Cách Nấu Lẩu Cù Lao Thập Cẩm Miền Tây

Lẩu cù lao là món ăn truyền thống của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Được chế biến từ những loại nguyên liệu gần gũi nhưng khi được dùng chung với phần nước lèo thơm ngọt lại khiến cho thực khách ăn một lần là nhớ mãi. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được cách nấu lẩu cù lao thập cẩm ngon, chuẩn vị miền Tây.

cách nấu lẩu cù lao thập cẩm ngon

Lẩu cù lao là món ăn truyền thống của người miền Tây (Ảnh: Internet)

Hướng dẫn cách nấu lẩu cù lao thập cẩm

Nguyên liệu nấu lẩu cù lao

  • Thịt heo (Thịt lưng, thịt vai,…)
  • Lòng heo: Gan, tim, cật, dạ dày,…
  • Cá thác lác
  • Tôm
  • Trứng vịt trắng, trứng vịt muối
  • Khô mực
  • Tôm khô
  • Cà rốt, củ cải trắng, hành tây, củ sắn
  • Dưa leo
  • Rau cải thảo
  • Bông cải các loại
  • Gia vị nêm: Nước mắm, muối, đường phèn, hạt nêm…

Nguyên liệu chính để nấu lẩu cù lao

Nguyên liệu chính để nấu lẩu cù lao (Ảnh: Internet)

Cách nấu lẩu cù lao

Sơ chế nguyên liệu

Phần thịt heo mua về rửa thật sạch. Chần sơ với nước sôi có cho thêm một ít muối và chanh trong khoảng 3 phút. Sau đó vớt ra và rửa dưới nước lạnh và để ráo.

Đối với bộ lòng heo, bạn dùng muối và chanh để chà xát, làm sạch. Đồng thời, cho cả muối và chanh vào trong dạ dày heo, bóp thật kỹ để đẩy hết chất bẩn ra ngoài. Làm tới khi nào bạn thấy bộ lòng trắng sạch và không còn mùi hôi nữa thì rửa lại với nước một lần nữa.

Lưu ý khi chọn và sơ chế nguyên liệu nấu lẩu cù lao:

  • Chọn phần thịt và lòng heo tươi, có màu sắc trắng hồng. Bạn nên tranh thủ đi mua vào buổi sáng để mua được thịt và lòng heo mới, tươi ngon.
  • Một vài nguyên liệu giúp vệ sinh lòng được sạch hơn: Bột mì, dấm, chanh, muối, gừng, rượu…

Nấu nước lẩu

Để có một nồi nước lẩu ngọt, bạn luộc phần thịt heo và lòng heo đã sơ chế từ đầu. Thêm thật nhiều các loại ra củ như dưa leo, hành tây, củ sắn vào hầm chung để nước dùng đậm đà mà vẫn ngọt thanh. Nguyên liệu không thể thiếu khi làm lẩu cù lao đó là khô mực và tôm khô. Bạn nướng qua khô mực và cho hết phần mực đã nướng, tôm khô vào hầm cùng nồi nước dùng.

Nấu khoảng 20 phút thì bạn vớt phần thịt và lòng heo ra để nguội. Sau đó nêm vào nồi nước dùng các gia vị nước mắm, muối, đường phèn, hạt nêm… Tiếp tục hầm trong khoảng 1 tiếng  nữa. Nhớ vớt bọt thường xuyên để nồi nước lẩu được trong nhé.

Nấu nước lẩu cù lao

Các nguyên liệu để nấu ra một nồi nước dùng ngọt tự nhiên (Ảnh: Internet)

Làm các loại chả ăn cùng lẩu cù lao

Chả trứng

Lẩu cù lao thập cẩm không thể thiếu chả trứng. Đầu tiên, đối với phần nhân, bạn sử dụng cá thác lác, nêm vào đây một ít muối, tiêu và hành lá. Quết phần cá này thật chắc tay để khi hấp lên miếng chả sẽ được dai ngon. Thêm vào một ít mộc nhĩ để chả thêm kết cấu giòn giòn khi ăn.

Phần trứng muối bạn bỏ lòng trắng chỉ giữ lại lòng đỏ.

Để có phần bọc chả, bạn đập trứng vịt ra tô, đánh đều và thêm vào một ít muối. Tráng phần trứng này trên chảo thành từng miếng mỏng, có đường kính khoảng 20 – 25 cm. Trứng tráng càng mỏng thì một lát nữa cuốn chả sẽ dễ hơn.

Tiếp theo đến phần cuộn chả, bạn trải trứng ra, phết lên một lớp chả cá. Phết vừa đủ ăn, tránh dày quá. Thêm lòng đỏ trứng vịt muối vào giữa. Cuộn thật chắc tay và bọc lại bằng lá chuối. Sau đó đem đi hấp trong vòng 20 phút.

