“Đọc vị” Facebook Ads để chiến thắng khi chạy quảng cáo

Bạn có từng ở trong tình huống: khi đang lướt Facebook và tình cờ nhìn thấy một mẩu quảng cáo, bạn xem lướt qua và thầm nghĩ trong đầu rằng “Mình sẽ không nhấp vào đó và người khác cũng không” chưa?

Đó có thể là suy nghĩ chủ quan của riêng bạn, nhưng kết quả thực tế cho thấy rằng bạn đã sai. Tính đến thời điểm hiện tại, Facebook Ads đang kiếm được hơn 4 tỉ đô-la doanh thu mỗi năm từ các nhà quảng cáo. Với con số này thì rõ ràng bạn không thể nói là không có nhiều người nhấp chuột vào quảng cáo trên Facebook được.

doc-vi-facebook-ads

Vậy, sau khi đã nhìn nhận lại về thị trường quảng cáo vô cùng tiềm năng này, thì làm thế nào bạn có thể khiến người khác nhấp chuột vào quảng cáo của bạn? Và quan trọng hơn, làm thế nào để họ mua sản phẩm mà bạn muốn bán?

Có nhiều người làm marketing đã thử chạy quảng cáo trên Facebook, đặc biệt là vào thời gian đầu công cụ này mới được ra mắt, và họ kết luận rằng quảng cáo Facebook không hiệu quả. Tuy nhiên, việc họ cảm nhận như thế không có nghĩa là quảng cáo Facebook cũng không hiệu quả đối với tất cả mọi người. Bằng chứng là cho đến nay, hoạt động quảng cáo Facebook vẫn chiếm một khoản ngân sách rất lớn trong chiến lược của các doanh nghiệp và các giá trị mà nó mang lại là có thể đo đếm được thông qua các công cụ theo dõi chính xác. Quảng cáo là một phần trong hoạt động tiếp thị, và mạng xã hội là một nền tảng được tạo ra để phục vụ các nhu cầu kết nối – chia sẻ của con người. Điểm chung của hai thành phần này chính là chúng đều dựa trên người dùng/đối tượng mục tiêu và vận dụng các tiến bộ về công nghệ. Vậy nên trước khi đặt câu hỏi về tính hiệu quả của Facebook Ads thì bạn hãy nghĩ đến câu hỏi: Mình đã hiểu rõ về đối tượng mục tiêu của mình và Facebook chưa?

Trong bài viết này, hãy cùng Đào tạo Digital Marketing Á Âu tìm hiểu một số cách thức hoạt động của Facebook Ads và cách để triển khai các chiến dịch hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được chia sẻ những sai lầm phổ biến mà những người làm marketing hay mắc phải cũng như yếu tố quan trọng nhất để thành công khi chạy quảng cáo.

Facebook Ads hoạt động ra sao?

Các loại hình quảng cáo trên Facebook hiện nay rất đa dạng. Bạn có thể quảng cáo trang, các bài viết trên trang, các hành động người dùng thực hiện hoặc chính trang web của bạn. Dù cho Facebook ngày càng tập trung vào hiển thị các quảng cáo tự nhiên (native ads, là những quảng cáo giống với những nội dung khác trên bảng tin Facebook Feed, xuất hiện một cách tự nhiên, không tạo cảm giác đây là bài quảng cáo và hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng) và giữ cho lượng truy cập không thoát ra ngoài, nhưng bạn vẫn có thể thành công trong việc điều hướng người dùng đi đến trang web của bạn.

Facebook Ads nhắm mục tiêu đến người dùng dựa trên địa điểm, nhân khẩu học và một số thông tin được khai báo trong hồ sơ của họ. Nhiều trong số các lựa chọn này chỉ có ở Facebook mà không có ở các hình thức quảng cáo khác. Sau khi tạo một quảng cáo, bạn sẽ đưa ra một khoản ngân sách cùng mức giá thầu cho mỗi lượt nhấp chuột vào (CPC hay cost-per-click) hoặc cho mỗi 1000 lượt hiển thị (thuật ngữ Facebook gọi là CPM, hay cost-per-1000-impressions) mà quảng cáo của bạn sẽ nhận được.

tuy-chon-nham-muc-tieu-doi-tuong-facebook-ads

Những lựa chọn nhắm mục tiêu quan trọng nhất của Facebook Ads

Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách tạo ra các mẩu quảng cáo CPC hiệu quả nhất để thúc đẩy lượng truy cập đến trang web. Các lựa chọn quảng cáo khác của Facebook cũng giúp gia tăng tương tác và độ nhận biết thương hiệu rất tốt, nhưng các quảng cáo điều hướng người dùng đến trang ngoài Facebook vẫn là lựa chọn tối ưu đối với các nhà quảng cáo đang tìm kiếm những phản hồi trực tiếp để chuyển đổi thành đơn hàng.

