Nhắc đến khả năng cấp ẩm siêu việt và chống lão hóa hữu hiệu thì không thể không nhắc đến hyaluronic acid, còn gọi tắt là HA. Hyaluronic acid thực chất là gì và công dụng của nó đối với skincare ra sao? Sức thẩm thấu và hoạt động của HA tốt đến mức nào mà được giới skincare ca ngợi rình rang và liên tục xuất hiện trong các sản phẩm chăm sóc da những năm vừa qua? Hãy để Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu tiết lộ đáp án cho bạn nhé.
Hyaluronic acid xuất hiện nhiều trong các sản phẩm dưỡng ẩm, chống lão hóa
(Nguồn ảnh: Internet)
Tuổi tác, ảnh hưởng của môi trường, tác động từ ánh nắng mặt trời và hàng loạt nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng da bị mất dần độ ẩm mượt. Ngoài ra, theo bác sĩ da liễu Dennis Gross – người sáng lập trung tâm chăm sóc da 900 Fifth Dermatology, từ năm 20 tuổi, chúng ta đã nên sử dụng sản phẩm chống lão hóa nhẹ và hyaluronic acid là một trong số đó. Với khả năng “ngậm nước” vượt trội, hyaluronic sẽ là ứng cử viên sáng giá trong số các thành phần dưỡng ẩm và xóa mờ nếp nhăn trên da.
Hyaluronic acid là gì?
Glycosaminoglycan hyaluronic acid là thành phần chính của chất nền ngoại bào da – phần quan trọng của lớp trung bì và có mặt trong da, mắt, khớp, mô, các cơ quan khác trong cơ thể. Trong đó, HA của da chiếm xấp xỉ 50% tổng HA cả cơ thể.
Hyaluronic acid thể hiện đặc tính hút nước lớn, tạo độ nhớt cao cho dung dịch. Đặc biệt, HA có khả năng giữ nước gấp 1000 lần trọng lượng của nó. Cụ thể, 1gr HA giữ đến 1000gr nước, tương đương 1 lít nước.
Với khả năng giữ nước vượt trội, HA đem lại bề mặt da mềm mượt, mịn màng
(Nguồn ảnh: Internet)
Cơ chế hoạt động
Với trọng lượng phân tử lớn, HA hoạt động như một polymer tạo màng, giảm bốc hơi nước và hoạt động như chất occlusive (khóa ẩm). Còn với phân tử vừa và nhỏ, HA hoạt động bằng cách liên kết với độ ẩm từ môi trường nhờ vào tính hút ẩm. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, với nồng độ cao và trọng lượng nhỏ, HA có thể hút ẩm ra khỏi da, khiến da khô hơn.
Khi đi vào môi trường nước của da, phân tử HA khuếch tán và hoạt động như miếng mút hút ẩm từ môi trường bên ngoài và các tầng da bên dưới lên trên bề mặt, giúp da “ngậm nước” và căng mọng.
Hyaluronic acid hoạt động bằng cách hút ẩm từ môi trường ngoài và các tầng bên dưới da (Nguồn ảnh: Internet)
Chính vì khả năng hút ẩm từ tầng dưới của da lên thượng bì nên nếu dùng HA nhưng không kèm chất khóa ẩm thì sẽ bị “hút ẩm ngược”, đặc biệt khi độ ẩm môi trường ngoài đang dưới 70% (theo Greg Altman – nhà hóa học mỹ phẩm tại Silk Therapeutics). Điều này khiến da bị khô từ bên trong.
Điều quan trọng cần nhớ là khả năng cấp nước của hyaluronic acid phụ thuộc vào trọng lượng phân tử, đồng thời thời gian hiệu quả của HA tùy thuộc vào tính ổn định của HA đối với hyaluronidase (enzyme phân hủy HA).
