Doanh nghiệp của bạn đã sử dụng Instagram trong hoạt động marketing của mình chưa? Nếu chưa thì đã đến lúc cần phải cân nhắc lại. Với hơn 1 tỉ lượng người dùng hằng tháng, Instagram chính thức trở thành mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Và tỉ lệ chuyển đổi (conversion rate) trên các bài post Instagram là một chỉ số đang ngày càng trở nên quan trọng.
Theo Sprout Social, có 71% các doanh nghiệp tại Mỹ đang sử dụng Instagram để làm tiếp thị. Do đó, hãy bắt đầu tạo một profile và thu hút những người theo dõi cho tài khoản của mình. Bạn sẽ có cơ hội để chuyển đổi những người dùng này trở thành khách hàng thực sự.
(Nguồn ảnh: Internet)
Yếu tố cần ưu tiên ở đây là chuyển đổi (conversion). Nhưng để làm được như thế, bạn cần tìm những cách hiệu quả nhất giúp cải thiện tỉ lệ tương tác (engagement rate) trên các bài đăng Instagram của mình trước.
Bạn phải hiểu về các người dùng tiêu thụ nội dung trên nền tảng này: đó là cuộn dọc theo trang tin được hiển thị, cũng giống như News Feeds trên Facebook. Nhưng tại đây, mỗi ngày có đến 95 triệu bức ảnh và video được chia sẻ.
Nếu các bài viết của bạn không “bắt mắt” người theo dõi, họ sẽ ngay lập tức lướt qua ngay, và bạn sẽ không có một cơ hội chuyển đổi nào nếu sự việc diễn ra theo chiều hướng này.
Thật khó để trở nên nổi bật và khác biệt vì mọi người đều sử dụng cùng một nền tảng với các tính năng giống nhau. Nếu bạn chỉ sử dụng những bộ lọc hay hiệu ứng trực tiếp mà Instagram cung cấp, thì nội dung của bạn cũng giống với hàng tỉ người dùng khác trên nền tảng này. Vì suy cho cùng thì số lượng những tùy chọn chỉnh sửa này cùng với các loại bài viết cũng có giới hạn.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn giành được một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ và thực sự làm cho nội dung của mình nổi trội hơn, bạn sẽ cần đến một số công cụ khác. Và chúng sẽ giúp cho bài viết của bạn trở nên cực kỳ chất lượng, từ đó khả năng chuyển đổi cũng được gia tăng.
Sau đây là 10 công cụ mà Khóa học Digital Marketing Á Âu muốn giới thiệu với các bạn để làm cho các bài đăng trên Instagram trở nên “xuất sắc” hơn.
1. GIPHY Cam
Với sự phổ biến ngày càng gia tăng của các hình ảnh động (GIFs), GIPHY Cam là một lựa chọn hàng đầu đáng để cân nhắc.
(Nguồn ảnh: Internet)
Ứng dụng này có 2 phiên bản dành cho cả hệ điều hành iOS và Android. Đội ngũ social media marketing của bạn có thể khai thác hiệu quả công cụ này, bất kể nền tảng mà họ đang sử dụng là gì.
Ý tưởng của ứng dụng này rất đơn giản. Nó cho phép bạn tạo ra những hình ảnh động của riêng mình bằng cách ghi lại trực tiếp nội dung thông qua ứng dụng.
Khi hình GIF của bạn đã được ghi lại, bạn có thể chèn thêm các hiệu ứng cùng các thành phần khác để làm bài đăng trở nên chất lượng hơn. Đây là một cách tuyệt vời để làm cho nội dung trở nên nổi bật so với những bức ảnh hay video thường thấy được tải lên Instagram.
Vì tạo hình động không phải là một tính năng có sẵn trên Instagram, nên những bài đăng này sẽ tạo cho bạn một lợi thế cạnh tranh tương đối so với các bài post từ những tài khoản khác.
Ngoài ra, GIPHY còn có những ứng dụng khác giúp đáp ứng đa dạng các nhu cầu tạo hình động của bạn như:
- GIPHY
- GIPHY Capture
- GIPHY Sticker Embed
- GIPHY World
2. Perfect Video
Nếu bạn không phải là một người sành sỏi về công nghệ, thì Perfect Video là một ứng dụng không thể phù hợp hơn vì nó cực kỳ thân thiện với người dùng.
(Nguồn ảnh: Internet)
Bất cứ những ai không có kinh nghiệm chỉnh sửa, biên tập video hay chán ngán vì những phần mềm cao cấp đắt tiền nên thử sử dụng ứng dụng này một lần. Từ đây bạn sẽ không còn cần đến phần mềm nào khác nữa mỗi khi muốn đăng tải video lên Instagram.
