Muốn làm bánh ngon bạn bắt buộc phải hiểu rõ đặc tính của các nguyên liệu để ứng dụng phù hợp và tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng cho từng món bánh. Chính vì vậy, Hướng Nghiệp Á Âu (HNAAu) đã thường xuyên chia sẻ các kiến thức bổ ích để bạn mở rộng vốn hiểu biết của mình và hôm nay, mời các bạn cùng tìm hiểu về bột mì số 11 nhé!
Bột mì số 11 được ứng dụng phổ biến trong làm bánh
Bột mì số 11 là gì?
Bread flour là tên gọi khác của bột mì số 11 – một loại bột có hàm lượng gluten cao, thường đạt mức từ 11.5 – 13% trên tổng lượng bột. Thông qua quá trình ủ, gluten sẽ kết hợp với men nở để phát triển, từ đó tạo nên kết cấu dai và chắc cho bánh, đặc biệt là các loại bánh mì. Ở Việt Nam, một số nơi bán nguyên vật liệu làm bánh còn gọi bột mì số 11 là bột Cái Cân hoặc bột làm bánh mì.
Các món bánh ngon làm từ bột mì số 11
Hầu hết các món bánh yêu cầu có độ cứng, giai và chắc đều cần có bột mì số 11, nhất là các món bánh mì. Một số món bánh ngon phổ biến làm từ loại bột này có thể kể đến như:
Bánh mì Sandwich
Xuất hiện vào khoảng 100 năm trước Công Nguyên, ban đầu Sandwich có tên là bánh mì kẹp và chính thức đổi tên vào năm 1726. Món bánh này không chỉ tiện lợi mà còn có hương vị vô cùng độc đáo khi ăn kèm với nhiều loại nhân khác nhau. Cũng chính vì điều này mà Sandwich nhanh chóng được đón nhận và ưa chuộng trên toàn cầu.
Sandwich ngon và giàu dinh dưỡng
Bánh Tart
Được biết đến là món tráng miệng cao cấp đầy nghệ thuật vào thế kỷ 14 tại phương Tây, bánh Tart nổi bật với tạo hình tinh tế từ lớp vỏ bánh mỏng cho đến phần nhân đầy màu sắc và hấp dẫn. Đến thế kỷ 19, món bánh này hầu như không thể vắng mặt trong các buổi tiệc trà sang trọng của người Anh. Bánh Tart có nhiều kích thước khác nhau nhưng phổ biến nhất là loại nhỏ, cầm vừa tay.
Bánh Tart trứng béo thơm, quyến rũ vị giác
Bánh Donut
Donut (Doughnut) có thể dùng làm món tráng miệng hay món ăn vặt đều rất tuyệt vời. Món bánh này có hình chiếc nhẫn xinh xắn, thường được phủ socola, kem hoặc hạt cốm nhiều sắc màu để trang trí. Ngày nay, Donut đã trở nên quen thuộc với mọi người, nhất là các bạn trẻ.
Một chiếc bánh Donut xinh xắn, cuốn hút
Bánh Pizza
Nổi bật với hình dáng đẹp mắt, hương vị thơm ngon và giàu dinh dưỡng, không có gì quá ngạc nhiên khi bánh Pizza nằm trong danh sách một trong những món bánh được yêu thích nhất trên thế giới. Đế của Pizza làm từ nguyên liệu chính là bột mì, phần nhân là sự kết hợp tuyệt hảo giữa nhiều nguyên liệu khác nhau tùy theo khẩu vị người thưởng thức như hải sản, thịt bò, rau nấm…
Pizza có nhiều hương vị cực hấp dẫn
Ngoài ra, bột mì số 11 còn có thể dùng làm một số loại bánh ngọt khác như: bánh bông lan, cupcake, bánh su kem… Tuy nhiên, điều này không được khuyến khích vì kết cấu thành phẩm không đạt chuẩn như khi dùng bột mì số 8.
