Cà phê muối là sự kết hợp giữa vị ngọt của sữa, đắng của cà phê và một chút mặn mà của muối tạo nên hương vị thơm béo, đậm đà. Bạn muốn khám phá bí quyết trong cách làm cà phê muối để thưởng thức tại nhà hoặc bổ sung vào menu của quán? Cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích trong bài viết này.
Cà phê muối thu hút thực khách nhờ vị ngon lạ miệng. Ảnh: Internet
Cà phê muối là gì? Nguồn gốc cà phê muối
Cà phê muối (salt coffee) là một loại thức uống được làm từ cà phê, sữa đặc, sữa tươi lên men và muối tinh. Vị mặn của muối tưởng chừng “không ăn nhập” gì trong ly cà phê nhưng thực chất lại càng làm nổi bật hương vị nồng nàn, tiết chế vị đắng gắt của cà phê và tôn lên vị ngọt thơm của sữa.
Quán cà phê sân vườn trên đường Nguyễn Lương Bằng (thành phố Huế) là nơi đầu tiên tại Việt Nam phục vụ cà phê muối. Theo lời người chủ hiện tại của quán, ý tưởng pha chế món cà phê độc đáo này bắt nguồn từ câu chuyện “cà phê muối” mà họ vô tình đọc được khi có ý định mở quán. Sau nhiều lần cải thiện công thức pha chế, món cà phê muối ra đời và được nhiều người yêu thích.
Cà phê muối là một trong những nét riêng của ẩm thực xứ Huế. Ảnh: Internet
Cà phê muối tuy mới được biết đến tại Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng đã phổ biến từ lâu tại nhiều nước trên thế giới với nhiều tên gọi khác nhau. Theo những câu chuyện được ghi lại, những thủy thủ, ngư dân, công nhân trên các dàn khoan dầu ngoài biển khơi đã nảy ra ý tưởng pha cà phê bằng nước biển trong những chuyến đi kéo dài khan hiếm nước ngọt, từ đó cà phê với vị mặn của muối biển ra đời.
Một số quán cà phê tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM… hiện đã bổ sung cà phê muối vào menu bên cạnh các món đặc trưng khác như cà phê sữa, cà phê trứng, cà phê cốt dừa. Ở mỗi nơi, thức uống này có thêm một vài biến tấu để phù hợp hơn với khẩu vị khách hàng.
Tại sao lại thêm muối vào cà phê?
Giảm đắng
Vị ngọt không phải cách duy nhất để làm cà phê bớt đắng. Thực tế, muối ăn với thành phần chính là natri clorua có tác dụng trung hòa vị đắng khá tốt, thậm chí hiệu quả hơn so với đường.
Khi sử dụng đường trong cà phê đen đá, sữa đặc trong cà phê sữa hay sữa tươi trong latte thì sẽ làm tăng lượng đường, calories trong cơ thể, khiến bạn tăng cân, đặc biệt không phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường. Lúc này, muối ăn là nguyên liệu thay thế hiệu quả, giúp ngăn chặn vị đắng và chua của cà phê mà không gây béo.
Làm phong phú thêm hương vị
Khi cho muối vào cà phê, các ion natri được giải phóng giúp kiềm chế vị đắng. Điều này giúp cho cà phê vẫn thơm ngon nhưng không khó uống mà còn tạo thêm một chút vị mặn lạ miệng.
Đó cũng là lý do tại sao muối thường được thêm vào thực phẩm để làm món ăn ngon miệng hơn. Nếu sợ mặn, bạn có thể sử dụng muối natri axetat vị nhạt hơn để thay thế khi pha cà phê muối.
Cách pha cà phê muối bằng cà phê nguyên chất
Nguyên liệu pha cafe muối
- 25g cà phê mộc
- 95ml nước sôi
- 25ml sữa đặc
- 200ml kem béo Rich’s
- 5g muối
Dụng cụ để pha cà phê muối
Ấm đun nước, phin pha cà phê, máy đánh trứng, ca đựng sữa, muỗng khuấy, ly thủy tinh…
Các bước pha cà phê muối
Bước 1: Pha cà phê
Bạn tiến hành pha cà phê bằng cách pha phin truyền thống. Sử dụng nước sôi để tráng phin pha cà phê để phin sạch hơn, đồng thời ngâm dụng cụ đựng cà phê sẽ giúp hạt cà phê nở đều.
Cho 25g cà phê mộc xay ở mức vừa (medium) vào phin, lắc nhẹ để bột cà phê dàn đều rồi đặt phin lên ly. Đầu tiên, rót 45ml nước sôi lên khắp bề mặt cà phê. Khi bột cà phê hấp thụ hết nước và nở đều, dùng nắp gài nén cà phê với lực vừa phải. Tiếp tục châm thêm 50ml nước sôi, đậy nắp và chờ cà phê nhỏ giọt. Lưu ý, sử dụng nước sôi khoảng 95 độ để hạt cà phê không bị khét và mất vị của cà phê.