Đối tượng nào nên quảng cáo trên Facebook?

Nhiều doanh nghiệp thất bại khi quảng cáo trên Facebook vì đơn giản là loại hình kinh doanh của họ không phù hợp với môi trường này. Bạn nên luôn thử nghiệm những kênh tiếp thị mới, đặc biệt là trước khi nhu cầu trên những kênh này tăng nhanh có thể làm chi phí gia tăng theo, nhưng vẫn phải đảm bảo sự phù hợp của mô hình kinh doanh đối với hệ thống đó.

facebook-ads-tao-ra-nhu-cau-hon-la-thoa-man

Facebook Ads có đặc điểm giống với các quảng cáo hiển thị (display ads) hơn là các quảng cáo tìm kiếm (search ads). Chúng nên được sử dụng để tạo ra nhu cầu, không phải để thỏa mãn nhu cầu. Người dùng sử dụng Facebook để kết nối với bạn bè của họ, không phải tìm sản phẩm để mua.

Các chuyển đổi có rào cản thấp (Low-Friction Conversions)

Các doanh nghiệp thành công với quảng cáo trên Facebook thường yêu cầu người dùng đăng ký (sign up), thay vì (mua hàng). Nếu bạn muốn họ thực hiện một hành động nào đó, thì bạn phải hạn chế những “rào cản” có thể làm “chùn” ý định của họ lại. Rõ ràng là việc đăng ký sẽ đơn giản hơn việc mua hàng, người dùng cảm thấy không quá phiền phức và cũng không phải suy nghĩ quá nhiều.

Một khách truy cập vào trang web của bạn không phải vì họ đang tìm kiếm sản phẩm. Chẳng qua là họ nhất thời hứng thú và nhấp vào mẩu quảng cáo của bạn. Nếu bạn kỳ vọng và lệ thuộc vào việc người đó phải ngay lập tức mua một thứ gì đó để làm cho quảng cáo có chỉ số ROI dương, thì bạn sẽ thất bại.

Người dùng Facebook hay dao động và có khả năng sẽ nhấp chuột quay trở lại trang Facebook nếu bạn đưa ra yêu cầu họ phải thực hiện một hành động ràng buộc hoặc cam kết nào đó, như việc mua hàng chẳng hạn. Thay vào đó, hãy tập trung vào những chuyển đổi đơn giản như đăng ký để được cung cấp một giá trị hay lợi ích cụ thể, điền một phiếu thông tin lead ngắn gọn, hoặc nhập vào địa chỉ email.

Thậm chí nếu như bạn bán các sản phẩm, không phải dịch vụ, bạn cũng nên cân nhắc dành nguồn lực để thu về các chuyển đổi ngay lập tức từ các hoạt động như đăng ký nhận thư qua email (newsletter signup). Sau đó thì bạn có thể thực hiện kỹ thuật upsell (hướng khách hàng đến việc bỏ tiền mua sản phẩm và dịch vụ với giá trị cao hơn) bằng công cụ email marketing.

landing-page-tich-hop-form-dang-ky-email

Ví dụ về một trang landing page tích hợp form đăng ký email (Nguồn: Internet)

Các trang giới thiệu những ưu đãi hằng ngày như Groupon, AppSumo, và Fab là những ví dụ tiêu biểu về thành công khi sử dụng quảng cáo trên Facebook. Sau khi bạn nhấp chuột vào một trong những mẩu quảng cáo của họ, thì bạn sẽ thấy họ chỉ yêu cầu bạn điền địa chỉ email. Việc tiếp cận và bán sản phẩm sẽ diễn ra ở một khoảng thời gian sau đó.

Mô hình kinh doanh (business model)

Ngay cả khi ban đầu bạn chỉ yêu cầu một thông tin duy nhất là địa chỉ email, thì dần dà bạn cũng cần phải kiếm được tiền từ những người dùng ngày nếu các quảng cáo của bạn có khả năng sinh lợi. Bằng không thì việc quảng cáo cũng trở nên vô nghĩa.

Mô hình kinh doanh hiệu quả nhất và phù hợp đối với Facebook Ads là mô hình tạo ra được doanh thu từ những người dùng theo thời gian, không phải chỉ trong một lần duy nhất. Một người dùng có thể cung cấp email của họ cho bạn, nhưng bạn cần xây dựng nhiều sự tin tưởng hơn nữa trước khi họ quyết định mua bất cứ thứ gì mà bạn bán.

chien-luoc-lua-chon-business-model-phu-hop-voi-facebook-ads

Cần có chiến lược xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp từ Facebook Ads (Nguồn: Internet)

Bạn không nên bị ràng buộc bởi mong muốn người dùng đó sẽ mua một đơn hàng có giá trị lớn. Thay vào đó, nhiều đơn hàng có giá trị nhỏ hơn sẽ là một mục tiêu phù hợp.

