Mọi người vẫn thường nghĩ rằng làm giò thủ rất phức tạp, đó là vì họ chưa biết công thức dưới đây. Hãy thử ngay cách làm giò thủ đơn giản với hướng dẫn chi tiết từ Hướng Nghiệp Á Âu để bạn có thể tự tay làm ở nhà nhé!
Giò thủ là món ăn truyền thống có cách làm đơn giản
Giò thủ hay còn gọi là giò tai, giò xào là một món ăn truyền thống của người Việt. Hương vị thơm ngon với sự kết hợp từ rất nhiều nguyên liệu như tai heo, mũi heo, thịt giò, nấm… tạo nên vị dai giòn và không bị ngán như các loại giò lụa khác. Trong mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu món giò thủ. Những miếng giò béo ngậy, giòn sần sật đậm đà cùng với vị thơm của hạt tiêu, ăn kèm dưa chua… sẽ là món ngon giúp mâm cơm ngày Tết của gia đình bạn trở nên hấp dẫn. Cùng học ngay cách làm giò thủ tai heo, mũi heo và thịt giò được hướng dẫn bởi Hướng Nghiệp Á Âu để mâm cơm ngày Tết thêm trọn vị bạn nhé!
Nguyên liệu làm giò thủ
- 500gr tai heo
- 200gr mũi heo
- 200gr thịt nạc giò heo
- 80gr nấm mèo (mộc nhĩ)
- 50gr nấm hương
- 10gr hành tím bằm
- 10gr tỏi băm
- 10gr gừng băm
- Gia vị làm giò thủ: hạt nêm, muối, tiêu sọ, tiêu xay, đường, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn
Hướng dẫn làm giò thủ
Sơ chế nguyên liệu
Gừng rửa sạch, cắt lát.
Ngân nấm mèo với nước ấm khoảng 30 phút cho nở. Sau đó mang đi rửa sạch, cắt sợi rộng khoảng 1cm. Bạn không nên cắt quá nhỏ để giữ được độ giòn.
Nấm hương ngâm nước ấm 30 phút, rửa sạch, cắt lát mỏng.
Mũi heo, tai heo rửa sạch với muối, cạo bỏ các chất bẩn bám bên trong kẽ ở mũi và tai, rửa sạch lại với nước nhiều lần.
Thịt giò heo rửa sạch với muối, xả lại nhiều lần với nước, để ráo.
Cho khoảng 2 lít nước vào nồi, bắc lên bếp đun sôi. Sau đó thêm vào 1 muỗng canh đường, ½ muỗng cà phê bột ngọt, gừng cắt lát, hành tím củ. Tiếp theo, bạn cho mũi, tai, giò heo vào chần trong khoảng 5 phút sau đó vớt ra, ngâm vào nước đá cho nguội. Cắt lát mỏng tai heo, mũi heo, riêng phần thịt giò cắt dày hơn 1 chút.
Sơ chế thật kỹ phần thịt tai, mũi và giò để món giò thủ thêm ngon
Ướp thịt
Cho tất cả phần thịt vào tô lớn ướp cùng với 15g đường, 15g bột ngọt, 15g hạt nêm, 10g muối, 1/3 muỗng cà phê tiêu xay và ½ muỗng cà phê tiêu sọ. Trộn đều cho nguyên liệu thấm gia vị, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ướp trong 30 phút.
Trộn đều và thời gian ướp là 30 phút
Cách xào tai, mũi, thịt giò heo
Bắc chảo lên bếp, khi chảo nóng cho 10ml dầu cùng hành tím băm và tỏi băm. Khi hành tỏi vàng thơm, cho phần thịt vào, xào đều tay để tránh mỡ tiết ra và làm cháy thịt.
Khi thịt săn lại cho nấm hương và mộc nhĩ vào chung với hỗn hợp đang xào.
Cho 20ml nước mắm vào, xào thêm 3 phút cho đến khi nấm hương, mộc nhĩ và thịt thấm đều gia vị, tắt bếp, để nguội ấm.
Xào thơm các nguyên liệu
Ép thịt vào dụng cụ làm giò thủ
Cho thịt vào trong khuôn làm giò thủ, nén chặt, đậy nắp, vặn chắc. Sau đó cho nguyên khuôn thịt vào ngăn mát tủ lạnh 1.5 – 2h.
Khi ăn, bạn chỉ cần vặn khuôn ra là đã lấy được khối giò thủ.
