Nhật Bản là thiên đường của những loại trà nổi tiếng trên thế giới. Không chỉ trà xanh cổ điển, trà đen hảo hạng đến trà genmaicha, mugicha hay sobacha mới mẻ mà vô vàn những loại trà khác nhau trong phong cách chế biến cực đa dạng.
Nhắc đến loại trà trứ danh của Nhật Bản, nhiều người nghĩ ngay đến Matcha, nhưng đây không phải là loại trà duy nhất. Tại xứ sở Phù Tang, có rất nhiều loại trà thú vị mà bạn chưa tìm hiểu, khám phá. Từ quy trình canh tác, từ sản xuất khác nhau, từ thêm bớt công đoạn chế biến cũng đã tạo ra các loại đa dạng về màu sắc, về hương vị và tên gọi. Bởi thế, phong phú của các loại trà cũng là nét nổi bật trong văn hóa trà đạo hay đời sống tinh thần của người Nhật Bản.
Thế giới trà Nhật Bản, đâu chỉ có bột trà xanh Matcha? (Ảnh: Internet)
Hấp và sấy trà
Hấp và sấy trà là phương pháp phổ biến để chế biến ra các loại trà xanh – ryokucha như: Sencha, Bancha, Gyokuro.
– Sencha: loại trà phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% sản lượng trà được sản xuất ở Nhật Bản. Trong khi trà Đài Loan có đặc điểm ban đầu được sao trên chảo gang thì trà xanh Nhật Bản đầu tiên được hấp từ 15 – 20 giây để ngăn sự oxi hoá lá trà rồi được cuộn lại, tạo hình và sấy khô. Các cấp độ hấp trà (theo thứ tự thời gian từ ít đến nhiều) của sencha: hấp sơ (Asamushi Sencha) – hấp vừa (Chumushi Sencha) – hấp sâu (Fukamushi Sencha) – hấp lâu (Tokumushi Sencha) – hấp 2 lần (Gokumushi Sencha).
Đây là loại “trà mới” từ đợt ra lá đầu tiên trong năm của cây trà
(Ảnh: Internet)
– Bancha: loại trà xanh có vòng đời thu hoạch sau sencha. Lá trà được hái trong tháng 6 gọi là Nibancha, tháng 8 gọi là Sanbancha và tháng 10 gọi là Yonbancha. So với Sencha, Bancha chát hơn và không thơm bằng nên được sử dụng làm thức uống nhẹ sau bữa ăn.
Bancha được làm từ những lá trà già hơn bị loại ra khi sản xuất sencha
(Ảnh: Internet)
– Kukicha: loại trà được chế biến từ các phần cuống lá, cành chính và cành con trong một cây trà xanh, còn có tên gọi khác là karigane. Đây là loại trà có giá thành tương đối cao với hương vị và mùi thơm nhẹ độc đáo đem đến sảng khoái cho người dùng.
Trà Kukicha (Ảnh: Internet)
– Gyokuro: loại trà xanh trồng trong bóng râm của Nhật Bản. Khác với trà xanh cổ điển Sencha, trà này được phát triển nơi râm mát thay vì nhận được ánh sáng mặt trời đầy đủ. Gyokuro khác với Kabusecha (một loại Sencha trong bóng mát) ở chỗ được che nắng toàn vườn trà khoảng 3 tuần trước khi hái, còn Kabusecha được che từng luống trà một.
Gyokuro hay còn gọi là trà Ngọc Lộ (Ảnh: Internet)
Cũng là một loại trà xanh Nhật Bản, Tama Ryokucha (trà cuốn) không được chuốt thẳng mà sau khi hấp chỉ cho vào lò sấy quay và sấy khô bằng gió nhiệt nên sản phẩm trà không thẳng mà cuốn tròn.
Trà cuốn Nhật Bản (Ảnh: Internet)
Xay nhuyễn trà
– Konacha: trà bao gồm những búp trà và lá trà nhỏ còn lại sau quá trình chế biến Sencha, Gyokuro và Kabuse, sau đó được mang ra xay.
– Funmatsucha: là loại trà xanh uống liền được tạo ra bằng cách xay các lá trà Sencha, Houjicha, Gyokuro và nhiều loại trà khác.
– Matcha: hay mạt trà, là loại trà xanh được xay thành bột mịn và gần như hòa tan hoàn toàn trong nước. Khi so sánh với các loại trà khác, matcha là loại chất lượng và kinh điển, là biểu trưng tự hào cho trà đạo Nhật Bản.
Matcha – loại trà trứ danh của Nhật Bản (Ảnh: Internet)
Phấn trà, vụn trà
Konacha: loại trà được làm từ vụn trà, búp trà và những lá trà nhỏ còn lại của quá trình sản xuất trà Gyokuro và Sencha. Dù chỉ là một loại trà cấp thấp nhưng trà này được dùng để bổ sung hương vị và phù hợp cho việc điều hòa khẩu vị của người dùng trong các món ăn.
Konacha Nhật Bản (Ảnh: Internet)
Lên men trà
– Kocha (trà đen): Cũng được làm từ các lá chè giống như trà xanh nhưng lại được ủ men oxy hóa nhưng do quá trình oxy hóa chuyển đổi các chất Polyphenol trong trà (catechin) thành hợp chất oxidase và tạo ra chất theaflavin và thearubigins làm cho hương vị trà có vị mạnh hơn, thơm hơn.
Trong tiếng Nhật, Kocha có nghĩa là trà đỏ (Ảnh: Internet)
Trà ướp hoa
Jasminecha: được làm bằng cách kết hợp hoa nhài với trà xanh hoặc đôi khi là trà oolong. Trà được ủ với các nụ hoa nhài qua một đêm rồi được vo thành những sợi trà. Từ những sợi trà đó vo tròn thành viên nhỏ rồi mới sấy khô ở nhiệt độ thích hợp. Trà này được tiêu thụ rộng rãi ở Okinawa.
Rang/sao trà xanh
Hojicha: được gọi là trà xanh rang chế biến bằng cách rang hoặc sao các lá chè sencha, bancha hoặc kukicha ở nhiệt độ cao (<200 độ C) cho đến khi có màu đỏ nâu đặc trưng. Nhiệt từ quá trình rang gây nên sự thay đổi hóa học trong lá, làm cho trà có mùi thơm ngọt, hơi caramel.
Rang trà gạo
– Genmaicha: là loại trà được trộn từ sencha và gemai – tức gạo lứt chưa bóc vỏ lụa, rồi được rang/sao thơm. Đặc điểm của loại trà này là do thành phần gạo rang lớn (thường khoảng một nửa) nên nhạt, ít caffein hơn sencha, màu vàng với hương vị đặc biệt. Trà rất dễ uống đối với người già và trẻ em như là một sự thay thế cho trà xanh đạt chuẩn.
Genmaicha Nhật Bản (Ảnh: Internet)
– Mugicha: Ngoài Genmaicha thì Mugicha cũng là loại trà rang từ ngũ cốc được trẻ em yêu thích. Làm từ lúa mạch rang, trà đặc biệt không chứa caffein từ lá chè.
– Sobacha: là trà kiều mạch được rang từ hạt kiều mạch, trà này có thể kết hợp với Hojicha và tạo thành loại trà ngon, bổ dưỡng được người Nhật cực yêu thích.
Như vậy, ở trên là một số loại trà ngon, chất lượng ở Nhật Bản được ưa chuộng trên thế giới. Ngoài những loại trà này, thế giới trà Nhật Bản còn nhiều loại trà khác không chỉ đáp ứng nhu cầu trà đạo mà cho về đời sống tinh thần phong phú của họ.
Ý kiến của bạn