Ví dụ, các trang cung cấp các mã ưu đãi hàng ngày hoặc các trang yêu cầu đăng ký theo dõi nội dung (subscription sites) là những mô hình kinh doanh có thể đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào Facebook. Phần lớn những khách hàng của cả hai loại trang này đều có giá trị vòng đời kéo dài hơn 6 tháng.

Còn đối với trang cung cấp các khóa học trực tuyến như Udemy, thì họ tập trung vào việc khuyến khích người dùng đăng ký tài khoản ngay từ lần đầu tiên truy cập vào. Bằng cách đặt mục tiêu có lợi nhuận từ quảng cáo trong vòng 6 tháng (không phải một ngày), họ có thể chuyển đổi những người dùng Facebook thành các khách hàng trong dài hạn.

Cách nhắm mục tiêu cho quảng cáo Facebook

Lỗi lớn nhất mà gần như toàn bộ nhà quảng cáo trên Facebook đều mắc phải đó là không nhắm mục tiêu một cách chính xác.

facebook-ads-targeting

Muốn chạy quảng cáo hiệu quả cần phải nhắm đúng mục tiêu (Nguồn: Internet)

Các lựa chọn nhắm mục tiêu của Facebook Ads là một giá trị độc quyền mà chỉ Facebook mới có, nhờ vào lượng dữ liệu khổng lồ từ hàng tỉ người dùng của họ. Bạn có thể nhắm mục tiêu người dùng thông qua:

  • Địa điểm (location)
  • Tuổi tác (age)
  • Giới tính (gender)
  • Sở thích/Mối quan tâm (interests)
  • Kết nối (connections)
  • Tình trạng mối quan hệ (relationship status)
  • Ngôn ngữ (languages)
  • Học vấn (education)
  • Nơi công tác (workplaces)
  • Thiết bị và tốc độ kết nối mạng (devices & internet speed)

Tùy thuộc vào đối tượng mục tiêu của bạn mà các lựa chọn này có thể hữu dụng. Phần lớn các nhà quảng cáo đều nên tập trung vào địa điểm, tuổi tác, giới tính và sở thích.

Các tùy chọn về địa điểm cho phép bạn nhắm mục tiêu người dùng ở trong một quốc gia, một thành phố, hoặc một khu vực có mã bưu chính zip code nào đó mà bạn muốn hướng tới.

Các tùy chọn về tuổi tácgiới tính phải bám sát vào đối tượng khách hàng mục tiêu. Nếu khách hàng của bạn phần lớn là phụ nữ từ 25-44 tuổi, thì hãy bắt đầu bằng cách chỉ nhắm đến đối tượng này thôi. Sau khi đã xác định được nhóm đối tượng này có mang lại lợi nhuận, thì bạn có thể mở rộng phạm vi nhắm mục tiêu của mình.

Nhắm mục tiêu dựa trên sở thích/mối quan tâm là một tính năng cực kỳ mạnh mẽ nhưng lại không được sử dụng đúng cách khi chạy quảng cáo trên Facebook. Khi tạo một quảng cáo, bạn sẽ có hai lựa chọn: Danh mục rộng (broad categories) hoặc sở thích cụ thể (precise interests).

Nhắm mục tiêu theo danh mục rộng

Danh mục rộng (broad categories) là những danh mục có tính bao quát, gồm các chủ đề như “làm vườn” (gardening), “phim kinh dị” (horror movies) hay “thiết bị điện tử dân dụng” (consumer electronics) … Gần đây, Facebook cũng đã bổ sung thêm những tệp mới như “đã đính hôn (1 năm)”, “phụ huynh đang chuẩn bị có con” (expecting parents), “ở xa quê” (away from hometown), và “có sinh nhật trong 1 tuần nữa” (has birthday in 1 week).

Các mối quan tâm có phạm vi rộng này là một cách thức hiệu quả để tiếp cận đến một lượng khách hàng lớn. Tuy nhiên, những người dùng này thường tốn nhiều chi phí hơn để chuyển đổi thành khách hàng và chi tiêu mà họ bỏ ra lại ít hơn. Do đó, bạn nên hạn chế nhắm mục tiêu theo danh mục rộng.

Nhắm mục tiêu dựa trên sở thích cụ thể

Việc nhắm mục tiêu dựa trên sở thích cụ thể (precise interests) cho phép bạn nhắm đến những người dùng dựa trên thông tin trong hồ sơ mà họ cung cấp. Theo Facebook, thì những thông tin này gồm có “các sở thích được liệt kê, những trang mà họ nhấn like, ứng dụng mà họ sử dụng, và những nội dung khác trong profile hay trên timeline mà họ đăng tải”. Tùy chọn nhắm mục tiêu này sẽ giúp bạn tối ưu hóa được chỉ số ROI của mình.

