Mì soba là một món ăn truyền thống đã có ở Nhật Bản từ hàng trăm năm nay. Soba có thể ăn nóng vào mùa đông và dùng lạnh vào mùa hè. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách làm món mì soba lạnh và nóng để giúp bạn đa dạng hương vị cho bữa ăn của mình.
Mì Soba là món ăn truyền thống Nhật Bản nổi tiếng
Mì soba là gì?
Sợi mì soba được làm từ kiều mạch (hay lúa mạch) đen, dó đó món ăn này còn có tên là mì kiều mạch. Vì được làm từ lúa mạch giàu giá trị dinh dưỡng nên ăn mì soba sẽ giúp cơ thể của chúng ta hấp thụ vitamin B1 tốt hơn và cũng khỏe mạnh hơn.
Kiều mạch có lịch sử lâu đời trong văn hóa Nhật Bản. Chúng có nguồn gốc từ Vân Nam – Trung Quốc và được trồng ở Nhật Bản từ thời Jomon (khoảng năm 13.000 đến năm 400 trước Công Nguyên). Mì soba đã có từ thời Nara (năm 710 – 794). Soba là món mì có lịch sử lâu đời nhất tại đất nước Nhật Bản.
Mì soba được làm từ bột kiều mạch, bột mì và nước. Chắc chắn, bạn sẽ thắc mắc tại sao lại thêm bột mì vào? Nếu làm mì soba bằng 100% bột kiều mạch nguyên chất thật sự rất khó vì chúng không có gluten.
Các loại mì soba trong ẩm thực Nhật Bản
Tỷ lệ bột kiều mạch và bột mì rất quan trong trong việc làm mì soba. Các loại mì soba phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản cũng được phân chia theo tỷ lệ bột kiều mạch và bột mì trong thành phần nguyên liệu:
Juwari/Towari soba (sử dụng 100% bột liều mạch)
Loại mì soba này được làm hoàn toàn từ bột kiều mạch và có kết cấu rất đặc biệt. Việc thiếu bột mì làm chất kết dính khiến cho việc thực hiện tại nhà rất khó. Do đó, để làm được sợi mì soba từ 100% bột kiều mạch đòi hỏi tay nghề và kinh nghiệm cao ở người chế biến.
Hachiwari/Nihachi soba (sử dụng 80% bột kiều mạch và 20% bột mì)
20% bột mì sẽ giúp cho kết cấu sợi mì soba không bị vỡ khi đun sôi và giữ được hương vị tốt hơn. Đây cũng là loại mì đòi hỏi cao ở tay nghề người chế biến.
Gowari/Dowari soba (sử dụng 50% bột kiều mạch và 50% bột mì)
Tỷ lệ nay giúp cho sợi mì soba cần bằng về kết cấu và hương vị. Tỷ lệ này lý tưởng cho những người mới bắt đầu làm hoặc những ai không thích hương vị của kiều mạch.
Sanwari soba (sử dụng 30% bột kiều mạch và 70% bột mì)
Đây là loại mì soba sử dụng lượng bột kiều mạch thấp nhất. Mặc dù hương vị kiều mạch nhẹ hơn so với các loại khác nhưng rất dễ thực hiện và ít có khả năng bị thất bại khi làm. Nếu mới bắt đầu thử làm mì soba thì chúng tôi khuyên mạch nên sử dụng tỷ lệ này.
Cách phân loại mì soba dựa vào tỷ lệ bột kiều mạch và bột mì
trong công thức chế biến. Ảnh: Internet
Bạn hãy theo dõi cách nấu mì kiều mạch (mì soba) với công thức hướng dẫn dưới đây từ Hướng Nghiệp Á Âu nhé!
Cách làm sợi mì soba Nhật Bản
Nguyên liệu làm sợi mì soba
- 250g bột kiều mạch
- 70g bột mì
- 150ml nước
Các bước thực hiện làm sợi mì soba đơn giản tại nhà
Trộn 250g bột kiều mạch và 70g bột mì sau đó rây mịn vào âu lớn. Người Nhật thường gọi âu này là konebachi. Đặt âu bột lên 1 chiếc khăn ẩm để tránh bị xê dịch trong quá trình trộn, nhồi bột.
Rây mịn 2 loại bột vào âu lớn. Ảnh: Internet
Tiếp theo, bạn đổ từ từ 120ml nước vào trước và dùng tay trộn đều cho bột hút hết nước. Bạn nên trộn bằng các đầu ngón tay một cách nhanh chóng cho bột hút đều nước.
