm việc cố định, mà sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của từng khách hàng. Có những thời điểm bạn cực kỳ bận bịu. Ví dụ, nếu trang điểm cô dâu, vào dịp cưới, bạn có thể làm việc không ngơi tay vào ngày cuối tuần, hoặc nếu ekip quay phim làm việc đến nửa đêm thì bạn cũng phải thích ứng theo họ.
Mức lương, thu nhập
Khảo sát từ nhiều nguồn cho thấy nếu là chuyên viên makeup tại studio váy cưới thì mức lương tầm 8.000.000 – 15.000.000 đồng/tháng tuỳ tay nghề, nếu là thợ trang điểm tự do thì thu nhập tầm 10.000.000 – 20.000.000 đồng/tháng, nếu là chuyên viên makeup cho diễn viên sân khấu, người mẫu thời trang thì thu nhập dao động từ 15.000.000 – 100.000.000 đồng/tháng tuỳ theo mức độ nổi tiếng, đối tượng khách hàng của bạn…
Chuyên viên trang điểm nổi tiếng, làm việc với celeb có thể đạt mức thu nhập từ vài chục đến trăm triệu (Nguồn ảnh: Internet)
Theo một bài viết từ báo Thanh Niên, một chuyên viên trang điểm nổi tiếng tại TP.HCM cho biết có thu nhập trung bình hơn 30.000.000 đồng/tháng, cao nhất là 60.000.000 đồng, “mỗi ngày có ít nhất 2 khách, nhiều nhất là 8 khách, mức giá dao đồng tầm 600.000 – 1.000.000 đồng cho khách dự tiệc hoặc chụp ảnh, còn trang điểm cô dâu có giá 2.500.000 – 3.500.000 đồng tuỳ khách”.
Trong khi đó, lương cơ bản của kỹ thuật viên spa dao động ở mức 4.000.000 – 6.000.000 đồng/tháng (phụ thuộc nhiều yếu tố), còn ở TP.HCM rơi vào khoảng 5.000.000 – 8.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, kỹ thuật viên spa sẽ nhận được các khoản như tiền tip từ khách, % hoa hồng bán dịch vụ, % hoa hồng bán mỹ phẩm, thưởng nóng… nên thu nhập dự kiến của kỹ thuật viên spa có thể đạt mức trên dưới 10.000.000 đồng/tháng.
Áp lực, khó khăn trong công việc
Khi thắc mắc nên học spa hay makeup, ắt hẳn không ít bạn phân vân không biết nghề nào chịu nhiều áp lực hơn. Thật sự rất khó để so sánh nghề nào vất vả hơn, bởi cả hai mảng đều có tính chất công việc và áp lực thực tế khác nhau mà chỉ người trong nghề mới hiểu.
Với nghề spa, đừng vì thấy nhiều bạn nữ theo nghề này mà cho rằng đây là công việc nhàn hạ. Công việc thường ngày của kỹ thuật viên spa tác động trực tiếp lên cơ thể khách hàng, ảnh hưởng đến diện mạo, sức khoẻ tinh thần của họ, nên mọi sai sót đều có thể dẫn tới hậu quả khó lường. Dù không gian làm việc sạch đẹp, thoải mái nhưng họ vẫn chịu áp lực không tưởng đấy.
Nghề spa hay trang điểm đều có những áp lực riêng mà chỉ người trong cuộc mới biết (Nguồn ảnh: Internet)
Không chỉ vậy, làm nghề spa đòi hỏi phải có sức khoẻ tốt để thực hiện các động tác dùng nhiều đến thể lực, phải luôn giữ nguồn năng lượng tích cực khi tiếp xúc với khách hàng, phải tăng ca vào dịp cao điểm, khó duy trì giờ giấc ăn uống điều độ… Bên cạnh đó, có tình trạng kỹ thuật viên spa bị khách đụng chạm, gạ gẫm nên họ bắt buộc phải học cách xử lý khéo léo để vừa không phật ý khách, vừa giữ được thái độ chuyên nghiệp.
Còn với nghề trang điểm, công việc này đòi hỏi di chuyển nhiều nơi, phải thức khuya (trang điểm cho người mẫu để hoàn thành show diễn), dậy sớm (đến sớm để trang điểm cho kịp giờ cô dâu làm lễ), gặp khách hàng khó tính, hay yêu cầu chỉnh sửa hoặc đưa ra lời nhận xét gay gắt, giờ giấc ăn uống thất thường ảnh hưởng đến sức khoẻ, có tính đào thải cao nếu không chủ động sáng tạo, bắt kịp xu hướng và trau dồi kỹ năng…
Tiềm năng phát triển
Lộ trình phát triển của nghề makeup có khá nhiều lối rẽ. Bạn có thể gắn bó với vai trò thợ trang điểm tự do, chuyên viên makeup tại studio áo cưới, chuyên viên makeup cho người mẫu, diễn viên…, trở thành nhân viên tư vấn tại các showroom mỹ phẩm, chuyển hướng sang làm beauty blogger mảng trang điểm…
Trở thành beauty blogger mảng trang điểm đang là hướng đi được giới trẻ yêu thích (Nguồn ảnh: Internet)
Với nghề trang điểm, khi đã có kinh nghiệm dày dặn, có chỗ đứng trong nghề, bạn có thể tự mở cửa hiệu riêng, hoặc mở trung tâm đào tạo do chính mình đứng lớp, bởi lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh và đào tạo đang là hướng đi được nhiều chuyên gia trang điểm lâu năm lựa chọn.
