Hơn 1000 năm Bắc thuộc, 100 năm kháng chiến chống Pháp và 37 năm dài đằng đẵng đuổi quân xâm lược Mỹ, Việt Nam đã oằn mình gánh chịu bao mất mát, đau thương. Nền văn hóa ẩm thực của nước ta cũng vì thế mà chịu không ít ảnh hưởng, nhưng đó là sự hòa nhập chứ không hòa tan.
Trải qua những năm tháng bi thương, oai hùng, sự dung hòa là điều không thể thiếu trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Không thể nói người Việt chấp nhận ngay lập tức những nền văn hóa đến từ nước ngoài nhưng chắc chắn chúng ta có chịu ảnh hưởng. Tiêu biểu như trong lĩnh vực ẩm thực, người Pháp đã mang bánh mì đến Việt Nam. Bánh mì theo chân thực dân Pháp từ những ngày đầu tiên trong thập kỷ đầu của hơn 100 năm đô hộ nước ta, tạo tiền đề cho sự ra đời, phát triển của bánh mì Việt ngày nay và trở thành niềm tự hào của dân tộc ta trên trường Quốc tế.
Bánh mì đến nước ta vào những năm đất nước còn đói khổ (Ảnh: Internet)
Bánh mì Pháp – Từ bình dân đến đẳng cấp của sự tinh tế
Nhiều người nói rằng toàn bộ nền ẩm thực tài hoa ở Pháp có thể tóm gọn vào một chiếc bánh mì. Người Pháp đặc biệt tôn trọng bánh mì, xem món ăn này như một người bạn lâu năm, đã đồng hành cùng dân tộc đi qua một giai đoạn thịnh suy trong lịch sử.
Bánh mì vốn ra đời trong nhung lụa và chỉ có tầng lớp quý tộc mới được thưởng thức. Vào năm 1789, nạn đói kém xảy ra, Vua Napoleon đã điều chỉnh công thức bánh mì sao cho người nghèo cũng có thể ăn được. Từ đó bánh mì đã có công thức và hình dạng thống nhất, trở thành biểu tượng của sự bình đẳng trong xã hội. Chính những chiếc bánh này đã đưa nước Pháp thoát khỏi nạn đói suốt thập kỉ tiếp theo.
Bánh mì đã đưa nước Pháp thoát khỏi một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn (Ảnh: Internet)
Từ anh hùng nạn đói, bánh mì chuyển mình trên đất Pháp, về đúng với bản chất quý tộc của nó và trở thành di sản dân tộc. Đầu thế kỷ 19, nền công nghiệp lúa mì của Pháp thăng hoa, bánh mì được sản xuất với yêu cầu cực kỳ khắc khe để tạo ra hương bị đặc biệt chỉ nước Pháp mới có và hiến pháp luật lệ cho bánh mì đã ra đời. Nhiều người không khỏi thấy kỳ quặc với điều này nhưng với quốc gia này, bánh mì không chỉ là một món ăn mà còn là biểu tượng văn hóa rất tôn nghiêm.
Bộ luật nêu rất rõ tiêu chuẩn sản xuất bánh mì tại Pháp: Bánh phải làm từ bột tươi, muối, men và nước, không được thêm bất kì phụ gia nào, thậm chí trong luật còn quy định bánh Baguette phải nặng từ 250g – 300g, dài 55 – 65cm. Năm 2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn làm đơn tiến cử bánh mì trở thành di sản văn hóa với UNESSCO. Và cũng tại đất nước này, nếu một người thợ làm bánh mì đóng cửa nghỉ ngơi mà chưa được sự cho phép của chính phủ thì có thể bị phạt rất nặng.
Sự giao thoa tinh túy ẩm thực
Sự xuất hiện của bánh mì ở nước ta đã mang đến một diện mạo hoàn toàn khác cho món ăn này. Mặc dù có xuất xứ từ trời Tây nhưng bánh mì Việt lại mang một bản sắc rất riêng. Không ít thực khách nước ngoài đã ngạc nhiên khi thấy người ta “nhồi nhét” vào ổ bánh nhiều thứ khác nhau rồi thưởng thức thật ngon lành. Tuy nhiên, đây chính là điểm khác biệt, đưa bánh mì Việt lên một tầm cao mới. Chúng ta không thể phủ nhận cái “hồn” của ẩm thực Pháp trong bánh mì Việt nhưng chúng ta đã tạo ra một món ăn của riêng mình không chỉ là niềm tự hào trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Từ khi bánh mì được biết đến ở nước ta, sự lạ lẫm ban đầu đã nhanh chóng được thay thế bằng những chiếc bánh “thuần Việt” với hương vị rất đa dạng. Tất cả mọi thứ đều có thể dùng làm nhân bánh từ thịt, trứng, xíu mại, chả hay chà bông… mà loại nào cũng ngon, cũng khiến thực khách vương vấn mãi không quên.
Bánh mì Việt thơm ngon, hấp dẫn bao thực khách thế giới
Nếu như người Pháp xem trọng sức hút từ hình dáng bên ngoài, thường trang trí cho món ăn trở nên quyến rũ nhất có thể thì bánh mì Việt lại gây thương nhớ bởi sự tổng hòa giữa màu sắc và hương vị. Một chút xanh xanh của vài cọng hành ngò, cay cay của ớt quyện cùng phần nhân đậm đà, thêm một chút chua chua của dưa góp, chỉ đơn giản vậy thôi mà ngon, mà khiến bao người nhớ mãi không quên.
Bánh mì Pháp trong nền ẩm thực thế giới vẫn là một biểu tượng không đâu có thể sánh bằng nhưng thực khách vẫn trầm trồ trước hương vị của bánh mì Việt. Có thể nói, cái “bóng” của Pháp trong bánh mì Việt Nam lúc nào cũng hiện hữu nhưng chúng ta đã tiếp thu và phát triển chứ không bị “nhấn chìm” trong chính món ăn này. Sự hòa nhập là điều cực kỳ cần thiết nhưng ta không hòa tan mà vẫn có cái “chất” của riêng mình. Nhắc đến cái nôi của bánh mì, người ta lập tức nghĩ ngay tới Pháp nhưng nhắc về một trong những món ăn làm nên tên tuổi của ẩm thực Việt, nhất định không thể thiếu các tên bánh mì Việt Nam. Món bánh này sẽ mãi mãi là niềm tự hào của đất nước nhỏ bé cong cong hình chữa S với những con người chân chất, bình dị nhưng rất thông minh và tinh tế.
Ý kiến của bạn