Trên hành trình khám phá nền ẩm thực Việt Nam phong phú, đa dạng, học viên khóa Bếp trưởng Bếp Việt cấp độ Nâng cao đã có buổi thực hành Chuyên đề gỏi gồm 3 món: nộm su hào, gỏi ốc giác, gỏi bò đồng quê.
Trong thế giới ẩm thực Việt muôn màu muôn vẻ, các món gỏi luôn tạo được sức hấp dẫn đặc biệt và chinh phục không ít thực khách khó tính. Gỏi (nộm) là món ăn nổi tiếng việt nam điển hình của người Việt sử dụng phương pháp chế biến bằng cách pha trộn, kết hợp nhiều thành phần nguyên liệu tươi ngon, lạ miệng cùng các gia vị đặc trưng, tạo nên hương vị lôi cuốn khó cưỡng và cực kích thích vị giác.
Thường xuyên xuất hiện trong thực đơn của các gia đình, quán ăn, nhà hàng, khách sạn… gỏi luôn là món khai vị được yêu chuộng. Do đó, để hỗ trợ tốt nhất cho công việc và chinh phục vị trí Bếp trưởng Bếp Việt, học viên cần nắm vững kiến thức và hoàn thiện những kỹ năng quan trọng để có thể chế biến đúng phương pháp và xây dựng set menu thu hút thực khách.
Học viên lớp Bếp trưởng Bếp Việt trong buổi thực hành Chuyên đề gỏi
Tổng quan về chế biến gỏi trong ẩm thực Việt
Trong bữa ăn của nhiều gia đình Việt và cả trong những mâm cỗ dịp lễ tiệc, các món gỏi vẫn thường xuyên xuất hiện như một món ăn thân thuộc, gần gũi. Ngoài dùng gỏi làm món khai vị thì đây còn là những món nhậu khoái khẩu của cánh mày râu.
Nếu người miền Nam gọi là gỏi thì người miền Bắc lại gọi là nộm. Bên cạnh đó, cũng tùy vào từng vùng miền, địa phương mà món gỏi được biến tấu linh hoạt vô cùng đa dạng với đủ các nguyên liệu tươi ngon khác nhau. Lúc này, người ta thường gọi tên gỏi kèm theo các nguyên liệu chế biến như: gỏi gà, gỏi đu đủ, gỏi ngó sen tôm thịt, gỏi cá thu, gỏi vịt…
Ngoài ra, giảng viên cũng nhấn mạnh rằng, để có được các món gỏi ngon nhất, khi chế biến cần đảm bảo được ba yếu tố gồm:
– Các nguyên liệu trộn gỏi phải tươi, sạch và giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng.
– Cần chế biến nước xốt trộn gỏi có khẩu vị phù hợp với sở thích của người ăn.
– Nắm vững kỹ thuật trộn gỏi để các nguyên liệu không bị nát mà vẫn thấm đều vị và giữ được độ giòn tươi, đẹp mắt thì mới đảm bảo hoàn thành món gỏi ngon.
Các nguyên liệu trộn gỏi phải tươi, sạch
Khám phá các yếu tố làm nên những món gỏi Việt chuẩn vị, hấp dẫn
Học viên đã được hướng dẫn lần lượt phương pháp và kỹ thuật chế biến 3 món: nộm su hào, gỏi ốc giác, gỏi bò đồng quê trong buổi học gồm:
– Nâng cao phương pháp sơ chế và trộn để gỏi thấm sâu gia vị.
– Thành thạo các kỹ thuật trộn nộm/gỏi.
– Thành thạo kỹ thuật luộc gà, tôm, thịt bò mềm mà vẫn giữ được chất ngọt bên trong.
– Thành thạo kỹ thuật chiên bánh phồng tôm, rang đậu phộng.
– Thành thạo kỹ thuật chế biến xốt trộn gỏi và kỹ thuật trộn gỏi thấm đều vị, không bị nát.
Học viên thực hành kỹ năng rang đậu phộng
Làm nên linh hồn và sự lôi cuốn cho các món gỏi trước hết phải là xốt trộn gỏi. Theo đó, các học viên được hướng dẫn kỹ thuật chế biến xốt trộn gỏi kiểu miền Bắc và mắm chua ngọt miền Nam chuẩn vị, đậm đà; đồng thời được mở rộng kiến thức với cách bảo quản mỗi loại xốt.
Xốt trộn là linh hồn của mỗi món gỏi
Với món nộm su hào – một món ăn có xuất xứ và tên gọi của người miền Bắc khá phổ biến sử dụng phương pháp trộn. Để có được thành phẩm nộm hoàn hảo, học viên được lưu ý tỉ mỉ trong từng khâu như: cách cắt sợi su hào đúng độ dài phù hợp, cách làm cho gỏi giòn, khô ráo nước, cách luộc thịt ba chỉ chín mềm; cách chiên đậu phộng chín đều, bùi và thơm; cách chiên bánh phồng tôm với mẹo thử nhiệt độ dầu sôi trên chảo bằng một miếng thịt nhỏ một cách chính xác, từ đó giúp phồng tôm vàng giòn, đẹp mắt.
Món nộm su hào miền Bắc
Thực hành kỹ thuật trộn gỏi
Với ốc giác, một loại hải sản quen thuộc của người dân biển miền Trung đã được dùng để chế biến rất nhiều món ăn ngon mà tiêu biểu là gỏi ốc giác. Một món gỏi ốc giác ngon phải giòn, không bị xẹp, ráo nước, có vị chua ngọt đậm đà và đặc biệt là ốc giác phải chín mềm, không còn mùi tanh. Do đó, học viên được hướng dẫn cách sơ chế và cách khử mùi tanh ốc giác triệt để mà vẫn mềm từ các nguyên liệu đơn giản như: gạo, sả, muối, bột ngọt.
Món gỏi ốc giác
Đại diện cho món gỏi mang hương vị miền Nam là gỏi bò đồng quê. Món gỏi này cuốn hút vị giác nhờ vị chua ngọt đậm đà với sợi gỏi giòn kết hợp cùng thịt bò. Trong cách chế biến gỏi bò đồng quê, học viên được hướng dẫn tỉ mỉ: cách chọn được phần thịt bò phù hợp làm gỏi; kỹ thuật ướp và áp chảo thịt bò sao cho chín đều, mềm thơm và cách xử lý thịt bò không chín khi áp chảo bằng lò nướng cho chín mềm mà không bị khô.
Hướng dẫn kỹ thuật áp chảo thịt bò mềm thơm, chín đều
Món gỏi bò đồng quê
Nội dung của buổi học Chuyên đề gỏi đã giúp các học viên củng cố vững chắc và trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng chế biến món Việt đặc sắc, giúp các bạn tự tin hơn.
Nếu bạn đam mê ẩm thực Việt và muốn trở thành Đầu bếp, Bếp trưởng Bếp Việt, hãy đăng ký khóa học Bếp Trưởng Bếp Việt để cùng trải nghiệm những buổi học thú vị, hữu ích như trên nhé!
Ý kiến của bạn