Bạn đang tìm cách tính công suất sử dụng buồng phòng cho dự án kinh doanh khách sạn của mình? Bạn là sinh viên và đang loay hoay với bài tập tính công suất phòng khách sạn? Hãy tham khảo ngay bài viết sau để biết công suất phòng là gì và công thức tính chính xác nhé!
Công suất phòng là gì?
Công suất phòng khách sạn (còn gọi là công suất sử dụng buồng) là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động bán phòng. Đây là số liệu nhằm đối chiếu kết quả thực hiện bán phòng về mặt số lượng (số phòng bán thành công) so với khả năng đáp ứng phòng của khách sạn. Công suất sử dụng phòng khách sạn có thể tính cho một ngày hoặc một thời kỳ (tuần, tháng, quý, năm…) nhất định.
Công suất phòng khách sạn là gì? (Nguồn ảnh: Nam Nghi Phu Quoc)
Công thức tính công suất sử dụng buồng phòng khách sạn
Cách tính công suất phòng khách sạn được thực hiện thông qua công thức sau:
- Tính cho một ngày: H = (Số phòng bán được trong ngày : Số phòng có khả năng đáp ứng trong ngày) x 100
- Tính cho một thời kỳ: H = (Số phòng bán được trong kỳ : Số phòng có khả năng đáp ứng trong kỳ) x 100
Trong đó:
- Số phòng bán ra trong ngày và trong kỳ do bộ phận lễ tân, sales thống kê.
- Số lượng phòng có khả năng đáp ứng trong ngày và trong kỳ bao gồm tất cả những phòng có thể đưa vào kinh doanh. Đây là số lượng phòng còn lại sau khi đã trừ đi những phòng đang được bảo dưỡng và những phòng không sử dụng cho mục đích kinh doanh.
Ví dụ, khách sạn bạn có 10 phòng sẵn sàng bán trong 30 ngày (số phòng có khả năng đáp ứng trong kỳ là 300), còn số phòng bán thành công trong 30 ngày là 240. Như vậy, theo cách tính công suất phòng khách sạn thì kết quả sẽ là H = 240 : 300 x 100 = 80%.
Công thức tính công suất sử dụng buồng phòng khách sạn là điều mà
nhà kinh doanh, quản lý cần biết (Nguồn ảnh: Crowne Plaza Phu Quoc Starbay)
Một số cách tính công suất phòng khách sạn
Các bạn sinh viên đang tìm kiếm bài tập tính công suất phòng khách sạn có thể tham khảo thêm một vài công thức tính sau:
Số phòng giữ chỗ trước bị huỷ so với tổng số phòng đã giữ chỗ trước
H = Số phòng giữ chỗ trước bị hủy bỏ : Tổng số phòng được giữ chỗ trước x 100
Số phòng đã giữ chỗ nhưng khách không đến so với số phòng đã giữ chỗ
H = Số phòng giữ chỗ trước nhưng khách không đến : Tổng số phòng được giữ chỗ trước x 100
Số khách đến mà không giữ chỗ trước so với tổng số khách tiếp đón
H = Số khách đến mà không giữ chỗ trước : Tổng số khách tiếp đón x 100
Chỉ số phòng cho hai người cùng thuê
Chỉ số phòng có 2 người cùng thuê = Tổng số phòng có 2 người cùng thuê : Tổng số phòng cho thuê x 100
Chỉ số khách trọ trong phòng
Chỉ số khách trọ trong phòng = Tổng số khách trọ : Tổng số phòng cho thuê x 100
Biết nhiều công thức giúp bạn nắm rõ và làm chủ tình hình
kinh doanh phòng khách sạn (Nguồn ảnh: Ocean Bay Phu Quoc Resort and Spa)
Overbooking là gì?
Overbooking nghĩa là bán phòng vượt ngưỡng. Overbooking xảy ra khi khách sạn nhận bán vượt mức tổng số phòng sẵn có trong khách sạn tại một khoảng thời gian nhất định. Vào mùa cao điểm, tình trạng overbooking sẽ thường xảy ra, bởi khách có nhu cầu nghỉ dưỡng nhiều hơn bình thường dẫn đến “cháy phòng”.
