Khi tìm hiểu về da liễu học, thì cấu trúc da gồm mấy lớp, đóng chức năng gì đối với cơ thể là những thắc mắc bạn cần giải đáp trước tiên. Đây cũng là kiến thức nền tảng bạn cần trang bị để có thể tự tin làm việc với khách hàng tại bệnh viện da liễu, spa, thẩm mỹ viện… Trong bài viết sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cấu trúc da và những vấn đề liên quan đến cấu tạo của làn da nhé.
Cấu trúc da có mấy lớp?
Cấu trúc da chia thành ba lớp, gồm lớp thượng bì (epidermis), lớp trung bì (dermis) và lớp hạ bì (subcutaneous). Cụ thể hình ảnh cấu trúc da như sau:
Cấu trúc của da gồm ba lớp chính (Nguồn ảnh: Medium)
Lớp thượng bì
Là tầng đầu tiên của cấu trúc da, lớp thượng bì bao gồm các mô vảy sừng phân tầng, phân hóa thành 5 lớp khác nhau gồm lớp đáy, lớp gai, lớp hạt, lớp bóng và lớp sừng. Độ dày trung bình của lớp thượng bì tầm 0.1 – 1mm tùy vùng da (dày nhất là lòng bàn tay và bàn chân, mỏng nhất là mi mắt).
Lớp thượng bì hoạt động như một lớp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, ô nhiễm môi trường, độc tố, ngăn ngừa sự mất nước… Lớp thượng bì có khả năng tái sinh khi bị tổn thương, nhưng khả năng này sẽ giảm dần theo tuổi tác.
Lớp thượng bì còn được gọi là lớp biểu bì (Nguồn ảnh: Wikipedia)
Lớp trung bì
Lớp trung bì được xem là lớp giữa trong cấu trúc da, phân tách với lớp thượng bì qua lớp tế bào đáy và đóng vai trò như “phao đệm” nâng đỡ lớp thượng bì bên trên. Độ dày lớp này trung bình tầm 0.5 – 4mm.
Lớp trung bì được cấu tạo từ elastin, hyaluronic acid và collagen với các vai trò như duy trì độ săn chắc, đàn hồi và độ ẩm cho da. Lớp trung bì có các chức năng cơ bản là cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho lớp thượng bì, quyết định độ nhạy cảm của da, bảo vệ cơ học cho cấu trúc sâu hơn của da…
Papillary dermis là trung bì nông, reticular dermis là trung bì sâu
(Nguồn ảnh: Wikipedia)
Lớp hạ bì
Hạ bì nằm ngay bên dưới và liên kết với lớp trung bì, đóng vai trò như lớp đệm chịu lực, giảm tổn thương cho da từ các tác động mạnh, va chạm… Độ dày mỏng tùy vị trí khác nhau trên cơ thể.
Một số chức năng chính của lớp mỡ dưới da là cung cấp năng lượng cho cơ thể, điều chỉnh thân nhiệt, hạn chế tổn thương ở da và sản xuất hormone (mô mỡ có thể độc lập tổng hợp estrogen và testosterone).
Lớp hạ bì còn được gọi bằng tên khác là hypodermis
(Nguồn ảnh: Twitter)
Trong cấu trúc da, ngoài ba lớp chính trên thì còn có phần phụ bao gồm tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi, móng, nang lông…
Chức năng của da
Sau khi giải đáp cấu trúc da có mấy lớp, chúng ta sẽ cũng tìm hiểu một số chức năng của da.
Chức năng bảo vệ của da
Da đóng vai trò như “tấm khiên” bảo vệ các cơ quan sâu hơn của cơ thể như mạch máu, cơ xương, nội tạng… khỏi những yếu tố cơ học, hóa học, vi khuẩn có hại… từ môi trường bên ngoài.
Chức năng điều hòa thân nhiệt của da
Khi nhiệt độ bên ngoài tăng cao, não bộ sẽ phát tín hiệu để mạch máu dưới da giãn ra và các tuyến mồ hôi tăng cường hoạt động, khiến mồ hôi được tiết ra trên da, giảm nhiệt độ cơ thể.