Facebook có hàng loạt những tùy chọn về sở thích đa dạng để bạn nhắm mục tiêu, từ Harry Potter cho đến môn bóng bầu dục dưới nước. Phần khó nhất chính là chọn được những sở thích phù hợp.

nham-muc-tieu-theo-precise-interests

Facebook Ads cung cấp rất nhiều tùy chọn sở thích trong thiết lập Target Audience (Nguồn: Internet)

Khi bạn nhắm mục tiêu dựa trên sở thích cụ thể, Facebook sẽ cung cấp quy mô của đối tượng và những sở thích khác được gợi ý. Bạn sẽ không có bất kỳ dữ liệu nào về đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, khi bạn chọn lựa các sở thích để thiết lập quảng cáo, thì Facebook cũng hiển thị cho bạn mức giá thầu khuyến nghị.

Nhiều nhà quảng cáo nhắm mục tiêu đến các nhóm đối tượng lớn nhất có thể. Đây chính là hành động sai lầm. Các nhóm này có chi phí đắt đỏ hơn nhưng hiệu quả nhắm mục tiêu lại thấp hơn (do tệp có quy mô rộng).

Vì thế, thay vì nhắm vào các cụm từ rộng cho thị trường ngách của bạn như “yoga” hay “nhiếp ảnh kỹ thuật số”, thì hãy tập trung vào những sở thích cụ thể. Hãy nghiên cứu xem các khách hàng của bạn đọc những tạp chí và trang blog nào, họ theo dõi ai trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter… và họ mua những sản phẩm nào có liên quan. Nếu bạn khai thác và đào sâu những sở thích chi tiết như thế, bạn sẽ tiếp cận được những người quan tâm nhất đến lĩnh vực kinh doanh của bạn và sẵn sàng chi tiêu cho những sản phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp.

Ví dụ, nếu trang Udemy có một khóa học mới về DJ, thì khi chạy quảng cáo họ không chỉ nhắm mục tiêu vào sở thích “disc jockey” (viết tắt là DJ).

Thay vào đó, họ sẽ tạo các quảng cáo nhắm đến các đơn vị xuất bản nội dung về chủ đề DJ như DJ Magazine và Mixmag. Sau đó họ sẽ tạo thêm một quảng cáo khác nhắm đến các thương hiệu nổi bật trong lĩnh vực DJ như Traktor và Vestax. Hãy kết hợp các sở thích nhỏ hơn và có liên quan vào một nhóm với tệp khách hàng có quy mô từ 50,000 đến hơn 1 triệu người. Cách cấu trúc như vậy sẽ giúp tạo tra các quảng cáo với lượng đối tượng tiếp cận lớn và có khả năng chuyển đổi thành khách hàng.

precise-interest-cho-linh-vuc-DJ

Ví dụ về các nhóm sở thích cho các thương hiệu liên quan đến lĩnh vực DJ (Nguồn: Internet)

Mẹo nâng cao: Hãy sử dụng tính năng Facebook Connect (Kết nối với Facebook) làm tùy chọn đăng ký (sign up) cho người dùng trên trang của bạn. Khi người dùng kết nối qua trang Facebook, bạn sẽ có thể phân tích được sở thích của họ. Hãy phân loại các sở thích này và liệt kê thành một danh sách dựa trên lượng người hâm mộ của các trang Facebook tương ứng mà họ theo dõi. Bạn sẽ tìm ra được những sở thích được nhiều người quan tâm. Với phương pháp này, bạn sẽ tạo ra được một nhóm đối tượng mục tiêu giúp mang lại hiệu quả tốt nhất trong dài hạn.

Hình ảnh trong Facebook Ads

Thành phần quan trọng nhất của quảng cáo chính là hình ảnh. Bạn có thể viết ra được đoạn nội dung xuất sắc nhất trên trái đất, nhưng nếu hình ảnh của bạn không thu hút được ánh nhìn của người dùng, thì bạn sẽ không nhận được lượt nhấp chuột nào cả.

Không sử dụng các hình ảnh có chất lượng thấp, các hình ảnh stock dễ dàng tìm được trên các trang nguồn phổ biến, hoặc bất kỳ hình ảnh nào khác mà bạn không có quyền sử dụng. Bản quyền là một vấn đề rất nhạy cảm trong quảng cáo, và nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của bạn, vậy nên đừng “mượn” bất cứ hình ảnh nào trên Internet, đặc biệt là từ Google Images. Ngoài ra, trừ khi bạn là một thương hiệu rất nổi tiếng, nếu không thì đừng sử dụng logo làm hình ảnh quảng cáo.

Vậy làm thế nào để nhà tiếp thị tìm được hình ảnh dùng cho quảng cáo? Hãy mua hình có bản quyền, tự tạo ra hình ảnh, hoặc sử dụng những hình ảnh có giấy phép tài sản sáng tạo công cộng (Creative Commons license, hay viết tắt là CC license).

Những nội dung dưới đây sẽ tiết lộ cho bạn những loại hình ảnh nào mang lại hiệu quả tốt nhất.