Sau đó, đổ từ từ mỗi lần 10ml nước vào và trộn. Bạn trộn bằng các đầu ngón tay, xới bột liên tục để chúng tạo thành những cục bột nhỏ tương tự như hạt gạo. Ở lần cho nước cuối cùng khi độ ẩm được phân bổ đều, bạn sẽ thấy các mảng bột lớn hình thành, lúc đó bạn nhồi cho bột thành 1 khối mịn, có độ đàn hồi hoặc khi thấy về mặt bột sáng bóng là được. Vê bột thành khối có hình nón.
Nhồi bột với nước từ từ. Ảnh: Internet
Sau đó, bạn lấy khối bột ra, đặt lên mặt phẳng và ấn bẹt bột thành hình dĩa trong có đường kính khoảng 30cm.
Ấn bột thành miếng có đường kính khoảng 30cm. Ảnh: Internet
Rắc bột mì áo bên ngoài khối bột rồi dùng cán, cán mỏng miếng bột. Cán càng mỏng càng tốt, độ dày khoảng 3mm là được. Bạn làm mỏng bột bằng cách cuộn tròn miếng bột vào cây cán và lăn đều. Thực hiện nhiều lần để miếng bột mỏng đều và dày khoảng 3mm.
Sợi bột thành sợi dày 1.5mm. Ảnh: Internet
Đun sôi nước, cho mì vào luộc khoảng 2 phút hoặc cho đến khi thấy mì nổi lên trên mặt thì vớt ra, thả vào âu nước lạnh cho tơi ra rồi vớt ra thả tiếp vào âu nước đá sau đó xả sạch lại, để ráo và chế biến tiếp kiểu mì lạnh hoặc mì nóng tùy sở thích của bạn. Nếu bạn dùng mì soba nóng thì nên xả qua nước nóng.
Luộc mì trong khoảng 2 phút và xả qua 3 lần nước. Ảnh: Internet
- Nhồi và trộn bột rất quan trọng trong quá trình chế biến sợi mì soba vì đòi hỏi ở bạn sự kiên nhẫn.
- Dùng các đầu ngón tay để trộn bột. Bạn có thể xới, trộn theo chuyển động tròn từ ngoài vào trong và đảm bảo phân bổ đều lực để bột hút đều nước.
- Thêm nước từ từ. Lượng nước có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm của môi trường.
- Bạn có thể tạo hình nón cho khối bột bằng cách lăn đều trên thành âu.
- Quá trình trộn, nhồi bột sẽ ảnh hưởng đến kết cấu và hương vị của sợi mì soba.
- Nếu bạn thấy bột bị bong tróc hoặc dễ nứt, hãy rưới nước lên tay trong quá trình nhào để tăng thêm độ ẩm.
- Phủ 1 lớp bột áo lên thớt sau đó cho miếng bột lên trên, tiếp tục phủ 1 lớp bột áo nữa trước khi cắt sợi.
- Cắt đều tay để đảm bảo kích thước các sợi mì bằng nhau. Điều này sẽ đảm bảo sợi mì chín đều khi luộc.
Cách làm mì soba lạnh
Nguyên liệu làm mì soba lạnh
- 500ml nước
- 250ml nước tương Nhật
- 35g đường
- 60ml mirin
- 10 con cá cơm khô
- 40g cá ngừ bào
- 1 miếng kombu khoảng 10cm
- 1 cây hành boa rô
- ½ củ hành tây
- 5g gừng
- 100g củ cải trắng
- 20g hành lá
- 1 lá rong biển nori
- 5g wasabi
- 100g đậu phụ non
- Mì soba (đã luộc ở trên)
Cách nấu mì lạnh soba
Sơ chế nguyên liệu
Hành boa rô rửa sạch, để ráo. Gừng rửa sạch, gọt bỏ vỏ. Hành tây, bỏ vỏ. Nướng cho cháy xém 3 nguyên liệu này, rửa sạch lại.
Cá cơm rửa sạch, để ráo.
Tảo kombu dùng khăn lau sơ qua.
Củ cải trắng rửa sạch, mài mịn, vắt ráo nước.
Hành lá rửa sạch, cắt nhỏ.
Rong biển nori cắt sợi dài khoảng 5cm.
Đậu phụ non cắt miếng vuông.
