Đúng như tên gọi, mụn ẩn là loại mụn trú ẩn dưới da và khó xác định đầu mụn. Tuy mụn ẩn trông có vẻ vô hại nhưng nếu không biết cách chăm sóc cẩn thận thì sẽ sưng viêm nặng hơn, dễ hình thành sẹo và thâm kém thẩm mỹ trên da. Vậy làm thế nào để xử lý da bị mụn ẩn thật khéo léo và chuẩn khoa học? Đừng bỏ qua bài viết hữu ích dưới đây từ Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu nhé.
Không sưng to, gây đau nhức như mụn bọc nhưng mụn ẩn lại là mối nguy hại tiềm tàng khiến bề mặt da trông sần sùi, kém mịn màng. Dạng mụn này thường phân bố thành từng cụm ở khu vực trán, má hoặc xung quanh miệng. Tương tự các loại mụn khác thì mụn ẩn dưới da cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân và sẽ được xử lý triệt để nếu bạn hiểu và chọn đúng cách điều trị.
Mụn ẩn không được xử lý đúng cách sẽ trở thành vết thâm đỏ khó trị và lan ra
các vùng lân cận (Nguồn ảnh: Internet)
Mụn ẩn là gì? Dấu hiệu nhận biết mụn ẩn?
Mụn ẩn là dạng mụn phát triển dưới bề mặt da và khó có thể nhìn thấy ở một khoảng cách nhất định, nhưng khi sờ tay lên mặt hoặc quan sát kỹ thì có thể cảm nhận được nốt mụn đó xuất hiện ở vị trí nào. Do còn trú ẩn dưới da nên không lộ rõ đầu mụn như các loại mụn khác, nhưng lại khiến da trông mất thẩm mỹ vì vẻ ngoài thô ráp, sần sùi. Vị trí phân bổ của mụn ẩn thường là quanh cằm, má, trán… hoặc bất cứ nơi đâu trên mặt.
Dấu hiệu nhận biết mụn ẩn là mụn không trồi lên bề mặt như những loại khác, có kích thước khá nhỏ, không sờ được nhân trên bề mặt nên không thể nặn như thông thường; khi sờ lên vùng da bị mụn ẩn sẽ có cảm giác hơi sần sùi nhưng không đau, sưng tấy, đôi khi hơi ngứa; không mọc riêng lẻ một nốt mà sẽ thành từng cụm và có nguy cơ lan rộng ra các khu vực khác xung quanh.
Mụn ẩn không gây đau buốt nhưng lại trông mất thẩm mỹ (Nguồn ảnh: Internet)
Nguyên nhân gây ra mụn ẩn
Các nguyên nhân sinh mụn ẩn có thể kể đến bao gồm:
Cơ địa
Với làn da dầu, dầu thừa thường tiết ra quá mức và tế bào chết không được “dọn dẹp” sạch sẽ khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn, mụn không thể trồi lên da.
Vệ sinh da chưa đủ sạch
Hằng ngày, da bạn phải tiếp xúc với khói bụi, tạp chất trong kem chống nắng, sản phẩm trang điểm… Nếu tẩy trang, rửa mặt sơ sài thì các tạp chất này tích tụ sâu trong nang lông và gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Lạm dụng mỹ phẩm
Lạm dụng sản phẩm dưỡng da và mỹ phẩm trang điểm đều có thể khiến xuất hiện mụn ẩn. Nếu thoa sản phẩm dưỡng da quá nhiều loại, quá nhiều lớp, hàm lượng lớn sẽ khiến dưỡng chất trở nên thừa thãi, tồn đọng ở lỗ chân lông, cũng như trang điểm dày cộm khiến da bị “bí”, kết hợp dầu thừa sẽ tạo điều kiện sinh ra mụn ẩn.
Lạm dụng mỹ phẩm có nguy cơ gây mụn ẩn (Nguồn ảnh: Internet)
Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học
Thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thức khuya, tiếp xúc với drap giường/vỏ gối không được giặt giũ thường xuyên… cũng là những nguyên nhân góp phần hình thành mụn ẩn trên da.
Thay đổi hormone
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược – Cơ sở 3) cho biết, khi nội tiết tố bị rối loạn, các kích thích tố sẽ kích hoạt và tăng tiết bã nhờn, bịt kín các lỗ chân lông. Tuyến bã bị bịt kín không thoát ra ngoài sẽ tạo thành mụn.
Thành phần có khả năng gây mụn
Nên thận trọng khi sử dụng sản phẩm chăm sóc da chứa các thành phần như sodium lauryl sulfate, sodium laureth sulfate, silicones, dầu dừa, isopropyl myristate, isopropyl alcohol, ethanol…
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sản phẩm chứa một trong số các thành phần trên có gây mụn ẩn hay không còn phụ thuộc vào cách da bạn phản ứng với từng chất đó. Một thành phần có thể gây hại khi dùng với liều lượng lớn, nhưng lại không vấn đề gì khi dùng với liều lượng nhỏ cho phép.
