Massage mẹ bầu từ lâu đã không còn là dịch vụ quá mới mẻ. Trải qua hành trình hoài thai thiêng liêng nhưng cũng đầy nỗi vất vả, các mẹ bầu xứng đáng có được sự chăm sóc, nâng niu tốt nhất về mặt thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, massage trong thai kỳ không thể tùy tiện, mà cần đảm bảo những kiến thức đúng khoa học. Sau đây là những điều mà các bà mẹ cần lưu tâm nếu muốn tìm đến dịch vụ massage mẹ bầu.
Massage mẹ bầu là dịch vụ thư giãn, chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất cho
các thai phụ (Nguồn ảnh: Massage Magazine)
Massage mẹ bầu: Lưu ý cần nhớ về tam cá nguyệt
Thời gian mang thai của bà bầu được chia thành ba giai đoạn:
Tam cá nguyệt đầu tiên
Ba tháng đầu thai kỳ được tính từ tuần đầu tiên đến hết tuần 13 của thai kỳ. Các biểu hiện thường gặp ở bà bầu giai đoạn này là ốm nghén, buồn nôn, tâm trạng thay đổi…
Tam cá nguyệt thứ hai
Ba tháng giữa thai kỳ được tính từ tuần 14 đến hết tuần 27 của thai kỳ. Phần lớn bà bầu ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai sẽ không còn cảm giác ốm nghén nhiều như giai đoạn đầu, sức khỏe dần ổn định hơn.
Tam cá nguyệt thứ ba
Ba tháng cuối thai kỳ được tính từ tuần 28 đến hết tuần 40 của thai kỳ. Ở giai đoạn này, số cân của bé tăng lên đáng kể, bà bầu sẽ có cảm giác đau lưng, khó thở, mất ngủ nhiều hơn…
Ở mỗi giai đoạn phát triển của thai kỳ, mẹ bầu sẽ gặp phải một số triệu chứng
khác nhau về sức khỏe (Nguồn ảnh: Mang thai)
Lợi ích của massage mẹ bầu
Theo thông tin trên website của Bệnh viện Từ Dũ, mẹ bầu chỉ nên massage sau tháng thứ 3, chỉ được phép massage lưng sau tháng thứ 6… (tùy thể trạng mỗi người). Nhìn chung, massage mẹ bầu sẽ mang lại một số lợi ích sau:
Đào thải độc tố khỏi cơ thể
Massage mẹ bầu giúp hệ thống máu, hệ bạch huyết trong cơ thể tuần hoàn hiệu quả hơn, giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể tốt hơn. Ngoài ra, massage giúp tăng lượng oxy trong máu thêm 10 – 15% so với khi chưa massage.
Giảm sự phù nề
Ngoài tăng cân quá nhanh trong thai kỳ, các mẹ bầu thường lo lắng về tình trạng cơ thể bị phù (do trọng lượng tử cung gâp áp lực lên các mạch máu, làm giảm lưu thông máu trong cơ thể). Massage mẹ bầu có thể kích thích các mô mềm, khiến máu lưu thông tốt hơn, giảm hiện tượng phù nề.
Phù chân là hiện tượng thường gặp khi mang thai (Nguồn ảnh: Monkey)
Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Lượng nội tiết tố gây căng thẳng trong cơ thể mẹ bầu sẽ giảm rõ rệt nếu được massage đúng cách. Massage bà bầu giúp chị em bớt stress, đỡ cảm giác mệt mỏi, ăn ngon miệng và ngủ sâu hơn.
Hạn chế tình trạng đau nhức
Tùy theo thai phụ, massage có thể giảm triệu chứng buồn nôn, ợ nóng, đau cổ, đau lưng, chuột rút, đau khớp… Massage còn đặc biệt hữu ích cho những bà bầu bị đau dây thần kinh hông.
Giúp thai nhi khỏe mạnh
Khi mẹ bầu được massage, thai nhi có thể hình thành các phản ứng. Động tác massage nhẹ nhàng giúp bé có cảm giác tiếp xúc, kích thích hệ thần kinh bé cảm nhận thế giới bên ngoài, tạo điều kiện cho tế bào não phát triển.
Ngoài ra, massage mẹ bầu còn giúp tăng tuần hoàn máu, cung cấp dưỡng chất và oxy cho thai nhi, giúp bé phát triển khỏe mạnh và chào đời thuận lợi.
Massage đúng cách đem lại công dụng cho cả mẹ và bé
(Nguồn ảnh: Maternal Massage)
Những điều cần lưu ý khi massage mẹ bầu
Mẹ bầu khi muốn massage, hoặc kỹ thuật viên khi thực hiện liệu trình massage cho thai phụ cần lưu ý những vấn đề sau:
– Không massage cho khách hàng đang mang thai ở tư thế nằm sấp. Nên để khách nằm nghiêng một bên, massage khoảng 15 – 20 phút và thường xuyên thay đổi tư thế.