Hình ảnh con người

Các hình ảnh con người có hiệu quả cao nhất. Đặc biệt khi sử dụng hình ảnh có người thì phải ưu tiên thấy rõ được gương mặt của họ. Hãy sử dụng hình ảnh cận cảnh chụp những gương mặt thu hút có nét tương đồng với đối tượng mục tiêu bạn đang nhắm đến.

hinh-anh-nguoi-that

Hình ảnh người thật sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn

Người trẻ hơn không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt hơn. Nếu bạn đang hướng tới những người đã về hưu, thì hãy thử sử dụng hình ảnh của những người trên 60 tuổi. Nếu bạn dùng hình ảnh của một cô gái xinh đẹp tuổi 25 thì quảng cáo của bạn sẽ trở nên rất vô lý, đúng không?

Kích thước hình ảnh dùng cho Facebook Ad cũng rất nhỏ (100 x 72 pixels). Hãy đảm bảo rằng bạn tập trung vào khuôn mặt của con người và cắt (crop) hình ảnh nếu cần thiết. Tuyệt đối không sử dụng những hình ảnh bị mờ hoặc thiếu sáng.

Mẹo nâng cao: Hãy sử dụng hình ảnh những người đang hướng mặt về bên phải. Người dùng sẽ định hướng theo điểm nhìn của chủ thể và có nhiều khả năng sẽ đọc phần nội dung quảng cáo của bạn hơn. Bên cạnh các người mẫu, bạn có thể cho nhân sự của công ty hoặc các khách hàng của bạn xuất hiện trong hình (tất nhiên là phải có sự đồng ý từ họ trước để tránh việc vi phạm sử dụng hình ảnh cá nhân).

Hình ảnh typography

Typography là từ ghép giữa “typo” và “graphic”, chỉ nghệ thuật sắp đặt và thiết kế các con chữ để tạo nên một tác phẩm. Đây cũng là một xu hướng thiết kế thị giác tiêu biểu trong thời đại hiện nay.

typography-giup-tao-ra-su-sang-tao-doc-dao

Sử dụng typography cũng giúp tạo nên nét sáng tạo độc đáo (Nguồn: Internet)

Các con chữ rõ ràng, dễ đọc cũng có thể thúc đẩy người xem nhấp chuột vào. Ngoài ra, màu sắc tươi tắn sẽ giúp quảng cáo của bạn trở nên nổi bật.

Cũng giống như phần nội dung quảng cáo (text copy), hãy sử dụng câu hỏi hoặc cho người dùng thấy được một lợi ích “sáng giá” nào đó. Hãy xem phần chữ trong hình ảnh là một phần mở rộng từ nội dung caption của bạn.

Hình ảnh hài hước

Các bức ảnh điên rồ hoặc hài hước chắc chắn sẽ thu hút được các lượt nhấp chuột. Hãy nhìn vào các bức ảnh “chế” tràn lan trên mạng xã hội của một hiện tượng nào đó, hoặc các meme phổ biến được nhiều người sử dụng và chia sẻ.

Tuy nhiên không may là, thậm chí dù cho có đoạn văn bản để mô tả cho quảng cáo, thì những quảng cáo này vẫn thường xuyên không có tỉ lệ chuyển đổi tốt. Nếu bạn dùng loại quảng cáo này, hãy đặt một mức ngân sách thấp và theo dõi hiệu quả liên tục. Bạn sẽ thấy chúng thường thu hút nhiều lượt nhấp chuột vào vì tò mò và sẽ không mang lại nhiều chuyển đổi.

Làm thế nào để có được hình ảnh?

Bạn có 3 cách để có được hình ảnh: mua, sử dụng hình ảnh bạn đang sở hữu bản quyền, hoặc tự tạo hình ảnh mới.

Hiện nay bạn có thể dễ dàng mua được hình ảnh có sẵn tại nhiều trang như Shutterstock, iStockPhoto, DepositPhoto hay Big Stock. Hình ảnh mua từ các trang này được gọi là hình stock. Tuy về mặt danh nghĩa thì bản chất của chúng là thế nhưng hãy lựa chọn những bức hình trông không giống hình stock để tạo cảm giác chân thực cho người xem. Rõ ràng là một bức ảnh quảng cáo với người mẫu đứng trên nền trắng sẽ không thuyết phục bằng một bức ảnh người mẫu đang đứng trong một bối cảnh thực.

hinh-stock

Hình stock luôn có sẵn nhưng cũng quá phổ thông vì ai cũng sử dụng được (Nguồn: Internet)

Vì người xem cũng sẽ dễ dàng nhận ra được hình stock và phớt lờ đi. Thay vào đó, hãy tìm những bức ảnh độc đáo và truyền cá tính vào trong đó bằng cách cắt (crop), chỉnh sửa hình ảnh (edit) hoặc sử dụng thêm các bộ lọc (filter). Có rất nhiều công cụ hỗ trợ bạn làm việc này, để thuận tiện thì bạn có thể sử dụng các công cụ online.