Tầm quan trọng của hyaluronic acid
Trong cơ thể người chứa khoảng 15gr HA và lượng này biến đổi và được tái tạo mỗi ngày. Tuy nhiên, HA tự nhiên của cơ thể bị suy giảm dần do quá trình lão hóa. Đến năm 40 tuổi, cơ thể chỉ còn sản xuất tầm một nửa lượng HA cần thiết cho cơ thể.
HA trong cơ thể bị giảm dần theo quá trình lão hóa nên cần bổ sung bằng nhiều
biện pháp khác nhau (Nguồn ảnh: Internet)
Về tầm quan trọng đối với cơ thể, hyaluronic acid có tác dụng liên kết các phân tử nước và “bôi trơn” khớp, cơ… Đối với làn da, hyaluronic acid bổ sung nước, cung cấp độ ẩm, hỗ trợ tái tạo tế bào, giúp da căng bóng.
Được phát hiện vào năm 1934 nhưng mãi đến thập niên 80 – 90 thì HA mới vụt sáng khi một phóng viên đến thăm ngôi làng Yuzurihara (Nhật Bản) và phát hiện đàn ông, phụ nữ ở đây sở hữu làn da rất đẹp, không có nếp nhăn, tóc mượt mà… Lý do là vì họ ăn rất nhiều đậu phụ, đậu nành vốn chứa nhiều phân tử estrogen có khả năng kích thích quá trình sản sinh HA tự nhiên trong cơ thể.
Hyaluronic acid có tác dụng gì với da?
Giúp da “ngậm nước”, căng mọng
Với khả năng hút nước cực tốt, HA có thể giữ trọng lượng nước gấp 1000 lần chính nó, giúp sự cân bằng nước được duy trì. Do đó, HA rất cần thiết cho làn da mất nước, cải thiện độ ẩm cho da, khiến da trở nên mịn màng, bớt khô sần.
Nhờ khả năng hút và giữ nước, hyaluronic acid hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
cải thiện độ ẩm và bề mặt da (Nguồn ảnh: Internet)
Cải thiện độ đàn hồi
Khi độ ẩm làn da được cải thiện bởi HA, hàng rào bảo vệ tự nhiên của da sẽ khỏe mạnh hơn, da đàn hồi tốt hơn – kết quả của quá trình kích thích tăng sinh collagen và elastin.
Hỗ trợ chống lão hóa
Ngăn ngừa lão hóa là công dụng của HA mà không phải ai cũng biết. Khi da đủ ẩm sẽ làm mờ dấu hiệu lão hóa như vết nhăn nông, nếp nhăn sâu…, trả lại vẻ tươi tắn, giàu sức sống cho da.
Cách dùng hyaluronic acid đúng cách
Dạng thoa
Các sản phẩm chăm sóc da dạng thoa trên thị trường có chứa hyaluronic acid tồn tại ở dạng kem dưỡng, lotion, serum, sữa rửa mặt…
HA có mặt trên thị trường ở dạng serum, kem, lotion dưỡng ẩm…
(Nguồn ảnh: Internet)
Tốt nhất nên thoa HA lúc da còn ẩm, sau đó dùng thêm kem dưỡng có chất occlusive (dầu khoáng, silicone…). Nồng độ HA cũng chỉ nên ở mức 2%, vì nồng độ quá cao sẽ dẫn đến tình trạng hút nước trong da ra môi trường như đã nói ở trên.
Dạng uống
Chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả làm đẹp của hyaluronic acid theo dạng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu cho thấy HA dạng uống có thể được phân phối tới xương khớp và da, mặc dù nồng độ vận chuyển khá thấp.
HA còn xuất hiện trong dạng viên uống bổ sung (Nguồn ảnh: Internet)
Dạng tiêm
Hyaluronic acid dạng filler được đánh giá là giải pháp triệt để nhất do tiêm trực tiếp vào da, giải quyết các vấn đề lão hóa như phục hồi kết cấu, làm đầy da, cải thiện tone da. Hiệu quả nhất là tiêm hyaluronic acid vào trung bì.
