Dân Dã, Lạ Miệng Với Món Ngon Từ Đất Đá Của Người Việt

Chắc hẳn, nhiều người cũng từng thắc mắc điều gì ở ẩm thực Việt làm điêu đứng nhiều vị Bếp trưởng nổi tiếng thế giới? Đây thực sự là một nền ẩm thực độc đáo từ cách kết hợp gia vị đến sử dụng nguyên liệu chế biến. Dù là người Việt, bạn cũng sẽ há hốc mồm vì bất ngờ khi biết rằng đất đá cũng góp phần tạo nên hương vị nhiều món ăn ngon, hấp dẫn.

Ngoài việc lấy hình tượng đất để chế tạo món ăn (như bánh chưng), gọi tên những món ăn (như kẹo đất)… thì đất cũng là thành phần nguyên liệu quan trọng trong chế biến nhiều món ăn mà không phải ai cũng biết đến. Đất góp phần tạo nên hương vị đặc trưng cho gà nướng đất sét, trứng bắc thảo, mắm chua xứ Huế… Người Việt quan niệm rằng độ ẩm cùng hương vị thô mộc của đất khi chôn mắm xuống đất, bọc thức ăn trong đất khiến món ăn càng ngon hơn. Xét về khía cạnh khoa học, đất là nguồn cung cấp vi khoáng dồi dào cho cơ thể. Việc nướng món ăn với đất, vùi thức ăn trong đất của ông bà từ xa xưa là một hình thức “khử trùng” tự nhiên.

Gà nướng đất sét

gà nướng đất sét

Lớp đất bên ngoài giúp thịt gà thơm, mềm và chín đều (Ảnh: Internet)

Gà nướng đất sét (gà đập đất) là đặc sản nức tiếng miền Tây được cải biên từ món “gà cái bang” trong ẩm thực Trung Hoa. Tuy là món ăn dân dã thế nhưng không phải đơn giản để bạn có được phần gà nướng đất sét ngon đúng điệu. Tất cả mọi công đoạn chế biến đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ đặc biệt là khâu xử lý đất sét. Đất sét phải được nhào với nước đạt đến độ dẻo và kết dính vừa phải. Quết đất sét trên bề mặt gà có độ dày hợp lý để thịt gà chín mềm đều.

Về miền Tây, ngoài gà, bạn sẽ còn được thưởng thức nhiều món ăn có cách chế biến với đất sét tương tự như vịt, cá quả… Tuy nhiên với từng loại thịt, người dân có sự kết hợp gia vị, rau thơm phù hợp để tăng thêm hương vị món ăn. Trong những món ăn này, đất sét đóng vai trò tạo mùi thơm thô mộc đồng thời, giữ lại toàn bộ nước, mỡ khiến thịt mềm mại, không hề khô như nướng thông thường.

Trứng bắc thảo

trứng bắc thảo

Trứng bắc thảo món ngon được làm nên với sự góp sức của đất (Ảnh: Internet)

Trứng bắc thảo cũng là món ngon có nguồn gốc xuất xứ từ ẩm thực Trung Hoa. Đây là loại trứng được gọi với nhiều cái tên khác nhau như trứng bách nhật, trứng trăm năm, trứng nghìn năm, trứng thiên niên kỷ, trứng thế kỷ… Người Trung Hoa thường chôn trứng trong đất 3 – 5 tháng, lên men tự nhiên, có mùi hăng hăng. Khi du nhập vào Việt Nam, cách chế biến món trứng bắc thảo ít nhiều cũng có thay đổi.

Người Việt bọc trứng trong hỗn hợp bùn, rơm, đất sét trộn nhão thêm nhiều loại thảo mộc khác như quế, đinh hương, trà mạn, lá rau dền gai… Từ đó, mùi hăng hăng được hạn chế và món trứng bắc thảo cũng tăng thêm hương vị cuốn hút. Trong quá trình lên men, lớp bùn đất bên ngoài có tác dụng giữ cân bằng nhiệt độ, độ ẩm, triệt tiêu đi các vi khuẩn hư thối. Nhờ đó, trứng không chỉ được bảo quản tốt mà còn có hàm lượng dinh dưỡng cao sau khi chôn dưới đất một thời gian.

Mắm tôm chua xứ Huế

mắm tôm chua xứ huế

Mắm tôm chua xứ Huế có hương vị thơm ngon (Ảnh: Internet)

Ngày xưa, ông bà ta thường chôn mắm dưới đất để tạo nên hương vị đậm đà. Cho đến hiện nay không còn mấy nơi lưu giữ cách làm truyền thống này. Tuy nhiên, với một số loại mắm đặc sản thiếu đi công đoạn chôn đất xem như mất đi một nửa linh hồn, điển hình như mắm tôm chua xứ Huế. Nếu từng thưởng thức qua, chắn hẳn khó lòng bạn có thể quên được vị chua đậm hòa quyện với vị ngọt dịu và cay nhẹ của món mắm được chôn đất này.

Cách chế biến mắm tôm chua xứ Huế khá kỳ công và tốn nhiều thời gian. Người Huế trộn tôm sông cùng riềng, tỏi, ớt, măng… cho vào vại sành phơi nắng ấm khoảng 3 ngày rồi chôn dưới đất khoảng 1 tuần. Độ ẩm trong đất giúp cho công đoạn mắm lên mắm ổn định và thu được thành phẩm tôm chín đều, có màu đỏ bắt mắt, nước mắm sền sệt lại, có màu cam nhạt cuốn hút. Ngoài mắm tôm chua, các loại mắm khác như mắm cáy, mắm rươi… cũng áp dụng tuyệt chiêu chôn đất.

Có lẽ “điểm mặt” những món ăn từ đất đá trên, ta mới hiểu hết cái gọi là dân dã mà lạ miệng của ẩm thực Việt. Sự xuất hiện, tồn tại và gắn liền cuộc sống lao động của những món ngon ấy không chỉ góp phần tạo nên nét độc đáo cho ẩm thực nước nhà mà còn thể hiện sức sáng tạo của người Việt trong ẩm thực là vô vạn.

Điểm: 4.8 (45 bình chọn)

Tác giả: Bùi Tiến Dũng

Bùi Tiến Dũng là giảng viên chuyên ngành Bếp Nóng tại Hướng Nghiệp Á Âu. Là một người yêu ẩm thực và đam mê tìm hiểu các kỹ thuật nấu ăn, Bùi Tiến Dũng sẽ bổ sung cho bạn những kiến thức bổ ích, có thể áp dụng ngay vào công việc thực tiễn.

Bài viết liên quan

ĐƠN VỊ TUYỂN DỤNG CHEFJOB.VN

ĐẦU BẾP - BẾP BÁNH - PHA CHẾ - PHỤC VỤ - BUỒNG PHÒNG

LỄ TÂN - QUẢN LÝ NHÀ HÀNG - KHÁCH SẠN

Hotline: 1900 2175 - Web: www.chefjob.vn

SIÊU THỊ ĐVP MARKET

Chuyên bán sỉ lẻ Nguyên liệu - Dụng cụ - Máy móc

TRÀ SỮA - CAFÉ - QUÁN ĂN - QUÁN KEM - KINH DOANH BÁNH

Hotline: 028 7300 1770 - Web: www.dvpmarket.com

Ý kiến của bạn