Trong trường hợp bạn không có chi phí để mua hình ảnh, bạn có thể tìm kiếm những hình ảnh có giấy phép tài sản sáng tạo công cộng, hay còn được gọi là “Creative Commons licensed images”.

giay-phep-creative-commons

(Nguồn: Internet)

Phương án thứ 3 chính là bạn sẽ tự tạo ra hình ảnh cho riêng mình. Nếu bạn là một nhà thiết kế đồ họa, thì việc này không có gì khó khăn. Nếu bạn không phải, thì bạn vẫn có thể tạo ra những bức ảnh typography hoặc sử dụng những tính năng chỉnh sửa hình ảnh cơ bản để tạo ra một hình ảnh mới và có tính nguyên bản từ các hình ảnh hiện có. Tuy nhiên hãy lưu ý, phải chú ý đến bản quyền vì Facebook rất đề cao vấn đề này.

Nếu bạn sử dụng hình ảnh “mượn” từ nơi khác mà không có sự cho phép hoặc đồng ý, bạn có thể bị cộng đồng phát hiện và “report”. Tài khoản quảng cáo của bạn bị khóa và tệ hơn nữa là thương hiệu của bạn có thể bị “cấm cửa” khỏi Facebook.

“Xoay vòng” các quảng cáo

Mỗi chiến dịch nên có tối thiểu ba quảng cáo với cùng tệp đối tượng về sở thích. Đối với một chiến dịch cụ thể, thì chỉ có 1-2 quảng cáo sẽ nhận được nhiều lượt hiển thị, vậy nên đừng bận tâm việc “chạy” một lúc quá nhiều quảng cáo.

ads-rotation

Sau một vài ngày, hãy xóa đi những quảng cáo có tỉ lệ nhấp vào (CTR) thấp và lặp lại quy trình, tối ưu những mẩu quảng cáo hiệu quả để tiếp tục gia tăng CTR lên nữa. Hãy nhắm đến con số tiêu chuẩn ở giai đoạn đầu là 0.1%, lúc mới bắt đầu thì con số trung bình có thể là 0.04%.

Viết nội dung cho Facebook Ads

Sau khi thấy được hình ảnh của bạn rồi, thì (hy vọng là) người dùng sẽ đọc tiếp phần nội dung quảng cáo. Đây là khu vực bạn sẽ “bán” sản phẩm hoặc dịch vụ cho họ và làm họ nhấp vào.

Dù cho giới hạn được quy định bởi Facebook là 25 ký tự cho tiêu đề và 90 ký tự cho phần caption, chúng ta vẫn có thể áp dụng công thức AIDA để sáng tạo ra được nội dung cần viết.

mo-hinh-aida

(Nguồn: Internet)

AIDA là một mô hình rất nổi tiếng trong lĩnh vực marketing.

(A)ttention: Sự chú ý. Thu hút người xem nhìn vào quảng cáo với một tiêu đề gây được sự chú ý.

(I)nterest: Hứng thú. Làm cho người xem quan tâm đến sản phẩm của bạn bằng cách mô tả ngắn gọn những giá trị quan trọng nhất mà họ có thể nhận được khi sử dụng nó.

(D)esire: Mong muốn. Tạo ra mong muốn sở hữu sản phẩm ngay bằng cách khuyến mãi, giảm giá, cho dùng thử hoặc giới hạn thời gian bán.

(A)ction: Hành động. “Chốt” lại quảng cáo bằng một lời kêu gọi hành động (call to action).

Viết nội dung theo công thức AIDA sẽ không mất đến 115 ký tự. Và với quy định giới hạn như vậy thì cách xây dựng này hoàn toàn phù hợp và hiệu quả. Hãy viết 5-10 quảng cáo khác nhau cho đến khi bạn có thể đưa ra một câu “chào hàng” ngắn gọn, cô đọng để sử dụng cho quảng cáo.

Chẳng hạn, nếu bạn muốn quảng cáo một khóa học lập trình online thì bạn có thể viết nội dung quảng cáo như sau:

Trở thành nhà lập trình Web chuyên nghiệp

Bạn sẽ được học tất cả những điều cần thiết để trở thành một nhà lập trình Web từ con số 0. Tiết kiệm được 65% chi phí. Đăng ký ngay!

Giá thầu Facebook Ads

Cũng giống như bất kỳ một hệ thống nào khác, việc đặt giá thầu có chiến lược sẽ tạo nên cách biệt giữa sự thành công về lợi nhuận và một phép thử thất bại.

dat-gia-thau-facebook-ads-bidding-price

Việc đặt bid price rất quan trọng để quyết định thành công của quảng cáo (Nguồn: Internet)

Sau khi tạo quảng cáo, Facebook sẽ đưa ra cho bạn một khoảng giá thầu khuyến nghị. Khi bạn mới bắt đầu chạy Facebook Ads, hãy đặt giá thầu gần mức thấp nhất trong khoảng này.