Thời điểm bổ sung hyaluronic acid
Nếu dùng HA trên da khô thì HA không hút được nhiều nước để cung cấp cho da => nên dùng khi da ẩm (sau rửa mặt hoặc sau bước toner).
Và nếu không sử dụng kem dưỡng chứa chất occlusive để tạo màng giữ ẩm thì dễ gây hiện tượng khô da => nên thoa thêm kem dưỡng, hoặc đơn giản bạn chỉ cần dùng kem dưỡng chứa HA.
Nhớ dùng thêm sản phẩm khóa ẩm sau khi dùng HA (Nguồn ảnh: Internet)
Sản phẩm chứa hyaluronic acid
- Neutrogena Hydro Boost Water Gel: Phù hợp với da dầu và hỗn hợp thiên dầu bởi thấm nhanh, khô ráo, đồng thời giúp da ngậm nước trong thời gian dài.
- Paula’s Choice Hyaluronic Acid Booster With Ceramides: Sản phẩm chứa hyaluronic acid đậm đặc giúp cấp ẩm hiệu quả cho da và ceramide giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da, phù hợp với làn da xuất hiện nếp nhăn nông hoặc sâu.
- The Ordinary Hyaluronic Acid 2% +B5: Ngoài khả năng cấp ẩm, tái tạo sức sống cho da, serum này còn chứa B5 giúp phục hồi da, đặc biệt thích hợp cho da mụn, da nhạy cảm…
- SkinCeuticals H.A Intensifier: Cải thiện bề mặt da sần sùi, giúp da căng bóng và tươi trẻ, hạn chế vết tích tuổi già xuất hiện ở mắt, khóe miệng…
SkinCeuticals H.A Intensifier (Nguồn ảnh: Internet)
- COSRX Hyaluronic Acid Intensive Cream: Sản phẩm kem dưỡng ẩm chuyên sâu chứa sodium hyaluronate, tinh chất cây hắc mai biển, acid béo, amino acid… giúp nuôi dưỡng da từ sâu bên trong và giảm dấu hiệu lão hóa.
- Timeless Hyaluronic Acid + Vitamin C: Serum vừa cấp ẩm, vừa làm đều màu da do chứa vitamin C dạng magnesium ascorbyl phosphate.
Thông tin thêm
Sodium hyaluronate là gì?
- Sodium hyaluronate (còn gọi là natri hyaluronate) là muối của hyaluronic acid. Mặc dù sodium hyaluronate và hyaluronic acid gần như giống hệt nhau nhưng sodium hyaluronate có lợi thế hơn, ví dụ như độ ổn định hóa học cao hơn, kích thước phân tử nhỏ hơn và thâm nhập vào da tốt hơn.
- Với khả năng giữ nước tương tự, sodium hyaluronate được sử dụng thay thế cho hyaluronic acid trong các sản phẩm chăm sóc da.
La Roche-Posay Hyalu B5 Serum chứa sodium hyaluronate (Nguồn ảnh: Internet)
Tác dụng phụ của hyaluronic acid?
- HA được ghi nhận là an toàn khi sử dụng, ít gây dị ứng. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, do vẫn chưa có nhiều nghiên cứu, báo cáo về ảnh hưởng của HA lên cơ thể mẹ bầu.
Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu vừa định nghĩa hyaluronic acid là gì và hướng dẫn sử dụng HA đúng cách trong chăm sóc da. Hiện các nghiên cứu về HA vẫn tiếp tục được tiến hành nhằm ứng dụng tối ưu nhất cho các sản phẩm dưỡng ẩm và chống lão hóa, chứng tỏ HA chính là giải pháp tuyệt vời để lưu giữ nét đẹp thanh xuân trên làn da.
*Bài viết có tham khảo thông tin từ Call Me Duy, Wikipedia, Paula’s Choice…
Ý kiến của bạn