Nên cân nhắc kỹ nếu sử dụng dầu dừa khi dưỡng da (Nguồn ảnh: Internet)
Hướng dẫn điều trị mụn ẩn đúng cách
Làm sạch da kỹ lưỡng
Làm sạch da (bao gồm tẩy trang và dùng sữa rửa mặt) là bước cực kỳ quan trọng nếu muốn trị dứt điểm mụn ẩn. Quá trình làm sạch da hiệu quả sẽ lấy đi lớp trang điểm, bã nhờn và bụi bẩn bám trên bề mặt da cả ngày dài, giúp lỗ chân lông thông thoáng, giảm nguy cơ hình thành mụn. Nên chọn sữa rửa mặt có độ pH từ 5 – 6, có thể chứa salicylic acid hoặc thành phần từ thiên nhiên.
Tẩy da chết định kỳ
Lớp sừng già cỗi là nguyên nhân khiến bít tắc lỗ chân lông, da kém hấp thụ dưỡng chất, bề mặt sần sùi. Tẩy da chết không chỉ giúp loại bỏ lớp da chết mà còn kích thích sản sinh tế bào mới, giúp da căng mịn và tươi mới hơn.
Có thể chọn sản phẩm tẩy da chết hóa học với thành phần hòa tan trong dầu như BHA để làm sạch sâu tận lỗ chân lông, kích thích tế bào mới hình thành và đẩy mụn trồi lên bề mặt da, hỗ trợ điều trị nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, cần thận trọng kẻo nhầm lẫn hiện tượng đẩy mụn và kích ứng.
Sản phẩm tẩy da chết chứa AHA từ Paula’s Choice (Nguồn ảnh: Internet)
Gợi ý một số sản phẩm tẩy da chết hóa học: Paula’s Choice Skin Perfecting BHA Liquid Exfoliant, Paula’s Choice Resist Daily Smoothing Treatment With 5% AHA, COSRX BHA Blackhead Power Liquid, Alpha Hydrox 10% AHA Oil Free, REN Ready Steady Glow Daily AHA Tonic, The Ordinary Mandelic Acid 10% + HA…
Chống nắng hằng ngày
Vào ban ngày, đặc biệt khi ra ngoài, chống nắng luôn là ưu tiên hàng đầu. Một loại kem chống nắng với chỉ số lý tưởng, kết cấu nhẹ dịu sẽ bảo vệ hiệu quả làn da trước sự tấn công của tia UV mà không gây bí bách cho da.
Không tự nặn mụn tại nhà
Mụn ẩn không dễ trồi lên bề mặt để bạn loại bỏ nhân như các loại mụn khác. Do đó, nếu cố gắng lấy nhân mụn bằng tay kém vệ sinh hoặc không đúng cách sẽ dễ gây sưng viêm, vết thâm trông mất thẩm mỹ. Tình trạng mụn khi đó sẽ chuyển biến nghiêm trọng hơn.
Thay vào đó, khi tẩy da chết hóa học khiến nhân mụn trồi lên, bạn nên sử dụng hoạt chất đặc trị để gom nhân, tiêu cồi như benzoyl peroxide, lưu huỳnh (sulfur)… hoặc dạng chấm mụn chứa chiết xuất kháng viêm từ thiên nhiên như tinh dầu tràm trà, rau má…
Sản phẩm chứa benzoyl peroxide từ Neutrogena (Nguồn ảnh: Internet)
Sử dụng mặt nạ
Trong chu trình chăm sóc da mụn ẩn, hằng tuần nên dùng thêm mặt nạ có thành phần từ đất sét, than hoạt tính để làm sạch sâu và loại bỏ dầu thừa. Với da khô, có thể chọn loại mặt nạ chứa thêm thành phẩm dưỡng ẩm để hạn chế khô da.
Ngoài ra, đừng quên sử dụng sản phẩm cấp nước, dưỡng ẩm để da luôn đủ độ ẩm và tăng sức đề kháng.
Nhìn chung, hễ nhắc đến mụn, trong chúng ta ai cũng có nỗi ám ảnh chung. Dù là mụn bọc hay mụn ẩn thì đó đều là vấn đề khiến chúng ta phiền lòng và đau đầu tìm cách điều trị. Hy vọng thông qua bài viết trên từ chuyên mục Beauty Tips, bạn đã hiểu cặn kẽ hơn về bản chất của mụn ẩn và nắm được phương pháp xử lý dứt điểm và chuẩn khoa học.
Ý kiến của bạn