Tự làm dầu massage cơ thể giúp bạn vừa tiết kiệm chi phí, vừa có thể tùy ý gia giảm thành phần để sáng tạo nên thành phẩm có mùi hương theo sở thích cá nhân. Nếu bạn là tín đồ của massage body với mong muốn cải thiện tâm trạng tổng thể, thư giãn toàn thân và hỗ trợ điều trị một số vấn đề về da… nhưng không hoàn toàn yên tâm về sản phẩm dầu massage ở các spa thì đừng bỏ qua bài viết sau từ Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu nhé.
Massage body kết hợp với dầu, tinh dầu đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể và
sức khỏe tinh thần (Nguồn ảnh: Internet)
Sau một ngày dài học tập, làm việc đầy căng thẳng và mệt mỏi, đây là lúc cơ thể cần được thư giãn tối đa bằng xông hơi, ngâm tắm hoặc massage, đặc biệt là massage tinh dầu tại nhà. Để hiểu được những lợi ích mà massage tinh dầu mang lại cho cơ thể và cách làm dầu massage “homemade” để sử dụng hoặc làm quà tặng cho bạn bè, người thân, hãy cùng theo dõi các bước gợi ý dưới đây nhé.
Hướng dẫn tự làm dầu massage tại nhà đơn giản
Nguyên liệu
Vitamin E (2 giọt)
Vitamin E là chất chống oxy hóa, hỗ trợ phục hồi da và làm chậm quá trình lão hóa, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ của dầu, ngăn sự biến chất.
Dầu nền (2 – 3 muỗng canh)
Với dầu nền, bạn có thể chọn 1 hoặc kết hợp nhiều dầu nền trong các loại sau:
- Dầu hạnh nhân ngọt: được chiết xuất từ hạt hạnh nhân ngọt, mùi béo ngậy, ngọt ngào, lỏng nhẹ, tạo độ trơn mượt trên da chứ không thấm quá nhanh, có tính chất làm mềm da bởi acid béo, hạn chế tình trạng da sần sùi, cải thiện tình trạng rạn da…
Dầu hạnh nhân (Nguồn ảnh: Internet)
- Dầu hạt nho: lỏng, không gây nhờn rít, mùi thơm rất nhẹ, tạo cảm giác bóng mướt trên da, chứa nhiều hợp chất dưỡng da, tăng cường độ ẩm, ngăn ngừa lão hóa, phù hợp với cả da nhạy cảm…
- Dầu mè: kết cấu đặc, tạo cảm giác láng mướt, thơm mùi mè, giàu chất chống oxy hóa và vitamin E, ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa, giúp da ẩm, sáng…
- Dầu argan: được chiết xuất từ hạt trong quả của cây argan (giống cây đặc hữu của Morocco), chứa hàm lượng cao các acid béo thiết yếu, giúp ngăn ngừa khô da, thúc đẩy chữa lành vết thương, hỗ trợ điều trị bệnh lý về da như vảy nến, chàm…
Dầu argan (Nguồn ảnh: Internet)
Ngoài ra, bạn có thể thử nghiệm với dầu ô liu, dầu trái bơ, dầu dừa, dầu jojoba…
Khi chọn dầu nền, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chọn loại có nguồn gốc thực vật, nguyên chất 100%, không pha tạp…
- Chọn dầu tùy theo nhu cầu sử dụng: vị trí massage, độ nhạy cảm của vùng da…
- Bảo quản dầu trong chai đậy kín, tránh ánh sáng mạnh…
- Thử một lượng nhỏ trên da để kiểm tra mức độ phản ứng trước khi dùng.
Tinh dầu (6 – 12 giọt)
Tinh dầu là chiết xuất nồng độ cao từ thực vật và có đặc tính dễ bay hơi. Các bộ phận được sử dụng để chiết xuất thường là phần thơm nhất nhưng sẽ khác nhau tùy vào loại tinh dầu. Ví dụ, tinh dầu cam quýt được chiết xuất từ vỏ, nhưng tinh dầu hoa hồng được chiết xuất từ cánh hoa.
Kết hợp dầu nền và tinh dầu tạo điều kiện giúp da hấp thu dầu tốt hơn
(Nguồn ảnh: Internet)
Trong đa số trường hợp, bạn cần kết hợp tinh dầu với dầu nền có nguồn gốc từ thực vật. Có thể chọn tinh dầu để tạo nên mùi hương cho dầu massage body dựa trên nhu cầu cá nhân như sau:
- Bổ sung năng lượng tức thời, thúc đẩy tâm trạng: cam, quýt, bạc hà, hương thảo, khuynh diệp…
- Cải thiện khả năng tập trung: bưởi, húng quế, cỏ hương bài (vetiver), hoa cúc bất tử…
- Giảm lo lắng, cân bằng cảm xúc: hoa hồng, xô thơm, oải hương, ngọc lan tây (ylang ylang), gỗ đàn hương, phong lữ…
- Chăm sóc cơ: lộc đề xanh, hoa cúc Đức…
Lưu ý: Công thức trên đủ cho 1 lần massage. Bạn có thể tăng 5 – 10 lần nguyên liệu để đủ cho 1 chai.
Tinh dầu được sử dụng như sản phẩm hỗ trợ tinh thần, xua tan mệt mỏi,
cải thiện tâm trạng… (Nguồn ảnh: Internet)
Các bước làm
Bước 1: Đeo găng tay để hạn chế vi khuẩn. Đun tất cả chai lọ và dụng cụ (muỗng, que thủy tinh, phễu) bằng nước sôi để tiệt trùng. Lau sạch và để khô 100% dụng cụ.
Bước 2: Đổ dầu nền vào một chai thủy tinh dày, tối màu bằng phễu.
Bước 3: Nếu kết hợp nhiều tinh dầu khác nhau, hãy pha trộn tinh dầu vào một chén nhỏ, khuấy bằng muỗng đến khi ra được mùi hương yêu thích cuối cùng.
Bước 4: Để tạo dầu massage cơ thể chứa 1% tinh dầu, bạn nhỏ vào dầu nền 6 giọt tinh dầu. Để tạo dầu massage với 2% tinh dầu, bạn nhỏ vào 12 giọt. Dùng que thủy tinh khuấy đều.
Bước 5: Cho thêm 2 giọt vitamin E để bảo quản dầu lâu hơn.
Cách bảo quản, hạn sử dụng
Nên bảo quản dầu massage trong lọ thủy tinh dày, tối màu, đậy kín và cất giữ nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. Thời hạn sử dụng tùy vào dầu nền, tuy nhiên đừng để quá 6 tháng, bởi chất lượng tinh dầu có thể giảm dần sau 3 – 4 tháng.
Nếu không sử dụng ngay, cần bảo quản dầu massage trong lọ thủy tinh tối màu (Nguồn ảnh: Internet)
Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu vừa giới thiệu đến bạn bài viết về cách tự làm dầu massage cho cơ thể tại nhà. Chúc bạn thành công khi thực hiện và đừng bỏ lỡ những bài viết tiếp theo về bí quyết làm đẹp trên trang nhé.
Ý kiến của bạn