Còn trong nghề spa, sau nấc thang khởi điểm ở vị trí kỹ thuật viên spa, bạn có thể thăng tiến lên bậc cao hơn là chuyên viên spa, trưởng nhóm kỹ thuật viên, quản lý spa… Nếu có số vốn trong tay và kinh nghiệm đủ dày, bạn có thể tự đứng ra mở spa riêng hoặc theo hướng trở thành giảng viên đào tạo. Bên cạnh đó, kỹ thuật viên có thể học thêm về y khoa để trở thành y sĩ, đảm nhận các công việc chuyên sâu, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn tại thẩm mỹ viện.
Thời gian đào tạo
Hiện nay, đa phần các cơ sở dạy spa chia thời lượng đào tạo thành hai nhóm: khoá học làm đẹp 2 tháng hoặc ngắn hơn đơn thuần chỉ tập trung vào mảng nào đó như massage, phun thêu…; còn khoá từ 2 tháng trở lên sẽ chuyên sâu hơn về tất cả kỹ thuật cần có của một kỹ thuật viên spa, chú trọng đào tạo kiến thức chuyên môn về da liễu, học viên có thời gian thực hành nhiều hơn…
Thời gian học spa phụ thuộc vào giáo trình, thời lượng thực hành, trình độ giảng viên…
Thông thường, các khoá học trang điểm có thời lượng dao động từ 3 – 6 tháng. Thời gian đào tạo tuỳ thuộc vào khung chương trình đào tạo của mỗi nơi. Đó là chưa kể tốc độ bắt nhịp và tiếp thu của từng học viên. Để thành thạo tay nghề, bạn cần thêm thời gian thực hành tầm 5 – 6 tháng để rèn luyện kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm thực tế.
Đối tượng nên học
Nhìn chung, không có rào cản phân biệt giới tính nào trong nghề spa và trang điểm. Cả nữ và nam đều có thể học và theo nghề. Thực tế cho thấy rất nhiều bạn nam vươn đến vị trí makeup artist hàng đầu tại Việt Nam hoặc trở thành giảng viên tại các cơ sở đào tạo spa. Vì thế, cơ hội thành công trong hai mảng này chia đều cho cả hai giới.
Nghề spa và trang điểm phù hợp với cả hai giới
Một lợi thế khác của cả hai nghề đó là không yêu cầu người học phải có bằng cao đẳng, đại học hay chứng chỉ ngoại ngữ nên áp lực đầu vào được giảm thiểu.
Điều đặc biệt quan trọng đó là do cả hai lĩnh vực trang điểm và spa đều thiên về làm đẹp nên bắt buộc bạn phải là người yêu cái đẹp, có ý thức chăm sóc bản thân và mong muốn được chăm sóc, làm đẹp cho người khác. Nếu thiếu đam mê cho ngành làm đẹp và tố chất làm nghề dịch vụ, có lẽ bạn nên cân nhắc một hướng đi khác.
Nên học spa hay học trang điểm?
Khi đã cùng nhau phân tích và so sánh các điểm giống, khác nhau của nghề spa và nghề trang điểm, ắt hẳn bạn đã có thể đưa ra lựa chọn cho riêng mình. Nếu thích theo đuổi sứ mệnh chăm sóc ngoại hình, cải thiện sức khoẻ, bồi dưỡng năng lượng tinh thần cho người khác, quan tâm đến các vấn đề về da thì nên chọn nghề spa. Còn nếu đam mê múa cọ, phối màu, thoả sức sáng tạo các layout trang điểm theo gu thẩm mỹ cá nhân thì công việc makeup sẽ phù hợp hơn.
Đứng giữa hai ngã rẽ, đừng vội đưa ra quyết định theo cảm tính, mà hãy dùng lý trí xác định xem bản thân thật sự thích gì, nhu cầu thị trường ra sao, cân nhắc thuận lợi và khó khăn giữa hai nghề, tìm hiểu kỹ các góc khuất trong nghề để biết chính mình có đủ sức dấn thân hay không…
“Nên học spa hay trang điểm?”, quyết định nằm ở nơi bạn (Nguồn ảnh: Internet)
Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu vừa cùng bạn tìm hiểu chủ đề nên học spa hay makeup. Cả hai nghề này đều là lựa chọn đáng cân nhắc của giới trẻ khi đứng trước ngưỡng cửa quyết định tương lai, đặc biệt nếu bạn không có định hướng học đại học/cao đẳng, hoặc thậm chí khi bạn đã hết hứng thú với công việc hiện tại và muốn đổi sang ngành mới. Điều quan trọng cần làm là tìm hiểu kỹ thông tin về cả hai nghề, sau đó đối chiếu với sở thích, tố chất, năng lực bản thân để có quyết định phù hợp nhất.
Để được định hướng nghề spa và nghề trang điểm, hoặc được tư vấn cụ thể về chương trình Kỹ Thuật Viên Spa Chuyên Nghiệp và Chuyên Viên Trang Điểm tại Hướng Nghiệp Á Âu, hãy nhanh tay điền vào form bên dưới hoặc gọi đến tổng đài miễn phí 1800 6148 nhé!
Ý kiến của bạn