Mỗi sự kiện quan trọng trong cuộc đời của người Hàn Quốc luôn gắn liền với nghi thức đặc biệt và các món ăn truyền thống. Với lễ cưới, người Hàn rất chú trọng phần lễ vật là những món ăn để mong muốn đôi tân lang, tân nương có được cuộc sống mãi hạnh phúc về sau và sự tôn kính giữa hai nhà mới kết thông gia.
Hôn nhân là một sự kiện lớn của cuộc đời của mỗi người Hàn Quốc, các nghi thức trong lễ cưới luôn được chú trọng và chuẩn bị một cách hoàn hảo nhất. Bên cạnh các món ăn hiện đại, người Hàn Quốc vẫn không quên những lễ vật ẩm thực truyền thống mang nhiều ý nghĩa đẹp cho cuộc sống của cô dâu, chú rể về sau. Mỗi món ăn là một sự kết nối vô hình giữa hai bên thông gia và góp phần chúc phúc cho đôi bạn trẻ thêm gắn kết bên nhau mãi mãi. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những món ăn được sử dụng trong lễ cưới truyền thống của người Hàn Quốc nhé!
Hôn nhân là sự kiện quan trọng trong đời sống của người Hàn Quốc
Bánh bongchae – tteok
Bongchae – tteok là một loại bánh gạo được đặt lên trên hộp lễ vật của nhà trai gửi cho nhà gái. Sự có mặt của bongchae – tteok với ý nghĩa mong muốn đôi tân lang, tân nương sẽ gắn kết với nhau trong cuộc sống hôn nhân sau này giống như sự kết dính của gạo nếp – nguyên liệu chính để làm nên món ăn này. Chiếc bánh gạo được làm với 2 lớp tượng trưng cho hình ảnh của một cặp vợ chồng luôn che chở và bảo vệ nhau. Và đậu đỏ được thêm vào bánh để xua đi những bất hạnh, trong khi 7 quả táo tàu ở vị trí trung tâm của hộp lễ vật là đại diện của ước vọng về con đàn, cháu đống và cầu mong cuộc sống thịnh vượng về sau.
Các món ăn trong nghi thức cưới Pyebaek
Pyebaek là nghi thức ra mắt con dâu mới với gia đình chồng. Theo truyền thống, cô dâu phải mang những món ăn mà bên gia đình mình đã chuẩn bị sẵn để dâng lên gia đình chồng. Các món ăn đều được bày biện rất đẹp mắt cũng như trong những chiếc hộp sang trọng. Các món ăn được sử dụng trong nghi thức này bao gồm: táo đỏ, hạt dẻ, món cửu vị, thịt khô, gà cùng các loại bánh truyền thống Hàn Quốc
Những món ăn trong nghi thức cưới Pyebaek
Đặc biệt, món gà với rất nhiều quả táo đỏ trang trí xung quanh được dâng lên cho mẹ chồng với ý nghĩa về mong muốn sinh con nối dõi tông đường. Thịt khô được hiểu như một sự tôn kính, phụng dưỡng của người con dâu với cha mẹ chồng. Trong khi đó, hạt dẻ và táo đỏ chỉ để dâng cho bố chồng với ý nghĩa mong bố chồng đối xử với mình thật dịu dàng, ân cần để cuộc sống cô dâu mới trôi qua dễ dàng hơn. Ngoài ra, món cửu vị bao gồm 9 loại thức ăn khác nhau được mang đến gia đình chồng với mong muốn cuộc sống mới của hai vợ chồng sẽ gặp được nhiều may mắn.
Các món ibaji
Sau khi hôn lễ kết thúc được vài ngày, mẹ cô dâu sẽ chuẩn bị những món ăn gọi là ibaji để mang đến gia đình thông gia như một cách thể hiện lòng tôn kính cũng như bước chào hỏi với nhau. Tùy theo vùng miền và truyền thống gia đình mà các món ibaji sẽ khác nhau. Các món ăn ibaji thông thường sẽ bao gồm bánh ttok, bánh ngọt truyền thống Hàn, nhân sâm, thịt, cá, hải sản, các món phụ khác… và tất cả đều được cho vào các hộp đựng sang trọng, đóng gói cẩn thận, đẹp mắt.
Các món ibaji của một gia đình Hàn Quốc
Ngày nay, Hàn Quốc đã bước sang cuộc sống hiện đại nhưng những món ăn truyền thống là lễ vật không thể thiếu khi cưới hỏi. Mỗi một món ăn đều thể hiện ước vọng về cuộc sống hạnh phúc, gắn bó dài lâu và sự kết nối tình thân của hai bên thông gia. Đây là một nét đẹp văn hóa đáng được trân trọng qua bao đời nay tại Hàn Quốc.
Ý kiến của bạn