Các bước pha cà phê. Ảnh: Internet
Bước 2: Cách làm kem mặn thơm béo
Bạn cho 200ml kem béo Rich’s và 5g muối tinh vào ca đong. Sau đó, dùng máy đánh trứng đánh bông hỗn hợp từ 2 – 3 phút.
Sử dụng máy đánh trứng để đánh bông hỗn hợp kem. Ảnh: Internet
Bước 3: Tiến hành pha chế
Cà phê chiết xuất xong thì lấy phin ra, cho 25ml sữa đặc vào. Tiếp đến, rót từ từ 15 – 20ml kem mặn vào ly cà phê. Có thể rắc thêm một ít bột cacao lên bề mặt thức uống cho đẹp mắt.
Đổ từ từ phần kem mặn đã đánh bông vào ly. Ảnh: Internet
Bước 4: Hoàn thiện và thưởng thức
Khi uống, dùng muỗng khuấy đều rồi cho thêm đá viên vào ly cà phê, tùy theo sở thích uống nóng hay lạnh của bạn. Vậy là đã hoàn thiện ly cà phê muối mang hương vị mặn mà, thơm ngon rồi đấy, thưởng thức ngay thôi nào.
Thành phẩm cà phê muối. Ảnh: Internet
Lưu ý để pha cà phê muối ngon
Chọn cà phê nguyên chất
Chất lượng cà phê quyết định phần lớn đến độ ngon của ly cà phê. Vì vậy, bạn cần lưu ý chọn mua cà phê sạch, nguyên chất có thương hiệu sẽ đảm bảo hương vị hơn. Không nên sử dụng cà phê tẩm hương liệu, cà phê hòa tan hay những loại bột cà phê đóng gói sẵn.
Chọn cà phê rang mới sau 7 – 10 ngày. Khi nào bắt đầu pha mới tiến hành xay hạt cà phê để tránh làm thất thoát hương thơm.
Nên mua trực tiếp từ các nhà rang xay cà phê uy tín để có được cà phê mới nhất.
Chuẩn bị dụng cụ chất lượng và sạch
Phin pha cà phê cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hương vị thành phẩm. Muốn cà phê ngon, bạn nên chọn loại phin bằng nhôm, có lỗ đục đều và phân bố hợp lý.
Dụng cụ đựng cà phê nên làm từ chất liệu sứ hoặc thủy tinh sẽ giữ nhiệt tốt hơn, đồng thời không gây hại như các dụng cụ bằng nhựa.
Pha bằng phin nhôm truyền thống giúp giữ nguyên hương vị thức uống. Ảnh: Internet
Dùng nước sôi tráng qua phin và các dụng cụ trước khi sử dụng. Công đoạn này vừa giúp làm sạch vừa làm ấm các dụng cụ pha cà phê, giúp cà phê nở đều hơn, giảm bớt sự hấp thụ nhiệt trong quá trình pha chế.
Tỷ lệ thành phần
Tỷ lệ muối, sữa, cà phê sẽ quyết định đến hương vị thức uống. Nếu cho quá nhiều muối, vị mặn sẽ lấn át vị thơm của cà phê và béo của sữa. Ngược lại, nếu sử dụng quá nhiều cà phê hay sữa, thức uống sẽ bị đắng hoặc rất ngấy.
Bạn hãy tham khảo công thức trong bài viết sau đó có thể điều chỉnh lại định lượng nguyên liệu cho phù hợp với khẩu vị, nhưng không nên cho quá nhiều bất cứ thành phần nào để đảm bảo hương vị cân bằng.
Cách thưởng thức cà phê muối
Cách thưởng thức cà phê muối đúng điệu là dùng muỗng khuấy nhẹ ly cà phê một vòng để lớp bọt sữa bồng bềnh phía trên hòa quyện với cà phê bên dưới. Sau đó, bạn có thể thưởng thưởng từng muỗng cà phê để cảm nhận kem sữa tan ra, lan tỏa hương vị đậm đà, hoặc bưng ly cà phê lên, chậm rãi hớp từng ngụm nhỏ. Vị mặn mà của muối, béo thơm của sữa kết hợp vị đắng đậm đà của cà phê sẽ khiến bạn “say” ngay lần đầu thưởng thức.
Cà phê muối uống nóng hay lạnh đều rất ngon. Ảnh: Internet
Với cách làm cà phê muối trên đây, bạn vẫn có cà phê ngon để nhâm nhi mỗi buổi sáng mà không cần đến Huế. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm thông tin về một thức uống độc đáo và biết cách đơn giản để pha chế nên một ly cà phê kết hợp với muối hoàn hảo nhất. Chúc bạn thực hiện thành công.
Tiếp theo, mời bạn tham khảo bài viết cách làm cà phê cốt dừa trân châu tại website của chúng tôi ngay nhé.
Ý kiến của bạn