Sơ chế các nguyên liệu nấu nước dùng và ăn kèm mì soba lạnh. Ảnh: Internet
Nấu nước dùng
Cho vào nồi 500ml nước cùng với 250ml nước tương, 35g đường, 60ml mirin, cá cơm, kombu, hành boa rô, gừng, hành tây, bắc lên bếp đun trên lửa lớn cho sôi. Sau đó, hạ lửa vừa và đun trong 20 phút.
Tiếp theo, bạn tắt bếp, cho cá ngừ bào vào, để ngâm trong nồi nước dùng thêm 5 phút.
Sau khi đã ngâm được 5 phút, bạn lọc nồi nước dùng qua rây, loại bỏ xác nguyên liệu và để nước dùng nguội. Sau khi, nước dùng nguội hoàn toàn, bạn cho vào hộp kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Với cách nấu nước dùng này, bạn có thể bảo quản và sử dụng tối đa 2 tuần. Ảnh: Internet
Pha nước dùng ăn cùng mì
Nước dùng mì sẽ được pha theo tỷ lệ 1:3 (1 phần nước dùng và 3 phần nước đá). Tức là 180ml nước đá pha cùng 60ml nước dùng.
Trình bày và thưởng thức
Cho mì soba đã luộc vào tô, tiếp theo cho đậu phụ, 1 ít củ cải trắng, 1 ít wasabi, rong biển, hành lá lên trên và cuối cùng chan nước dùng đã pha ở trên vào là đã hoàn thành.
Mì soba lạnh thích hợp để bạn thưởng thức trong những ngày hè. Ảnh: Internet
- Nướng rau củ sẽ giúp nước xốt thêm vị hấp dẫn.
- Đun các nguyên liệu trong 20 phút trên lửa vừa để chiết hết phần thơm ngọt.
- Không nấu cá ngừ bào trên nhiệt, để ngâm trong nồi nước dùng sau khi tắt bếp 5 phút để chiết hết phần ngọt.
- Nước dùng được nấu rất đặc để khi dùng pha loãng với nước đá.
- Bạn có thể bảo quản nước dùng đặc tối đa 2 tuần trong ngăn mát tủ lạnh.
Cách nấu mì soba nóng
Nguyên liệu làm mì soba nóng
- 2 gói túi lọc nhỏ nấu nước dùng dashi
- 50ml nước tương
- 2 muỗng canh mirin
- 2 muỗng cà phê đường
- 20g hành lá
- 100g kamaboko
- 50g rong biển wakame
- Mì soba đã luộc
Các bước chế biến mì soba rong biển
Nấu nước dùng dashi
Cho vào nồi 800ml nước lọc, bắc lên bếp đun sôi. Sau đó, hạ mức lửa vừa cho 2 gói túi lọc dashi vào đun trong thời gian 10 phút.
Sau khi đã nấu đủ thời gian, bạn vớt bỏ túi lọc, lúc này bạn thu được khoảng 550ml nước dùng.
Thời gian nấu nước dùng dashi là 10 phút trên mức lửa vừa. Ảnh: Internet
Sơ chế các nguyên liệu khác
Rong biển ngâm nở
Kamaboko cắt lát.
Hành boa rô rửa sạch, bào mỏng.
Sơ chế các nguyên liệu ăn cùng mì soba nóng. Ảnh: Internet
Nấu mì soba
Cho nước dùng dashi vào nồi cùng với 50ml nước tương, 2 muỗng canh rượu mirin, 2 muỗng cà phê đường, bắc lên bếp. Sau đó cho mì soba đã luộc ở trên vào, đun thêm 1 phút nữa (tính từ lúc nước sôi), tắt bếp.
Nấu mì cùng nước dùng trong khoảng 1 phút. Ảnh: Internet
Cho mì soba ra tô, cùng nước dùng, cho thêm rong biển, hành boa rô bào, kamaboko và thưởng thức khi nào nóng.
Thưởng thức mì khi còn nóng sẽ ngon hơn. Ảnh: Internet
Với hướng dẫn cách làm sợi mì soba Nhật Bản cùng 2 công thức chế biến mì soba nóng và lạnh trên đây, Hướng Nghiệp Á Âu hy vọng bạn có thể thực hiện thành công tại nhà. Nếu muốn học thêm cách nấu mì Nhật khác, bạn có thể điền vào form bên dưới để được tư vấn chi tiết hơn về chương trình học nấu món Nhật nhé!
Ý kiến của bạn