Đến phố núi Tây Nguyên, bạn không chỉ bất ngờ với phong cảnh hùng vĩ nơi đây mà còn bất ngờ với độ phong phú và sự độc đáo trong ẩm thực. Những món ăn nơi đây đa phần được chế biến từ những nguyên liệu thiên nhiên, gần gũi với con người. Và để lại nhiều ấn tượng với thực khách chính là muối kiến.
Những ổ kiến vàng khá phổ biến ở các khu vực miền núi nước ta. Nếu không biết cách chế biến thì chúng vẫn chỉ là những ổ kiến nhưng nếu biết cách chế biến và thưởng thức thì bạn có thể say mê với các món ngon từ kiến vàng đấy.
Kiến vàng – loại kiến được người Tây Nguyên chế biến ra món muối kiến
độc đáo (Ảnh: Internet)
Khám phá dọc miền đất nước, bạn sẽ thấy người Cao Bằng lấy trứng kiến để làm bánh, đến Bình Định thì có món nộm trứng kiến vàng níu chân thực khách. Và đến khi ghé thăm Gia Lai thì không ai mà không “há hốc mồm” với một loại đồ chấm tận dụng cả thân của con vật này, đó là muối kiến.
Hương vị độc đáo từ nguyên liệu độc đáo
Nếu chưa tìm hiểu, bạn sẽ không thể nào hiểu được người Gia Lai lại có thể biến kiến vàng, một loại côn trùng khiến nhiều người tránh xa, trở thành thứ đặc sản nổi danh. Thứ đặc sản không thể nào tách rời trong nền ẩm thực phố núi này.
Bí quyết chính là phải chọn những tổ kiến “đông dân” và có nhiều trứng nhất. Sau khi mang đi trụng sơ với nước thì rang chúng trên chảo nóng để tạo nên độ giòn, thơm khi trộn cùng muối. Nhưng trước khi làm điều này, người Gia Lai phải tốn rất nhiều thời gian để loại bỏ cát, bụi bẩn trong kiến. Chỉ có như thế, kiến mới sạch, muối kiếm làm ra mới ngon và bảo quản được lâu.
Bên cạnh kiến vàng, thành phần của muối kiến không thể thiếu muối, ớt và bột ngọt. Muối được chọn phải là muối hột. Thứ muối hột đơn giản này mà chính là điểm nhấn hương vị cho món ăn độc đáo này. Giã kiến đã rang vàng giòn cùng muối hột, bột ngọt, ớt tươi và kèm thêm lá then len – một loại lá rừng thường thấy ở vùng Tây Nguyên. Chỉ đơn giản thế mà vị mặn, ngọt, cay the dần hòa quyện vào nhau tạo nên một thứ đồ chấm ngồ ngộ, ấn tượng từ cái tên đến hương vị.
Muối kiến là sự kết hợp giữa kiến vàng rang, muối hột, ớt và bột ngọt
(Ảnh: Internet)
Điểm đặc biệt trong cách làm là trong khi giã, phải làm sao mà kiến không bị nát nhừ nhưng chất chua đặc trưng của chúng phải quyện thật đều trong các thành phần khác để dậy lên một hương vị rất riêng. Với du khách, muối kiến khá kì lạ nhưng với người dân Tây Nguyên, nó đã gắn liền với ẩm thực bao đời.
Bởi trong những giai đoạn thiếu muối, kiến chính là lựa chọn để “cứu cánh” bởi vị mặn chua đặc trưng của chúng. Và cũng từ đó, mặc dù không thiếu thức ngon vật lạ nào nhưng hương vị tuyệt vời của muối kiến đã thấm trọn vào văn hóa của cả vùng đất núi này.
Muối kiến và bò một nắng
Nếu chỉ mãi nói về muối kiến mà không kể đến “người bạn đồng hành” của chúng thì lại thiếu sót lớn. Muối kiến chỉ phát huy hết mùi vị khi ăn cùng với bò một nắng, một đặc sản khác của vùng Gia Lai. Loại bò khô đặc biệt được làm theo công thức truyền thống là ướp tẩm gia vị rồi đem phơi nắng trong một ngày để từng thớ thịt săn lại, thấm gia vị đậm đà lại mang một màu đỏ nâu cực kì kích thích. Nướng miếng bò một nắng trên bếp than đỏ hồng rồi chấm cùng muối kiến quả là một sự kết hợp quá hoàn hảo. Bạn sẽ thưởng thức được cái dai dai, ngọt tươi đậm đà của thịt bò hòa quyện cùng vị chua, mặn, cay đặc trưng trong muối. Để rồi đọng lại nơi cổ họng chút cay the, thanh thanh và thơm thoảng một mùi thơm khó cưỡng.
Muối kiến và bò một nắng là bộ đôi hoàn hảo trong ẩm thực (Ảnh: Internet)
Phố núi Tây Nguyên quả là đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị quá phải không nào? Nếu có thời gian, bạn có thể dành thời gian để khám phong cảnh, con người, vùng đất nơi đây. Và bạn sẽ không cảm thấy hối tiếc với những gì mình đã bỏ ra đâu.
Khi nhắc đến ẩm thực Tây Nguyên, bên cạnh món muối kiện độc lạ thì các món chế biến từ cá ở nơi đây cũng hấp dẫn không kém. Trong đó, món ăn từ cá Tiến Vua sẽ giúp bạn cảm nhận được một hương vị tuyệt vời có một không hai đấy!
Ý kiến của bạn