Đúng là Instagram vẫn có những công cụ chỉnh sửa được tích hợp trực tiếp vào ứng dụng, nhưng những tính năng này làm giới hạn khả năng sáng tạo của bạn với nội dung mình. Với Perfect Video, bạn có thể cắt các đoạn clip và gộp nhiều video lại thành một file.
Bên cạnh đó, hãy thêm phụ đề vào video để thu hút những người xem không bật âm lượng. Thậm chí bạn còn có thể chèn watermark vào video để đề phòng những người khác “lấy cắp” nội dung của mình. Kho hiệu ứng chuyển cảnh của Perfect Video cực kỳ phong phú, bạn cũng nên tận dụng tính năng chèn nhạc nền mà phần mềm này cung cấp.
Sau khi đã chỉnh sửa xong thì việc xuất video trực tiếp lên Instagram cũng vô cùng dễ dàng. Ngoài video, bạn cũng có thể dùng phần mềm này để làm slideshow. Một ưu điểm nữa đó là ứng dụng này có thể được tải về miễn phí. Tuy nhiên, có một số tính năng mở rộng yêu cầu người dùng phải thanh toán trước khi sử dụng.
3. All Hashtag
Các bài đăng Instagram của bạn không chỉ phụ thuộc vào mỗi nội dung về mặt thị giác. Bạn cần học cách viết caption Instagram sao cho thu hút được nhiều lượng tương tác. Và hashtag là một phần trong những caption này. Vai trò của nó trên Instagram là cực kỳ quan trọng.
Đó là lý do bạn cần sử dụng các công cụ như All Hashtag.
(Nguồn ảnh: Internet)
Đây là công cụ giúp bạn tạo ra các hashtag để hoàn tất bài đăng của mình. Chỉ cần gõ vào một số từ ngữ có liên quan đến thương hiệu, sản phẩm hay chiến dịch đang triển khai… Và All Hashtag sẽ lo phần còn lại.
Ngoài tính năng tạo hashtag, bạn cũng sẽ khám phá được xem những hashtag nào đang được sử dụng nhiều nhất trong hiện tại. Ứng dụng này hiển thị những hashtag đang là xu hướng theo ngày, theo tuần và mọi lúc.
Hãy phân tích những hashtag bằng công cụ này và tìm hiểu về khả năng thăng hạng cũng như nhận được nhiều lượng tương tác với những hashtag mà bạn dự định sử dụng.
4. Quik
Quik là một ứng dụng chỉnh sửa video khác dành cho cả hệ điều hành iOS và Android.
(Nguồn ảnh: Internet)
Điều làm cho công cụ này trở nên khác biệt chính là nó được phát triển bởi GoPro. Nếu bạn đang sử dụng một thiết bị ghi hình của GoPro để quay nội dung cho trang Instagram của mình, thì đây là một công cụ tuyệt vời dành cho bạn. Việc nhập video trở nên thực sự dễ dàng với ứng dụng này.
Bạn có thể thực hiện việc này từ bộ sưu tập trên điện thoại, Dropbox hay Google Photos. Quiks cũng cho phép bạn nhập nội dung từ các thiết bị như GoPro Plus và GoPro Quik Key.
Một trong những tính năng hàng đầu của Quik chính là khả năng phân tích các video để thực hiện việc cắt cúp thông minh một cách tự động. Ngoài ra, công cụ này còn có thể nhận diện gương mặt. Tất cả các hình ảnh, clip và video sẽ được căn khung một cách hoàn hảo. Nếu bạn không muốn sử dụng tính năng này, bạn có thể crop nội dung theo cách thủ công.
Sử dụng Quik, bạn cũng sẽ được cung cấp 100 bài hát miễn phí để chèn vào video hoặc tùy ý thêm vào đoạn nhạc yêu thích của riêng mình. Và một điểm mạnh nữa của Quik chính là nó cho phép bạn có thể dễ dàng đồng bộ nhịp chuyển cảnh của video dựa trên beat nhạc đang được sử dụng.
5. AutoHash
Không phải lo khi bạn không nghĩ ra được một hashtag nào. AutoHash là công cụ được thiết kế với cách thức độc đáo giúp bạn tạo ra các hashtag dành riêng cho từng bức ảnh bạn muốn đăng lên Instagram.
