Nấu cơm gạo lứt muối mè không khác nhiều so với nấu cơm trắng chúng ta hay ăn, tuy nhiên thời gian sẽ lâu hơn và phần chuẩn bị cũng mất kha khá thời gian hơn. Mặc dù vậy, gạo lứt là một thực phẩm vô cùng tốt cho sức khỏe và góp phần mang đến tinh thần thoải mái, trạng thái cân bằng cho con người.
Nếu bạn đã từng nghe qua phương pháp thực dưỡng hoặc thực dưỡng Ohsawa, chắc chắn bạn đã từng biết đến món gạo lứt. Gạo lứt là thực phẩm bắt buộc phải có trong khẩu phần ăn thực dưỡng, trong đó, phương pháp thực dưỡng số 7 đạt đến mức 100% bữa ăn là gạo lứt.
Gạo lứt có 3 loại phổ biến: màu đỏ, màu hơi nâu và màu trắng ngà. Trong số 3 loại này, bạn nên lựa chọn loại gạo màu đỏ, trồng hữu cơ trong khoảng 6 tháng bởi chúng có tính Dương cao (tốt cho sức khỏe và tâm trạng), đồng thời cũng chứa chất chống oxy hóa nhiều hơn các loại còn lại.
Những người mới bắt đầu tập ăn gạo lứt sẽ bắt đầu từ món cơm gạo lứt muối mè. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách nấu cơm gạo lứt và muối mè cho món ăn thật thơm ngon và rất dễ ăn.
Nguyên liệu nấu gạo lứt đỏ
- 2 chén cơm gạo lứt
- 1 chén mè
- Muối trắng
- Nồi cơm điện hoặc nồi áp suất.
Cách nấu gạo lứt đỏ
Ngâm gạo
Gạo lứt không cần vo quá nhiều lần như cách nấu cơm thông thường. Đầu tiên, bạn cần phải rửa qua gạo lứt đỏ, sau đó đem ngâm trong nước lạnh sạch qua đêm hoặc ngâm từ 5 – 6 tiếng. Mục đích ngâm gạo là để loại bỏ bớt những độc tố, giúp hạt gạo mềm, khi nấu sẽ nhanh chín và khi ăn cũng dễ tiêu hóa hơn.
Đong gạo
Để nấu được một “mẻ” cơm gạo lứt ngon, việc đong gạo cùng với lượng nước như thế nào là vô cùng quan trọng. Đối với loại gạo lứt đỏ, bạn cân tỷ lệ là 1:2 (cứ 1 mức gạo lứt thì đong 2 mức nước). Nếu bạn nấu bằng nồi củi thì phải thêm 30% nước nữa.
Nấu chín
Nấu gạo lứt ngon, thơm, mềm và dẻo nhất là khi bạn chọn nấu bằng nồi áp suất. Thời gian nấu gạo lứt hạt đỏ là khoảng 1 tiếng.
Khi nấu cơm gạo lứt, bạn có thể kê thêm vào nồi đậu đỏ hoặc hạt sen sẽ giúp cơm thơm hơn và có được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Nếu cho thêm đậu đỏ thì bạn cần phải ngâm mềm trước, sau đó đun sôi, bỏ nước đầu, sau đó mới kê vào nồi cơm nấu cùng gạo lứt.
Làm muối mè
Bước 1: Mè mua về bạn rửa sạch và rang chín. Để mè thơm, chín đều thì bạn rang mỗi lần một nắm nhỏ và đảo thật đều tay.
Bước 2: Trộn muối mè theo tỉ lệ 1:20 (có thể đong bằng muỗng ăn). Tuy nhiên, nếu bạn ăn gạo lứt với mục đích hỗ trợ chữa bệnh thì điều chỉnh tỉ lệ thành 1:5.
Sau khi đã hoàn thành phần muối mè, bạn chỉ cần trộn cơm đã nấu còn nóng với muối mè là có thể thưởng thức ngay.
Như đã giới thiệu, việc thay toàn bộ gạo trắng, thức ăn bằng 100% gạo lứt muối mè là “cảnh giới” cao nhất trong phương pháp ăn thực dưỡng được đề xuất và phát triển bởi Ohsawa. Người sáng lập và nhiều chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng, áp dụng thực dưỡng ở mức độ càng cao (tức thay thế các thức ăn bằng gạo lứt càng nhiều) thì cơ thể càng khỏe mạnh, phòng ngừa được nhiều bệnh tật và giữ được tính khí luôn ở mức cân bằng, hạn chế được sự bực tức hay nổi nóng dẫn đến một đời sống tinh thần hạnh phúc, nhiều niềm vui. Vì thế, gạo lứt muối mè không chỉ là món ăn phù hợp với người ăn chay mà cũng là gợi ý lý tưởng cho những người ăn mặn cần ăn kiêng hoặc muốn chữa bệnh, phòng ngừa bệnh tật.
Chúc bạn thành công với món ăn này! Đừng quên theo dõi cách làm những món chay đơn giản được chia sẻ từ các Bếp Trưởng chuyên nghiệp.
Ý kiến của bạn