Tỉ lệ CTR sẽ tác động đến mức giá bạn cần chi trả để có được truy cập. Nếu CTR của bạn cao, thì giá thầu khuyến nghị sẽ được giảm xuống. Nếu CTR thấp, thì bạn cần phải đưa ra giá thầu cao hơn cho mỗi lượt nhấp chuột. Hãy tối ưu các quảng cáo và nhắm mục tiêu hợp lý để liên tục cải thiện chỉ số CTR.

Bên cạnh lượng nhấp chuột (click volume), thì giá thầu cũng sẽ tác động đến số lượng đối tượng mục tiêu bạn có thể tiếp cận. Facebook cung cấp một biểu đồ cho mọi chiến dịch, thể hiện kích thước của tệp đối tượng mục tiêu và số lượng đối tượng bạn đã tiếp cận được.

bieu-do-target-audience-da-reach

Biểu đồ của Facebook hiển thị quy mô đối tượng mục tiêu mà chiến dịch đã tiếp cận (Nguồn: Internet)

Tăng giá thầu sẽ giúp quảng cáo của bạn tiếp cận đến nhiều đối tượng mục tiêu hơn. Nếu quảng cáo của bạn đang chạy tốt nhưng bạn đang tiếp cận ít hơn 75% tệp đối tượng nhắm đến, thì bạn có thể nâng giá thầu lên để nhận được nhiều lượt nhấp vào hơn.

Ngoài ra, nếu tỉ lệ thâm nhập đối tượng (tỉ lệ đối tượng mà quảng cáo tiếp cận được) cao, thì việc nâng cao ngân sách sẽ giúp gia tăng tần suất của quảng cáo: tần suất ở đây có nghĩa là số lần người dùng mục tiêu nhìn thấy mẩu quảng cáo đó.

Landing page

Nhận được lượt nhấp vào từ người xem chỉ mới là điểm bắt đầu. Bạn cần phải làm cho khách truy cập đó chuyển đổi thành khách hàng. Và landing page chính là yếu tố quyết định tất cả.

landing-page

Bạn cần phải đảm bảo “dẫn” người dùng đến một trang landing page được thiết kế phù hợp cho đối tượng mục tiêu, với các yếu tố hỗ trợ cho việc chuyển đổi của khách hàng. Bạn đã biết được tuổi tác, giới tính và sở thích của họ rồi, nên hãy cho họ thấy một trang đích giúp giải quyết các vấn đề của họ. Ngoài ra, landing page cũng cần có form đăng ký hoặc khung nhập email để bạn có thể theo dõi chuyển đổi. Hãy hướng landing page tập trung vào hành động này, thay vì bán hàng (việc này sẽ được thực hiện ở những giai đoạn tiếp theo). Nếu bạn muốn khách truy cập đăng ký nhận tin tức từ bạn, thì hãy cho họ thấy những lợi ích bạn có thể mang lại hoặc tặng họ một món quà miễn phí để họ cung cấp thông tin email cho bạn.

Cách theo dõi hiệu quả quảng cáo

Facebook giờ đây không còn cung cấp tính năng theo dõi chuyển đổi nữa. Facebook Insights là một trang tuyệt vời để khám phá các dữ liệu được tạo ra trên nền tảng Facebook nhưng nó không thể theo dõi và cung cấp thông tin đối với những người dùng đã rời khỏi trang.

Để có thể theo dõi hiệu quả quảng cáo của các chiến dịch trên Facebook, bạn sẽ cần đến một công cụ phân tích như Google Analytics, hoặc một hệ thống hỗ trợ đo lường nào đó mà bạn tự phát triển. Hãy gắn thẻ cho liên kết bạn sử dụng bằng Google’s URL builder hoặc thẻ theo dõi của riêng bạn.

Theo dõi chuyển đổi

Như đã đề cập ở trên, hãy phân các chiến dịch theo từng nhóm sở thích để bạn có thể kiểm tra xem mỗi nhóm đang mang lại kết quả thế nào.

customer-conversion

(Nguồn: Internet)

Bạn có thể theo dõi chúng bằng cách “gắn” vào đó thông số utm_campaign. Ngoài ra, hãy sử dụng thông số utm_content để phân biệt các quảng cáo khác nhau. Việc theo dõi từng quảng cáo một là hữu ích và cần thiết khi bạn muốn đánh giá xem hình ảnh nào hiện đang “bắt mắt” với người dùng Facebook và trước khi bạn thiết lập được mức CTR và tỉ lệ chuyển đổi tiêu chuẩn.

