Bạn đã bao giờ nghe đến thuật ngữ GIT – FIT trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn? Lễ tân cần lưu ý những gì khi check-in, check-out cho khách GIT và FIT? Hãy cùng Hướng Nghiệp Á Âu tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
GIT là gì?
GIT là tên viết tắt của cụm từ Group Inclusive Tour, được hiểu là khách du lịch đi theo đoàn hoặc theo nhóm. Với hình thức này, các đại lí du lịch trực tuyến (OTA) sẽ cung cấp các tour có sẵn hoặc thiết kế tour dựa theo yêu cầu của khách đoàn như mức giá, địa điểm, thời gian, số lượng người…
FIT là gì?
FIT là tên viết tắt của cụm từ Frequent Independent Travelers, được hiểu là khách du lịch tự do, khách lẻ không đi theo các chương trình tour do các đại lí du lịch tổ chức và họ thường đặt phòng qua các kênh như Booking, Agoda, Traveloka…
Khách GIT và FIT là hai nhóm khách thường xuyên lưu trú tại khách sạn. Dựa theo nhóm, đối tượng khách hàng mà khách sạn sẽ có các chính sách về giá hoặc chiết khấu cho khách hàng thuộc 2 nhóm này.
Quy trình check-in, check-out cho khách GIT và FIT
Check-in cho khách GIT
Bước 1: Chuẩn bị phòng
Lễ tân tiếp nhận đặt phòng từ công ty lữ hành/đại lí du lịch và chuẩn bị thông tin theo yêu cầu của khách GIT trước khi đến khách sạn bao gồm danh sách khách đoàn, số lượng phòng, loại phòng (VIP, view hướng biển, view cạnh hồ bơi…), phiếu nhận phòng, chìa khóa, bản đồ, name card của khách sạn và phương thức thanh toán trên phần mềm quản lý. Sau đó, thông báo cho các bộ phận liên quan như bảo vệ, bellman, buồng phòng… sẵn sàng đón tiếp khách.
Bước 2: Khi khách GIT đến
(Ảnh: Internet)
- Chào khách đoàn, đại diện là trưởng đoàn (tour leader) hoặc hướng dẫn viên (tour guide)
- Hướng dẫn khách đến khu vực check in cho khách đoàn
- Thu nhận giấy tờ tùy thân: passport (hộ chiếu)/CMND (chứng minh nhân dân) và yêu cầu trưởng đoàn đại diện xác nhận
- Thông báo cho khách về các quy định của khách sạn, chính sách ưu đãi và cách sử dụng các dịch vụ như minibar, nhà hàng, hồ bơi…
- Cấp chìa khóa phòng, bản đồ, name card của khách sạn cho trưởng đoàn
- Thông báo cho bộ phận buồng phòng danh sách xếp phòng và bellman để mang hành lý lên cho khách
Check-in cho khách FIT
(Ảnh: Internet)
Quy trình lễ tân check-in cho khách FIT bao gồm:
- Chào đón khách
- Nhận hộ chiếu và chứng minh thư của khách
- Tìm hiểu thông tin đặt phòng trên máy tính
- Hoàn thành phiếu đăng ký, yêu cầu khách điền thông tin vào phiếu đăng ký in sẵn và chỉ cho khách những phần thông tin cần bổ sung
- Nhập các yêu cầu đặc biệt của khách vào PMS (phần mềm quản lý khách sạn)
- Thông báo các dịch vụ của khách sạn có liên quan như dịch vụ kèm theo trên phòng và chương trình khuyến mãi mà khách sạn đang áp dụng
- Giao chìa khóa cho khách hàng, giải thích cách dùng chìa khóa và thông báo về quy định mất chìa khóa phòng
- Chúc khách hàng có kỳ nghỉ vui vẻ và thông báo bộ phận bellman đưa khách lên phòng
Quy trình check out cho khách GIT và FIT
Quy trình check out của khách GIT và FIT về cơ bản là tương đối giống nhau. Khi khách xuống check out, nhân viên lễ tân thực hiện các bước như sau:
- Thống kê chi phí phát sinh trong quá trình lưu trú
- Tiến hành nhập các chi phí phát sinh của khách vào hệ thống
- Kiểm tra và xác nhận thông tin chi phí lại với khách hàng
- In hóa đơn cho khách kiểm tra
- Xác nhận phương thức thanh toán
- Áp dụng thủ tục đổi tiền, thông báo tỷ giá cho khách
- Nhận lại chìa khóa phòng
- Trả lại giấy tờ tùy thân cho khách
- Cập nhật tình trạng phòng lên hệ thống
- Hỏi thăm khách về mức độ hài lòng khi lưu trú tại khách sạn
- Chào và hẹn gặp lại khách trong những lần lưu trú tiếp theo
Lễ tân cần lưu ý gì về khách GIT và khách FIT? (Ảnh: Internet)
Lễ tân khách sạn là người đảm nhận nhiệm vụ check in và check out cho hầu hết khách lưu trú tại khách sạn, do đó cần nắm vững quy trình cho từng nhóm đối tượng, trong đó có khách GIT và FIT. Hiểu rõ đối tượng khách hàng giúp cho nhân viên lễ tân hoàn thành tốt công việc của mình, đồng thời thể hiện tính chuyên nghiệp và tăng mức độ hài lòng của khách hàng đối với khách sạn.
Hy vọng với những thông tin trên, bạn sẽ hiểu rõ hơn về khách GIT là gì, FIT là gì, từ đó vận dụng tốt vào quá trình làm việc của mình. Nếu bạn là lễ tân khách sạn, muốn nâng cao kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ cho bản thân, có thể tham khảo các khóa học lễ tân chuyên nghiệp tại Hướng Nghiệp Á Âu. Chúc bạn thành công!
Ý kiến của bạn