Ví dụ, khách sạn đang có 180 phòng ở thời điểm hiện tại và đã bán hết 100%. Tuy nhiên, theo dự đoán, khách sạn sẽ có 5% no-show (khách đặt phòng nhưng không đến) tương đương số lượng 9 phòng và nhân viên khách sạn sẽ tiếp tục bán nốt 9 phòng trống dự đoán đó. Đây chính là trạng thái overbooking trong kinh doanh khách sạn.
Overbooking là gì? (Nguồn ảnh: Areca Hotel Nha Trang)
Thông thường, các general manager của những tập đoàn khách sạn lớn đều có tính mạo hiểm trong việc tối đa hóa doanh thu nên sẽ cho phép bộ phận bán phòng có thể bán vượt tầm khoảng 3 – 5% số phòng hiện có.
Ưu, nhược điểm của Overbooking là gì?
Ưu điểm của Overbooking
- Giúp khách sạn đạt công suất phòng 100% bằng cách phòng ngừa rủi ro đối với khách không đến hoặc hủy đặt phòng
- Tối đa hóa doanh thu, lợi nhuận dự kiến
- Rủi ro thấp và cơ hội tăng khả năng sinh lợi cao
- Tiền bồi thường rẻ hơn giữ một phòng trống.
Nhược điểm của Overbooking
- Không đáp ứng được kỳ vọng của khách, dẫn đến trải nghiệm tệ và danh tiếng xấu
- Bị đánh giá tiêu cực trên Internet, ảnh hưởng từ truyền thông miệng tiêu cực
- Giảm lòng trung thành của khách hàng, danh tiếng khách sạn
- Tiềm năng nguy cơ bị từ chối dịch vụ và mất cơ hội kinh doanh trong tương lai từ khách bỏ đi
- Nếu chính sách bồi thường không thích hợp sẽ gây nguy cơ tổn thất tài chính đáng kể
Mỗi khách sạn, resort sẽ có cách tối ưu tỉ lệ overbooking khác nhau (Nguồn ảnh: TTC Phan Thiet)
Cách xử lý tình trạng Overbooking khách sạn
Để tối ưu mức overbooking, các nhà quản trị cần xác định tổng số phòng có sẵn để bán đủ số lượng trong khoảng thời gian cho phép và dự đoán thời gian lưu trú, phát sinh lưu trú, loại phòng đặt trước để đưa ra những con số dự đoán hợp lý.
Bộ phận đặt phòng sẽ dựa vào lịch sử đặt phòng để đưa ra con số dự kiến khách hàng hủy phòng, từ đó tiếp tục chiến lược overbooking để đặt hiệu suất tối đa sử dụng phòng khách sạn.
Nếu khách tới không có phòng, thì lễ tân cần xin lỗi khách hàng chân thành và đưa ra phương án để thuyết phục khách hàng như “walk” khách sang khách sạn khác với chất lượng dịch vụ tương đương (ưu tiên khách sạn cùng tập đoàn hoặc khách sạn tương đương hoặc cao cấp hơn).
Khách sạn cần có giải pháp dự phòng cho trường hợp khách đến
nhưng không có phòng (Nguồn ảnh: White Lotus Hue Hotel)
Bên cạnh đó, khi “walk” khách sang khách sạn khác, cần hạn chế chọn một số booking sau:
- Booking đặt kèm những dịch vụ khác trong khách sạn như đưa đón sân bay, spa, ăn tối… vì khách có thể sẽ từ chối thanh toán khi không thể lưu trú tại khách sạn.
- Booking có mức giá quá cao hoặc phòng cao cấp.
- Booking có thời gian lưu trú dài hạn.
- Booking từ công ty vì có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ tái ký hợp đồng.
- Booking từ các nguồn như OTA, TA, GDS, vì đây là những nguồn đặt phòng trung gian, ảnh hưởng đến điều kiện, điều khoản đã ký hợp đồng và dễ phát sinh bồi thường nếu vi phạm.
Trên đây là bài viết về công thức tính công suất sử dụng buồng phòng. Hướng Nghiệp Á Âu hy vọng bạn sẽ biết cách áp dụng cách tính công suất phòng khách sạn vào thực tế một cách hợp lý để có kết quả kinh doanh tối ưu nhất.
Ý kiến của bạn