(Nguồn ảnh: Internet)
Công cụ này sẽ quét qua hình ảnh và sau đó tự động tạo ra hashtag phù hợp. Nếu bạn đăng hình của một chú chó, thì bạn sẽ nhận được các hashtag liên quan đến chó. Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng sẽ phân loại các hashtag theo mức độ phổ biến trong nhiều danh mục lĩnh vực khác nhau. Điều này sẽ đảm bảo rằng bài đăng của bạn có được lượng tiếp cận rộng nhất có thể.
Bạn cũng có thể lưu lại những hashtag yêu thích để sử dụng lại trong những bài đăng tiếp theo, tải nội dung trực tiếp lên Instagram từ AutoHash mà không phải mất thời gian sao chép rồi dán lại.
AutoHash còn có tính năng tạo hashtag dựa trên địa điểm. Chỉ cần bật GPS trên điện thoại và phần mềm này sẽ tự tạo các hashtag có liên quan đến địa điểm của bạn.
6. Rookie Cam
Rookie Cam mang đến cho bạn một phiên bản cao cấp hơn của camera mặc định của máy. Nhưng vẫn rất dễ sử dụng.
(Nguồn ảnh: Internet)
Số lượng bộ lọc ở đây cũng nhiều hơn hẳn trên Instagram và còn có chức năng bộ lọc trực tiếp (live filter), nghĩa là bạn có thể nhìn thấy các bộ lọc cùng với nhiều hiệu ứng khác trên màn hình trong khi đang chụp ảnh hoặc quay video. Bạn sẽ biết rõ hơn sản phẩm cuối cùng trông như thế nào.
Với Rookie Cam, bạn cũng có thể tạo ra các khung ảnh ghép (collage) mà không cần phải tải thêm một ứng dụng khác để thực hiện riêng chức năng này. Số lượng hình tối đa trong một khung ảnh là 9, hãy chọn những cỡ hình ảnh khác nhau, tạo nên những bộ lọc đa dạng và chỉnh sửa từng hình ảnh trong khung ảnh ghép này.
Kho thư viện của Rookie Cam cũng có những thành phần thiết kế rất tuyệt vời, bạn cũng có thể chèn thêm text vào hình ảnh với rất nhiều font chữ khác nhau, thêm vào các sticker, khung ảnh, hay hình hiệu… để tăng mức độ bắt mắt.
7. Ask Lisa
Trên Instagram, tất cả chúng ta đều biết rằng hình ảnh cuối cùng được đăng là một trong số những lựa chọn tiềm năng nhất. Nếu bạn không thể quyết định xem nên chia sẻ hình ảnh nào, thì Ask Lisa là một công cụ có thể giúp bạn đưa ra những quyết định với đầy đủ thông tin hợp lý.
(Nguồn ảnh: Internet)
Công cụ này sử dụng phần mềm nhận diện hình ảnh với công nghệ AI. Đây là một trong những công nghệ hàng đầu làm cho việc học máy tái định hình lại hoạt động marketing. Bạn có thể thực hiện việc so sánh giữa hai hoặc 5 hình ảnh trên nền tảng này. Để giúp cho việc quyết định xem hình này nào sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất, Ask Lisa cũng tích hợp thêm chức năng tạo hashtag dựa trên hình ảnh cho người dùng.
8. Hashtagify
Cũng giống như một vài công cụ khác trong danh sách này, Hashtagify sẽ giúp bạn tìm những hashtag tốt nhất cho bài đăng.
(Nguồn ảnh: Internet)
Nhưng không chỉ có thế, nền tảng này sở hữu một số tính năng làm nó trở nên khác biệt. Bạn có thể khám phá các hashtag liên quan đến những xu hướng hiện tại và những danh mục cụ thể. Bạn cũng có thêm một số tùy chọn phân tích với các dữ liệu mà Hashtagify cung cấp. Từ đó theo dõi xem các hashtag bạn đang sử dụng hoạt động ra sao. Hãy xác định thời gian đăng bài tốt nhất, và phân tích chiến lược marketing của mình dựa trên những nghiên cứu và thông tin có được từ đây.
Ngoài ra, Hashtagify còn giúp bạn khám phá những người ảnh hưởng (influencer) trong cộng đồng đang sử dụng các hashtag tương tự. Bạn có thể tiếp cận đến họ để mở rộng phạm vi tiếp cận cũng như có được nhiều sự hiện diện hơn trong môi trường này. Nếu cần thiết, hãy sử dụng thêm những nền tảng giúp quản lý hiệu quả những người ảnh hưởng trên mạng xã hội (social influencers managing tools).