Theo dõi hiệu quả trên Facebook

Bạn cũng cần nắm được hiệu quả trong phạm vi giao diện của Facebook. Chỉ số quan trọng nhất cần phải theo dõi chính là tỉ lệ nhấp vào CTR. CTR của bạn sẽ ảnh hưởng đến cả số lượt click bạn sẽ nhận được và số tiền bạn phải trả cho mỗi lượt nhấp chuột đó.

Các quảng cáo có tỉ lệ CTR thấp sẽ dừng hiển thị hoặc trở nên đắt đỏ hơn. Còn các quảng cáo có tỉ lệ CTR cao sẽ tạo ra nhiều lượt click nhất dựa trên quy mô ngân sách mà bạn đang thiết lập. Chi phí quảng cáo của chúng cũng sẽ thấp hơn. Hãy quan sát thật kỹ tỉ lệ CTR theo các sở thích và các mẩu quảng cáo khác nhau để biết được những đối tượng mục tiêu nào đang mang lại hiệu quả cao nhất và quảng cáo nào thu hút được họ.

so-sanh-ti-le-CTR-cua-cac-quang-cao-de-biet-yeu-to-nao-co-hieu-qua

Theo dõi CTR của các Ads để biết yếu tố nào đang có/không có hiệu quả (Nguồn: Internet)

Ngay cả những quảng cáo tốt nhất cũng sẽ có hiệu quả giảm dần theo thời gian. Tệp đối tượng mục tiêu càng nhỏ, thì tốc độ này càng nhanh. Thường thì bạn sẽ thấy lượng truy cập bắt đầu giảm xuống từ 3-10 ngày.

Khi việc này xảy ra, hãy làm mới lại các quảng cáo với hình ảnh và nội dung mới. Có một điều quan trọng cần phải lưu ý ở đây đó là, hãy nhân đôi các quảng cáo hiện có và thay đổi nội dung, hình ảnh quảng cáo. KHÔNG ĐƯỢC chỉnh sửa trên quảng cáo đang chạy. Hãy xóa đi những quảng cáo không được người dùng nhấp vào. Những ngày tiếp theo, bạn sẽ thấy các quảng cáo mới tăng dần lượt hiển thị và tạo ra lượt click.

Hãy liên tục theo dõi hiệu quả của các hình ảnh khác nhau để xem những hình ảnh nào đang tạo ra tỉ lệ CTR cao nhất và duy trì được lượng truy cập lâu nhất. Bạn có thể “xoay vòng” bằng cách sử dụng lại những hình ảnh có hiệu quả cao nhất vài tuần một lần cho đến khi chúng không còn nhận được lượt click nữa.

Kết luận

Dù cho để thành công với Facebook Ads thì đòi hỏi rất nhiều sự thử nghiệm và cả trải nghiệm để tích lũy và đúc kết cho mình những bài học giá trị (chắc chắn là trong quá trình đó, bạn phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc, công sức…). Nhưng quảng cáo Facebook là một kênh vô cùng tuyệt vời đối với các doanh nghiệp trong thời đại hiện nay. Những điểm quan trọng nhất cần ghi nhớ chính là hãy nhắm vào những sở thích cụ thể, sử dụng các hình ảnh bắt mắt, đưa ra cho người dùng những hành vi chuyển đổi có rào cản thấp và theo dõi mọi dữ liệu thu thập được.

Sau khoảng một đến hai tuần triển khai chiến dịch và xác định được những quảng cáo nào đang hiệu quả, nếu tiếp tục tối ưu đúng cách bạn sẽ có thể tạo ra một nguồn chuyển đổi ổn định từ mạng xã hội lớn nhất trên hành tinh này.

Hãy đón đọc những bài viết tiếp theo về Facebook Ads và chia sẻ những kinh nghiệm chạy quảng cáo của mình với cộng đồng Hướng Nghiệp Á Âu nhé!

Điểm: 4.8 (32 bình chọn)

Tác giả: Lâm Vĩ

Tôi là một Marketer, hiện đang công tác tại Hướng Nghiệp Á Âu với vai trò nghiên cứu, sáng tạo và phát triển các giải pháp tiếp thị hiệu quả trong thế giới Digital Marketing.

Bài viết liên quan

ĐƠN VỊ TUYỂN DỤNG CHEFJOB.VN

ĐẦU BẾP - BẾP BÁNH - PHA CHẾ - PHỤC VỤ - BUỒNG PHÒNG

LỄ TÂN - QUẢN LÝ NHÀ HÀNG - KHÁCH SẠN

Hotline: 1900 2175 - Web: www.chefjob.vn

SIÊU THỊ ĐVP MARKET

Chuyên bán sỉ lẻ Nguyên liệu - Dụng cụ - Máy móc

TRÀ SỮA - CAFÉ - QUÁN ĂN - QUÁN KEM - KINH DOANH BÁNH

Hotline: 028 7300 1770 - Web: www.dvpmarket.com

Ý kiến của bạn