Cách tính lương nhân viên spa luôn là bài toán khó đối với các chủ kinh doanh ở bước đầu khởi nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm. Làm thế nào để trả lương một cách vừa minh bạch, vừa khuyến khích nhân viên tận tâm trong công việc, vừa đảm bảo lợi nhuận của spa? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé.
Mức lương của nhân viên spa
Mức lương của nhân viên spa, hay nói chính xác hơn là thu nhập sau cùng, sẽ bao gồm rất nhiều khoản cộng lại.
Muốn tính lương chính xác cho nhân viên spa, bạn cần căn cứ vào nhiều khoản
(Nguồn ảnh: JW Marvel Hotel & Spa)
Cụ thể như sau:
- Lương căn bản: Thông tin về lương cơ bản có thể được trình bày công khai trên mẩu tin tuyển dụng. Hiện mức lương cơ bản cao nhất của một cơ sở spa ở thành phố là 6 triệu đồng và vùng quê là 2 – 2.5 triệu đồng, tùy vào địa điểm, mô hình kinh doanh…
- Tiền tour: Phần trăm trên tổng tiền khách hàng chi trả cho một liệu trình. Ví dụ, khách sử dụng liệu trình giá 500 nghìn đồng, kỹ thuật viên được hưởng 3% hoặc 5% trên 500 nghìn đồng đó. Tuy nhiên, có nơi không quy ra phần trăm, mà quy thành số tiền cụ thể.
- Tiền chuyên cần: Đi đúng giờ, làm đủ ngày, đồng ý tăng ca đột xuất…
- Tiền trách nhiệm: Thực hiện đúng quy trình, không bị khách feedback xấu…
- Phần trăm hoa hồng bán gói dịch vụ liệu trình
- Phần trăm hoa hồng bán thẻ thành viên, thẻ VIP
- Phần trăm hoa hồng bán mỹ phẩm
- Tiền tip từ khách hàng
Phần trăm hoa hồng là khoản tiền phổ biến khi nhắc đến lương nghề spa
(Nguồn ảnh: Hadana Boutique Hotel Danang)
Theo lời Cô Bùi Thị Thắm – Giảng viên ngành Chăm sóc sắc đẹp tại Hướng Nghiệp Á Âu, đồng thời là chủ kinh doanh spa, cho biết thu nhập mới ra nghề của kỹ thuật viên thường khoảng 6 – 8 triệu đồng. Với kỹ thuật viên có tay nghề vững, giỏi tư vấn, thu nhập sẽ tầm 8 – 10 triệu đồng; thậm chí có thể vượt mốc 20 triệu đồng nếu xuất sắc.
Cách tính lương nhân viên spa
Sau đây là một vài cách tính lương nhân viên spa mà bạn có thể tham khảo để áp dụng cho cơ sở của mình:
Tính lương nhân viên spa theo giờ
Cách tính này chỉ dựa vào thời gian làm việc thực tế khi có khách hàng. Nhân viên làm nhiều giờ thì thu nhập càng cao.
- Ưu điểm: Giảm chi phí lương cho những giờ spa không có khách, nhân viên nhàn rỗi
- Nhược điểm: Khó kiểm soát giờ công của nhân viên (đặc biệt với spa đông nhân viên, đa dạng sản phẩm và thời gian trị liệu)
Tính lương theo giờ gây khó khăn trong việc kiểm soát chính xác
giờ công thực tế (Nguồn ảnh: Muong Thanh Luxury Nha Trang Hotel)
Tính lương nhân viên spa theo tháng
Với cách tính lương nhân viên spa này thì số tiền nhân viên nhận được hằng tháng bao gồm lương cơ bản, thưởng và phụ cấp (không phụ thuộc thời gian làm việc thực tế và số lượng khách hàng).
- Ưu điểm: Đồng bộ cách tính lương cho nhân viên spa, dễ chi trả
- Nhược điểm: Không tạo động lực cho nhân viên (tay nghề giỏi, được khách book nhiều nhưng vẫn có mức lương ngang nhau)
Tính lương nhân viên spa chỉ dựa vào hoa hồng
Với cách tính này thì hoa hồng sẽ ở mức 30 – 60%/giá trị dịch vụ. Nhân viên càng chăm sóc khách hàng tốt, tay nghề càng giỏi thì thu nhập càng cao.
- Ưu điểm: Nhân viên được trả lương đúng theo năng lực
- Nhược điểm: Tạo sự cạnh tranh gay gắt giữa nội bộ nhân viên
Tính lương chỉ theo hoa hồng có thể gây bất hòa giữa nội bộ nhân viên
(Nguồn ảnh: Amiana Resort Nha Trang)
Tính lương kết hợp lương cơ bản và hoa hồng
Đây là cách tính lương nhân viên spa phổ biến nhất. Thu nhập nhân viên nhận được sẽ gồm lương cơ bản cộng với tổng hoa hồng phần trăm một tháng. Theo đó, hoa hồng sẽ dao động từ 5 – 10% (thấp hơn so với các tính lương chỉ gồm hoa hồng).
Có thể nói, cách tính lượng này dựa theo phương pháp trả lương 3P được ứng dụng phổ biến tại rất nhiều đơn vị tại Việt Nam và trên thế giới. Cụ thể, 3P gồm:
- P1 (Pay for Position): Trả lương theo vị trí, chức danh
- P2 (Pay for Person): Trả lương theo năng lực cá nhân
- P3 (Pay for Performance): Trả lương theo kết quả công việc
Phương pháp này được tính dựa trên hiệu quả công việc của người lao động theo quy trình: giao mục tiêu công việc => đánh giá hiệu quả công việc (hoàn thành hay không hoàn thành) => thưởng khuyến khích => phát triển tổ chức.
Phương pháp trả lương 3P được nhiều spa ở nước ta sử dụng
(Nguồn ảnh: Cherish Hue Hotel)
Tiền tour trong spa là gì?
Như đã giải thích bên trên, tiền tour là phần trăm hoa hồng nhân viên nhận được khi thực hiện liệu trình nào đó cho khách. Các tour này sẽ do lễ tân spa sắp xếp.
Với spa thư giãn, phần trăm tiền tour và dịch vụ thường cao, trong khi lương cơ bản thì ngược lại. Còn với mô hình điều trị thì lương cơ bản sẽ cao hơn, còn các khoản % hoa hồng thấp hơn.
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu cách tính lương nhân viên spa, tiền tour trong spa mà một chủ đầu tư nên biết. Để biết cách định giá cho menu sản phẩm tại spa, bạn có thể tham khảo thêm tại đây.
Ý kiến của bạn