– Không dùng lực quá mạnh khi massage, đặc biệt ở vùng bụng.
– Không massage cho khách có triệu chứng tiền sản giật, huyết áp cao, mắc bệnh truyền nhiễm, đau bất thường…
– Không massage khi khách có dấu hiệu phát ban da, vết bầm tím…
– Không tắm ngay sau khi kết thúc liệu trình massage.
– Không sử dụng sản phẩm, nguyên vật liệu kém chất lượng, có độ cồn mạnh…
Massage cho thai phụ có những điều “tuyệt kỵ”, khác với massage cho khách hàng thông thường (Nguồn ảnh: Salon Gold)
Dịch vụ phổ biến khi massage mẹ bầu
Theo Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu khảo sát, các phương pháp thường thấy trong massage bà bầu bao gồm:
Massage đầu – cổ – mặt
Giảm đau đầu, chóng mặt, trẻ hóa làn da…
Massage lưng – vai
Giảm đau mỏi vùng cổ vai, đau cột sống, thắt lưng và hông, cải thiện tình trạng khó thở…
Massage tay
Giảm tê bì, đau cánh tay và bàn tay, tăng lưu thông máu, cải thiện giấc ngủ…
Massage chân
Giảm hiện tượng phù nề, chuột rút…
Massage đá nóng
Tăng cường tuần hoàn máu, thư giãn toàn bộ cơ thể, đào thải độc tố…
Vị trí massage, loại đá, kỹ thuật đặt đá cần hết sức thận trọng khi massage mẹ bầu
(Nguồn ảnh: The Montcalm Club)
Giá massage bà bầu trên thị trường
Dựa trên thông tin khảo sát từ Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu, mức giá dịch vụ của massage mẹ bầu khá đa dạng trên thị trường, tùy theo spa và bệnh viện. Cụ thể như sau:
– Massage bầu thảo dược: 90 phút/buổi, giá 450.000 đồng
– Thư giãn cơ thể chuyên sâu với túi thảo dược: 90 phút/buổi, giá 560.000 đồng
– Giảm phù nề cho chân với túi gừng: 60 phút/buổi, giá 350.000 đồng
– Giảm phù nề cho chân với đá nóng: 60 phút/buổi, giá 320.000 đồng
– …
Để đảm bảo tính an toàn, mẹ bầu cần cân nhắc kỹ khi chọn cơ sở massage
(Nguồn ảnh: VeryWell Family)
Massage bà bầu có nguy hiểm không?
Bác sĩ Trần Thế Viện, chuyên khoa da liễu Đại học Y dược TP.HCM, khuyến cáo: “Thai phụ chỉ nên massage khoảng 20% diện tích cơ thể. Trước khi thực hiện bất cứ liệu trình nào, bà bầu nên nói rõ thời gian mang thai và tình trạng sức khỏe với nhân viên massage để được tư vấn và chọn loại tinh dầu phù hợp”.
Bác sĩ y học cổ truyền Nguyễn Thùy Ngân cho biết, động tác của chuyên viên xoa bóp tác động lên vùng đầu, cổ, chi, gáy, lưng và hông của bà bầu cần hết sức nhẹ nhàng. Những thao tác kéo giãn, giật mạnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ.
Bác sĩ Ngân cho biết thêm, bấm huyệt giúp thư giãn và giảm cảm giác mệt mỏi cho thai phụ. Tuy nhiên, bấm huyệt quá nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi, nhất là khi tác động đến một số huyệt vị đặc biệt.
Thai phụ cần hết sức thận trọng khi chọn phương pháp ấn huyệt
(Nguồn ảnh: massage – top)
Không chỉ vậy, bác sĩ còn khuyến cáo thai phụ cần đặc biệt lưu tâm đến thời gian và tình trạng sức khỏe khi xông hơi. Lý do là xông hơi ở nhiệt độ cao có thể làm nóng nước ối, ảnh hưởng tới bào thai, cản trở quá trình vận chuyển oxy tới thai nhi.
Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu vừa cùng bạn giải đáp một số thắc mắc xoay quanh chủ đề “massage mẹ bầu”. Mong rằng kiến thức được chắt lọc trên sẽ giúp bạn – những người sắp làm mẹ – hiểu hơn về tình trạng sức khỏe bản thân và tìm được cho mình dịch vụ chăm sóc cơ thể phù hợp nhất để sẵn sàng cho hành trình “vượt cạn” sắp tới.
Ý kiến của bạn