Thêm trứng muối để phần chả

Thêm trứng muối để phần chả được đẹp mắt và ngon hơn (Ảnh: Internet)

Lưu ý:

  • Nếu không có lá chuối, bạn có thể dùng màng bọc thực phẩm để cuốn chả khi hấp.
  • Bạn có thể thêm trứng muối hoặc không tùy sở thích.

Tận dụng luôn phần cá để làm thêm các loại chả hoa cho món ăn. Rau cải thảo bạn tách các lá ra và rửa sạch. Chần sơ rau với nước sôi trong 30 giây. Vớt ra ngâm vào nước lạnh và để ráo.

Bạn trải rau ra, cho nhân vào giữa miếng rau, cuốn lại và dùng hành lá để cột cố định miếng chả. Cũng đem đi hấp trong vòng 10 phút và vớt ra để nguội.

Làm thêm các loại chả để ăn cùng

Làm thêm các loại chả để ăn cùng (Ảnh: Internet)

Lưu ý:

  • Khi ăn lẩu, rau càng tươi và càng đa dạng thì món lẩu sẽ càng ngon.
  • Gợi ý thêm một vài loại rau hợp với lẩu cù lao: Bông điên điển, bông bí, rau bồn bồn…
  • Có thể hấp sẵn rau củ trước khi thả vào nồi lẩu để tiết kiệm thời gian..

Trình bày và thưởng thức

Món lẩu cù lao bắt mắt, đậm đà

Món lẩu cù lao bắt mắt, đậm đà hương vị miền Tây (Ảnh: Internet)

Bạn thái thịt heo, lòng heo thành từng miếng vừa ăn. Xếp lần lượt rau củ, chả hoa, thịt heo, lòng heo… vào nồi lẩu. Cuối cùng thêm nước lẩu vào và nêm nếm lại vừa với khẩu vị. Đối với nồi lẩu cù lao truyền thống, bạn thêm than vô ống đựng than và đợi nồi lẩu sôi lên là có thể thưởng thức rồi. Cách ngon nhất để ăn lẩu cù lao đó là nồi nước lẩu luôn luôn phải sôi sùng sục trên bếp. Ăn kèm thật nhiều rau để giải ngấy tốt hơn nhé.

Cách làm lẩu cá thác lác khổ qua

Lẩu cá thác lác khổ qua là món ăn đặc sản của vùng sông nước Hậu Giang. Lẩu cá thác lác khá thanh đạm khi có phần nước lẩu từ nước hầm xương, ăn cùng với cá thác lác dai dai thơm ngon, đặc biệt nhất là phần khổ qua là linh hồn của món ăn. Rất nhiều thực khách khi thưởng thức món ăn này đều không thể quên được hương vị đặc trưng của nó mang lại. Sau đây, cùng xem thử món lẩu cá thác lác được chế biến như thế nào nhé.

Cách Làm Lẩu Cá Thác Lác Khổ Qua

Món lẩu cá thác lác rất ngon và hấp dẫn (Ảnh: Internet)

Nguyên liệu

  • 400gr chả cá thác lác
  • 500gr khổ qua
  • 500gr xương heo
  • 2 quả trứng
  • 100gr nấm đùi gà
  • 150gr nấm kim châm
  • 1 củ hành
  • 3 củ hành tím
  • 8 tép tỏi
  • 2 quả ớt
  • 5 nhánh sả cây
  • Hành lá, hẹ
  • Rau tần ô
  • Nấm kim châm, nấm đùi gà
  • Dầu ăn
  • Gia vị nêm: Nước mắm, đường, hạt nêm, muối, tiêu
  • 1kg bún tươi

Các nguyên liệu để nấu chả cá thác lác

Các nguyên liệu để nấu chả cá thác lác (Ảnh: Internet)

Cách nấu lẩu cá thác lác khổ qua

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Khổ qua mua về bạn loại bỏ phần ruột, ngâm với nước muối, rửa lại với nước sạch và để ráo. Sau đó thái lát mỏng.

Xương heo cũng rửa sạch, sau đó chần sơ với nước sôi thêm muối, hành, tỏi khoảng 3 phút. Vớt xương ra và rửa sạch lại với nước lạnh.

Chần xương heo với nước sôi và rửa sạch

Chần xương heo với nước sôi và rửa sạch (Ảnh: Internet)

Các loại nấm cũng rửa sạch, cắt bỏ phần rễ. Đối với nấm đùi gà bạn cắt thành từng miếng vừa ăn.

Hành tím, tỏi bóc vỏ và băm nhuyễn. Ớt, hành lá và ngò rí rửa sạch, cắt khúc 1 – 2 cm. Băm nhỏ một ít đầu hành lá.

Bào mỏng sau đó băm nhỏ 2 nhánh sả để làm nước chấm. 3 nhánh khác đập dập để nấu nước lẩu.

Các loại rau ăn lẩu bạn ngâm với muối, rửa sạch và để ráo. Cắt thành khúc vừa ăn tùy sở thích.