Cắt giò thủ thành miếng vừa ăn và thưởng thức cùng dưa kiệu…
Ép thịt đã xào vào khuôn
Yêu cầu thành phẩm
Miếng giò thủ ngon phải đạt được các yêu cầu như gia vị nêm vừa phải, miếng giò giòn, thơm và có đủ độ béo. Về màu sắc, giò có màu hơi hồng của phần lưỡi heo xen lẫn sọc trắng của sụn tai và màu nâu đen của nấm mèo nổi bật trên phần mỡ đông màu trắng ngà.
Gợi ý các cách bó giò thủ không cần khuôn
Cách gói giò thủ bằng lá chuối
Bạn lót bên dưới 2 sợi dây nilon hoặc lạc rồi đến các lớp lá chuối. Bạn nên lót nhiều lá khoảng 3 – 4 lớp. Riêng lớp trong cùng, bạn nên để lá dọc để dễ cuộn hơn.
Múc giò xào vào lớp lá trong cùng và từ từ cuộn tròn lại. Buộc dây ngang để cố định 1 đầu, rồi dùng chày nén chặt thịt xuống. Sau đó, dùng dây buộc chặt xung quanh lại và dùng vật nặng đè nén theo chiều dọc khối giò. Đè nén cho đến khi thấy nguội thì cho vào ngăn mát tủ lạnh 8 – 10h là dùng được.
Bạn có thể bó giò thủ bằng lá chuối. Ảnh: Internet
Cách làm giò thủ bằng màng bọc thực phẩm
Trải màng bọc thực phẩm ra mặt phẳng, cho thịt xò vào giữa, gấp đôi miếng màng bọc rồi từ từ cuộn tròn lại. Tiếp theo, bạn cho cuộn giò vào 1 miếng giấy bạc, cố định 1 đầu và ấn mạnh đầu còn lại để nén chặt giò thủ hơn.
Sử dụng màng bọc thực phẩm để gói giò thủ đều được. Ảnh: Internet
Cách gói giò thủ bằng chai nhựa
Bạn vẫn có cách làm giò thủ không cần khuôn. Nếu không có sẵn khuôn ép giò, bạn có thể dùng chai nhựa có đường kính phù hợp để gói và ép giò. Để thực hiện, bạn cắt bỏ đầu chai, rửa sạch. Lồng túi nilông hoặc lá chuối vào lòng chai, đổ thịt đã xào vào, dùng tay ấn cho thịt thật chắc, dùng vật nặng đè lên chai cho giò chắc hơn. Khi giò nguội, cất cây giò vào ngăn mát tủ lạnh để thịt đông kết với nhau.
Bạn cũng có thể dùng chai nhựa để nén giò xào. Ảnh: Internet
Bí quyết làm giò thủ ngon
- Bạn có thể bảo quản giò thủ trong ngăn mát tủ lạnh tối đa khoảng 5 – 7 ngày. Khi thấy cây giò thủ có nhớt, bạn không nên dùng tiếp. Đây là dấu hiệu cảnh báo cây giò đã bị thiu.
- Đặc trưng hương vị của ẩm thực miền Bắc là không nêm đường vào thức ăn. Do đó, nếu gói giò theo hương vị miền Bắc, bạn không nên nêm đường vào hỗn hợp thịt làm giò.
- Tai heo to thường là heo già, sụn cứng. Do đó, để món giò thủ ngon có độ giòn vừa phải, bạn nên chọn tai heo cỡ vừa.
- Lúc xào thịt, bạn không nên cho nhiều dầu ăn vì rất dễ ngây cảm giác ngấy.
- Việc nén chặt rất quan trọng trong làm giò thủ vì nếu không được nén chặt khi gỡ ra khỏi khuôn sẽ không có độ kết dính.
Cách cắt giò xào đẹp mắt
Bạn có thể cắt giò xào thành hình tam giác chia đều theo khối tròn của giò thủ. 1 khoanh tròn, bạn có thể chia làm 6 hoặc 8 miếng tam giác tùy ý.
Bạn có thể cắt miếng tam giác
Ngoài ra, bạn cũng có thể cắt thành các khối dọc hình chữ nhật cũng rất đẹp mắt và dễ ăn.
Bạn cũng có thể cắt giò thủ theo khối dọc. Ảnh: Internet
Với các bước hướng dẫn chi tiết trên đây, hy vọng bạn đã có thể tổ tài với giò thủ nhà làm tặng bạn bè, người thân hoặc kinh doanh. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm chi tiết cách làm giò thủ từ đầu bếp chuyên nghiệp, bạn hãy điền thông tin vào form bên dưới hoặc liên hệ đến tổng đài miễn phí cước gọi 1800 6148 hoặc 1800 2027 để được tư vấn chi tiết hơn về các lớp học nấu ăn của chúng tôi nhé!
Ý kiến của bạn