Da giữ vai trò chủ động trong việc điều hòa nhiệt độ cơ thể
(Nguồn ảnh: New River Dermatology)
Ngược lại, nếu nhiệt độ bên ngoài giảm xuống thấp, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách co mạch máu dưới da, khiến giảm tiết mồ hôi, từ đó cơ thể ít bị mất nhiệt.
Chức năng bài tiết của da
Chức năng bài tiết của da có thể chia thành:
Bài tiết mồ hôi
Toàn cơ thể có 2 – 5 triệu tuyến mồ hôi. Mồ hôi bài tiết qua da thải trừ các chất cặn bã độc hại (trong đó có ure) và giúp da dẻ mềm mại hơn.
Bài tiết chất bã
Tuyến bã tập trung chủ yếu ở mặt, ngực và lưng. Chất bã giúp da không bị ngấm nước, làm lớp sừng mềm mại, hỗ trợ da chống đỡ nấm và vi khuẩn.
Chất bã gồm nước, acid béo, cholesterol và squalene (Nguồn ảnh: K-beauty Europe)
Chức năng cảm giác
Da là cơ quan thụ cảm, giúp con người ý thức được lực tác động lên da, cảm giác đau đớn, nhiệt độ nóng lạnh…
Cơ chế cảm giác của da có được thông qua hệ dây thần kinh ở lớp hạ bì. Thông tin về cảm giác được truyền tới não bộ thông qua hệ dây thần kinh, từ đó não chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cơ thể.
Ví dụ, khi tay chạm vào bình nước sôi, cơ quan thụ cảm ở da lập tức gửi thông tin đến não bộ để cơ thể thực hiện phản xạ rụt tay lại, tránh tổn thương.
Da là cơ quan xúc giác, giúp cơ thể cảm nhận những yếu tố tác động từ bên ngoài
(Nguồn ảnh: EZ Flow Plumbing)
Chức năng tạo melanin của da
Quá trình hình thành melanin bắt đầu từ các tế bào hắc tố (melanocytes) được tìm thấy trên khắp cơ thể. Các melanocytes này chịu trách nhiệm sản xuất những bào quan mang tên melanosome – vốn là nơi tổng hợp eumelanin và pheomelanin, sau đó phân phối đến các loại tế bào khác trên cơ thể, ví dụ tế bào sừng.
Melanin đóng vai trò bảo vệ tế bào ở lớp thượng bì khỏi tác động của tia UVA, UVB…, hạn chế nguy cơ tổn hại tế bào da.
Melanin giúp chống lại tia cực tím và quyết định màu da (Nguồn ảnh: Healthline)
Chu kỳ tái tạo da
Quy trình tái tạo da tự nhiên cần khoảng 25 – 28 ngày để tế bào da chết được đẩy lên bề mặt da. Vào lúc này, tế bào da mới được sinh ra để thay thế lớp tế bào cũ. Việc tế bào chết nằm lì trên da quá lâu và không được xử lý sẽ tạo điều kiện lý tưởng để sinh ra mụn.
Khi tuổi càng cao, quá trình tái tạo da càng chậm lại. Chẳng hạn, ở độ tuổi 40 trở lên thì chu kỳ tái tạo có thể lên đến 45 – 60 ngày và đó là nguyên nhân da người lớn tuổi thường nhăn nheo, xỉn màu.
Càng lớn tuổi, tốc độ tái tạo da càng chậm lại
(Nguồn ảnh: skin by design)
Ngoài ra, lớp bì mỏng đi, các sợi collagen và elastin thoái hóa cũng khiến da nhăn nheo, giảm đàn hồi. Tình trạng này tăng lên theo tuổi tác và dưới tác động của tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời.
Trên đây là những thông tin hữu ích về chủ đề cấu trúc da và một số chức năng cơ bản của da. Đây là những kiến thức bước đệm rất cần thiết, chuyên về da liễu học mà bạn cần nắm để có thể tư vấn, điều trị cho khách hàng với vai trò là kỹ thuật viên spa, bác sĩ da liễu…
Tăng sắc tố cũng là một chủ đề thú vị trong da liễu học. Bạn có thể tham khảo tại đây nhé.
Ý kiến của bạn