Sơ chế các nguyên liệu trước khi nấu

Sơ chế các nguyên liệu trước khi nấu (Ảnh: Internet)

Lưu ý mẹo giảm bớt độ đắng của khổ qua:

  • Ngâm khổ qua với nước đá hoặc cất trong tủ lạnh khoảng 10 – 15 phút.
  • Ướp khổ qua với muối khoảng 15 phút, sau đó đem rửa sạch.
  • Bạn cũng có thể trụng sơ khổ qua trong nước sôi khoảng 1 phút. Sau đó ngâm vào nước lạnh, vớt ra và để ráo.

Bước 2: Nấu nước hầm xương

Cho xương vào nồi và cho thêm 2.5 lít nước. Cho thêm 2 củ hành tím và một củ hành tây, kèm theo 25gr đường phèn để nước dùng được thanh ngọt. Đun sôi và hớt bọt. Tiếp tục hầm trên bếp khoảng 2 tiếng để được phần nước hầm xương thơm ngon.

Bước 3: Quết cá thác lác

Nêm nếm các gia vị để cá được đậm đà

Nêm nếm các gia vị để cá được đậm đà thơm ngon (Ảnh: Internet)

Bạn nêm vào cá 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng canh đầu hành lá băm. Cho thêm 2 trứng gà cỡ nhỏ, 2 muỗng canh dầu hành phi. Trộn thật đều hỗn hợp lên.

Sau đó, cho hết phần cá vào túi zip để nhồi. Nhồi khoảng 8 phút, cá sẽ trở nên dẻo dai và không còn dính vào túi nữa là được.

Cho chả cá ra đĩa dàn phẳng, khi nào ăn thì chúng ta dùng thìa xắn từng miếng thả trực tiếp vô nồi lẩu. Hoặc có thể vo sẵn thành từng viên vừa ăn.

Quết cá thác lác

Quết cá kĩ sẽ làm thịt cá được chắc dai (Ảnh: Internet)

Lưu ý:

  • Nếu không dùng cá thác lác mà dùng các loại cá thu, cá măng thì bạn nên cho thêm vào bột năng để phần cá được trở nên dai hơn.
  • Với 800gr cá thác lác, bạn có thể chia thành nhiều bữa. Bảo quản trong tủ đông và dùng dần.

Bước 4: Nấu nước lẩu cá

Bắc nồi lên bếp, đợi chảo nóng thì cho vào 2 muỗng dầu ăn, cho vào xả đập dập, hành tỏi đã băm vào phi thơm. Cho 2 lít nước hầm xương và nấu trên lửa vừa khoảng 5 phút để sả ra hết chất thơm.

Nêm vào nửa muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng canh nước mắm, gia giảm sao cho phù hợp với khẩu vị của bạn.

Đợi nước lẩu sôi, bạn thả lần lượt cá, khổ qua, các loại rau, nấm vào. Ăn cùng với bún tươi. Vậy là bạn có thể thưởng thức món lẩu cá thác lác khổ qua thơm ngon rồi.

Nấu nước lẩu cá

Lần lượt cho cá, các loại rau vào và thưởng thức (Ảnh: Internet)

Lưu ý:

  • Không nên nêm nước lẩu quá đậm tránh trong quá trình ăn lẩu trên bếp, nước bốc hơi làm nồi lẩu của chúng ta càng ăn càng mặn.
  • Pha thêm một chén nước mắm mặn để nâng tầm hương vị của cá. Thêm vào nước mắm sả băm nhỏ, tỏi và ớt vào là hoàn thành.

Trên đây là cách nấu lẩu cù lao thập cẩm và lẩu cá thác lác khổ qua cực kì đơn giản nhưng vẫn giữ được nét hương vị đặc trưng. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những gợi ý để làm phong phú bữa ăn gia đình cũng như chiêu đãi bạn bè, người thân của mình.

Điểm: 4.9 (39 bình chọn)

Tác giả: Bùi Tiến Dũng

Bùi Tiến Dũng là giảng viên chuyên ngành Bếp Nóng tại Hướng Nghiệp Á Âu. Là một người yêu ẩm thực và đam mê tìm hiểu các kỹ thuật nấu ăn, Bùi Tiến Dũng sẽ bổ sung cho bạn những kiến thức bổ ích, có thể áp dụng ngay vào công việc thực tiễn.

Bài viết liên quan

ĐƠN VỊ TUYỂN DỤNG CHEFJOB.VN

ĐẦU BẾP - BẾP BÁNH - PHA CHẾ - PHỤC VỤ - BUỒNG PHÒNG

LỄ TÂN - QUẢN LÝ NHÀ HÀNG - KHÁCH SẠN

Hotline: 1900 2175 - Web: www.chefjob.vn

SIÊU THỊ ĐVP MARKET

Chuyên bán sỉ lẻ Nguyên liệu - Dụng cụ - Máy móc

TRÀ SỮA - CAFÉ - QUÁN ĂN - QUÁN KEM - KINH DOANH BÁNH

Hotline: 028 7300 1770 - Web: www.dvpmarket.com

Ý kiến của bạn