Cách chia ca làm việc trong nhà hàng, ca làm việc của lễ tân khách sạn, ca gãy là gì, ca xoay là gì… là vấn đề được những bạn theo học ngành Nhà hàng Khách sạn quan tâm, bởi giờ giấc làm việc của nhân viên thuộc ngành này sẽ không cố định theo khung giờ hành chính như dân công sở. Trong bài viết sau từ Hướng Nghiệp Á Âu, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách xếp lịch làm việc cho nhân viên nhà hàng, khách sạn theo ca.
Ca là gì? Lưu ý gì khi chia ca làm việc trong khách sạn, nhà hàng?
Ca là khoảng thời gian làm việc của người lao động tính từ thời điểm bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến thời điểm bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
Nếu người lao động đồng ý làm thêm giờ (tăng ca) khi được yêu cầu thì thời gian trong ca làm việc đó sẽ kéo dài. Theo điều 60 Nghị định 145/2020, giới hạn làm việc thêm giờ được quy định như sau:
- Nếu làm thêm vào ngày làm việc bình thường, thì tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày.
- Nếu làm việc bình thường theo tuần, thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.
- Nếu làm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hàng tuần, thì tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.
Cách chia ca làm việc trong khách sạn, nhà hàng
Ca hành chính là gì?
Ca hành chính bắt đầu từ 8 giờ – 17 giờ, hoặc từ 9 giờ – 18 giờ, có thể tùy chỉnh để phù hợp với yêu cầu công việc và quy định mỗi nơi, miễn sao tuân thủ đúng luật lao động. Ca hành chính thường áp dụng cho khối văn phòng như phòng Nhân sự, phòng Kế toán…
Ca sáng, ca chiều, ca đêm, ca gãy, ca xoay là gì?
Các ca làm việc trong khách sạn
Các ca làm việc trong khách sạn dành cho các bộ phận như lễ tân, buồng phòng, bảo vệ… được chia như sau:
- Ca sáng: 6 giờ – 14 giờ
- Ca chiều: 14 giờ – 22 giờ
- Ca đêm: 22 giờ – 6 giờ (sáng ngày hôm sau)
Bên cạnh đó, còn có ca gãy và ca xoay. Vậy ca gãy là gì, ca xoay là gì? Ca gãy nghĩa là nhân sự không làm liên tục 8 tiếng mà chia ra thành hai ca nhỏ hơn, mỗi ca 4 tiếng (10h – 14h, sau đó nghỉ, rồi vào làm tiếp từ 17h – 21h); còn ca xoay là tuần này nếu nhân sự làm full sáng thì tuần sau làm full chiều, hoặc có thể xoay ca kiểu 2 – 4 – 6 ca chiều và 3 – 5 – 7 ca sáng.
Ca làm việc trong nhà hàng
Ca làm việc trong nhà hàng sẽ phân chia tùy theo mục đích kinh doanh. Ví dụ, có nhà hàng chỉ phục vụ buổi tối; có nhà hàng chỉ phục vụ sáng và tối, không phục vụ buổi trưa… Trên thực tế, xếp lịch làm việc cho nhân viên nhà hàng phụ thuộc vào thời gian mở cửa. Với nhà hàng quy mô lớn, phục vụ cả ngày thì cách chia ca trong nhà hàng như sau:
- Ca sáng: 6 giờ – 14 giờ
- Ca tối: 14 giờ – 22 giờ
- Ca gãy: 10 giờ – 14 giờ và 18 giờ – 22 giờ hoặc 10 giờ – 14 giờ và 17 giờ – 21 giờ
Trong lĩnh vực nhà hàng, ca gãy áp dụng cho cả phục vụ bàn, nhân viên bếp, nhân viên bar, hostess và thu ngân.
Vì sao phải biết cách chia ca làm việc cho nhân viên?
Việc chia các ca làm việc trong nhà hàng, khách sạn sẽ đảm bảo các yếu tố sau:
- Đảm bảo sức khỏe cho nhân viên và hiệu suất công việc. Nhân viên không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, đem đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng khi phải làm việc liên tục hàng chục giờ đồng hồ trong nhiều ngày nhiều tháng (trừ phi có yêu cầu tăng ca).
- Bảo đảm tiến độ công việc diễn ra trôi chảy, tránh tình trạng nhiều việc nhưng thiếu người. Khi nhân viên bận hoặc đau ốm đột xuất, họ có thể xin nghỉ hoặc linh hoạt thay ca cho nhau mà không làm ảnh hưởng xấu đến quá trình vận hành của nhà hàng, khách sạn.
- Tiết kiệm chi phí cho nhân sự. Trong thực tế, tùy vào thời điểm khách đông hay ít khách mà nhà hàng sẽ có sự phân bổ nhân sự hợp lý về số lượng, giúp vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ, vừa tránh tình trạng dư người nhưng thiếu việc mặc dù tiền lương vẫn phải chi trả đầy đủ.
Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc về cách chia ca làm việc trong nhà hàng, khách sạn; ca làm việc của lễ tân khách sạn; ca gãy là gì, ca xoay là gì… Để biết thêm kiến thức về ngành Quản trị Nhà hàng Khách sạn, hãy cùng đón đọc những bài viết bổ ích tiếp theo từ Hướng Nghiệp Á Âu nhé.
Ý kiến của bạn