Bạn có thể dễ dàng xuất các bản báo cáo trên này thành file PDF hoặc CSV để chia sẻ với những nhân sự cần thiết.
9. MIKU
Khi nhắc đến việc chỉnh sửa hình ảnh trên Instagram, bạn có thể sẽ bị choáng ngợp bởi số lượng công cụ hiện có. Công cụ nào cũng mang đến nhiều bộ lọc hơn cùng các lựa chọn chỉnh sửa đa dạng, vậy đâu mới là công cụ tốt nhất?
Thật khó để có một câu trả lời rõ ràng trừ khi bạn tự mình trải nghiệm. Khi điều hành một doanh nghiệp, có thể bạn sẽ không có thời gian để làm việc này. Vậy nên sẽ rất tuyệt vời nếu có ai đó làm điều đó cho bạn.
Thay vì giao công việc này cho một nhân sự nào đó, hãy sử dụng MIKU.
(Nguồn ảnh: Internet)
Tất cả những việc cần làm chỉ là tải hình ảnh lên kèm một phần giải thích ngắn về việc bạn muốn hình ảnh được chỉnh sửa như thế nào, và sẽ có người chuyên nghiệp xử lý giúp cho bạn. Tốc độ phản hồi trung bình trên nền tảng này là 30 phút, nhưng bạn sẽ nhận được hình ảnh trả về trong vòng 2 giờ.
Mức giá cho dịch vụ này tùy theo khối lượng công việc. Bạn có thể trả tiền theo mỗi hình ảnh hoặc trả theo một mức giá sỉ dựa trên phí hàng tháng.
Ví dụ, bạn có thể đăng ký gói 19.99$/tháng, và bạn sẽ được chỉnh sửa 20 hình ảnh, tương đương với mức giá 1$/hình thay vì mức giá tiêu chuẩn là 3.99$. Đây là một lựa chọn đáng để cân nhắc nếu bạn sử dụng công cụ này thường xuyên.
10. Storeo
Storeo là công cụ giúp bạn cải thiện chất lượng nội dung trên Instagram story.
(Nguồn ảnh: Internet)
Bạn đã từng gặp tình trạng: bạn đang ghi lại một nội dung gì đó để tải lên story trực tiếp từ Instagram và sau đó thời gian giới hạn bị hết, bạn cũng bị lỡ mất nội dung mình đang muốn quay.
Điều này thật sự làm ảnh hưởng đến chất lượng tổng thể cho video của bạn. Ngay cả khi bạn có ghi lại bằng điện thoại trước khi tải lên story, thì Instagram cũng không cho phép bạn đăng những đoạn clip dài hơn 15 giây. Bạn phải cắt thủ công những đoạn video dài này và thêm vào story từng đoạn một.
Đây là một điều gây khó chịu và không tạo ra trải nghiệm tốt cho người dùng. Thế nhưng Storeo đã giải quyết vấn đề này. Với Storeo, bạn được phép ghi lại một đoạn video dài mà không phải dừng lại để bấm nút quay. Sau đó, nó sẽ t ự động xuất video này lên Instagram story của bạn thành những đoạn ngắn 15 giây.
Khi người dùng xem story, thì nó vẫn “mượt” như là một video dài.
Kết luận
Nếu bạn muốn thúc đẩy lượng truy cập cho những bài đăng Instagram của mình và từ đó gia tăng tỉ lệ chuyển đổi, bạn cần phải cải thiện chất lượng nội dung. Đôi khi, các tùy chọn chỉnh sửa mà Instagram cung cấp không đủ để làm cho bài đăng của bạn trở nên nổi bật so với hàng loạt nội dung khác.
Khi đó, bạn cần khai thác những công cụ đã được giới thiệu trong bài viết này, có rất nhiều lựa chọn khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng. Bạn có thể linh hoạt tìm kiếm các phần mềm giúp sáng tạo với hình ảnh, video hay hình GIF. Trong khi một số phần mềm khác sẽ giúp bạn tạo hashtag, caption hay story trên Instagram.
Tóm lại, hãy sử dụng bất cứ công cụ nào phù hợp với chiến lược marketing của mình để làm cho bài đăng không bị nhàm chán, luôn mới mẻ và có tính thu hút với người dùng. Có như vậy thì bạn mới thu về được nhiều tương tác và từ tương tác, chuyển đổi sẽ được hình thành. Còn bạn, bạn đang sử dụng công cụ nào để tăng tỉ lệ chuyển đổi trên Instagram cho những bài đăng của mình?
Ý kiến của bạn