Mua bột mì số 11 ở đâu? Bao nhiêu tiền?
Bột mì số 11 được bày bán nhiều trên thị trường nhưng nếu đến chợ truyền thống thì bột mì đa dụng – bột số 8 sẽ xuất hiện nhiều hơn. Bạn có thể đến siêu thị hoặc những nơi chuyên cung cấp nguyên liệu làm bánh để đảm bảo mua đúng loại bột mình cần. Giá bán 1kg bột mì số 11 dao động ở mức 80.000 – 85.000 đồng.
Lưu ý: Chỉ mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Cách làm bánh mì hoa cúc với bột mì số 11
Nguyên liệu
- Bột mì số 11: 300 gram
- Bơ: 120 gram
- Đường: 80 gram
- Phụ gia bánh mì: 3 gram
- Men lạt: 8 gram
- Đường xay: 10 gram
- Muối: 4 gram
- Trứng gà: 3 quả
- Nước đá: 30ml
- Sữa tươi: 40ml
Hướng dẫn làm bánh mì hoa cúc
Làm hỗn hợp bột bánh
Lần lượt cho bột, men lạt, phụ gia bánh mì, muối, 2 quả trứng gà, đường, sữa tươi và nước đá vào máy trộn bột, bật máy và trộn hỗn hợp trong 2 phút.
Thêm bơ vào trộn cùng hỗn hợp, tiếp tục nhào 5 phút cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau. Kiểm tra bột đã đạt hay chưa bằng cách lấy một chút bột kéo ra, nếu bột tạo thành màng mỏng thì có thể tắt máy.
Đặt khối bột lên mặt phẳng có rắc sẵn bột khô, tiến hành vê tròn bột. Sau đó, cho bột vào âu, bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, ủ trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 6 giờ.
Bột có thể kéo thành màng là đã đạt
Tạo hình
Chia khối bột thành các viên nhỏ có trọng lượng bằng nhau, khoảng 70 gram. Dùng tay vê từng viên bột rồi để bột nghỉ 5 phút.
Cán bột dài ra, khéo léo cuộn tròn theo chiều ngang rồi dùng tay lăn bột dài ra từ 35 – 40cm.
Thắt 3 sợi bột thành hình bím tóc, vê hai đầu, cuộn lại thành vòng tròn sao cho giống với hình hoa cúc.
Xếp bánh ra khay, ủ ở 34 độ C, độ ẩm 80% trong 3 giờ.
Công đoạn tạo hình cần người thực hiện tỉ mỉ và khéo léo một chút
Nướng bánh
Làm nóng lò nướng ở 200 độ C.
Đánh tan quả trứng còn lại, phết lên từng chiếc bánh. Sau đó, rắc hạnh nhân lên bề mặt bánh.
Cho khay bánh vào lò nướng 15 phút là bánh sẽ chín. Nhẹ nhàng rắc đường xay lên bánh để trang trí và tăng thêm hương vị cho thành phẩm.
Nướng đủ thời gian và đúng nhiệt độ sẽ giúp bánh chín đều đẹp mắt
Yêu cầu thành phẩm
Bánh mì hoa cúc sau khi làm xong sẽ có hình dáng đẹp mắt, bánh chín vàng, thơm phức, có vị ngọt nhẹ rất dễ ăn. Bạn có thể thưởng thức bánh cùng với một loại thức uống mình yêu thích để hương vị thêm trọn vẹn.
Bánh mì hoa cúc khiến bao người mê mẩn
Qua những chia sẻ ở trên của HNAAu, hy vọng bạn đã hiểu thêm về bột mì số 11 cũng như là các món bánh ngon làm từ loại bột này. Hãy tiếp tục theo dõi HNAAu để “bỏ túi” nhiều kiến thức thú vị về thế giới bột đường nhé. HNAAu mong rằng bạn sẽ luôn “cháy” hết mình với đam mê và thành công trên con đường đã chọn. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết tiếp theo!
Ý kiến của bạn