Nếu bạn là tín đồ của các món bánh dân gian thì nhất định phải thử qua món bánh đúc lạc. Là thức quà dân giã đậm chất miền quê Bắc Bộ, bánh đúc lạc chấm tương được làm từ những nguyên liệu gần gũi nhưng cho ra thành phẩm làm say đắm lòng người. Nếu cũng muốn thử qua món ăn thú vị này, hãy cùng vào bếp và học cách làm bánh đúc lạc ngay cùng Học Viện Bếp Bánh bạn nhé.
Bánh đúc lạc là món quen thuộc với người dân xứ Bắc (Ảnh: Internet)
Bánh đúc lạc là gì?
Bánh đúc lạc là món ăn bình dân quen thuộc với người dân nhiều tỉnh phía Bắc. Bánh đúc lạc truyền thống chỉ có nhân là hạt lạc (hay đậu phộng), một số nơi sẽ cho thêm dừa. Các nguyên liệu tuy đơn giản là thế nhưng lại chính là thức quà yêu thích của rất nhiều thế hệ người Việt.
Khác với bánh đúc tàu nhiều nhân ở Hải Phòng hay các loại bánh đúc ngọt trong miền Nam, món bánh đúc lạc có hương vị béo ngậy, bùi bùi từ hạt lạc, chấm cùng các loại nước chấm như tương bần, mắm tôm hay nước mắm được pha nhạt. Tất cả hòa quyện hài hòa khiến người ta phải nhớ mãi hương vị giản dị này.
Bánh đúc lạc miền Bắc
Nguyên liệu
Nguyên liệu bột
- Bột gạo tẻ: 250gr
- Đậu phộng: 100gr
- Nước: 1200ml – 1400ml
- Bột vôi: 5gr
- Gia vị: dầu ăn, muối…
Nguyên liệu nước chấm
- Mắm tôm: 2 muỗng canh
- Chanh: nửa quả
- Đường: nửa muỗng cà phê
Mách nhỏ: bạn có thể bổ sung thêm cùi dựa nạo vào phần nguyên liệu, thành quả sẽ được món bánh đúc lạc dừa cũng rất ngon miệng.
Nguyên liệu chính làm bánh đúc lạc truyền thống (Ảnh: Internet)
Cách làm bánh đúc lạc miền Bắc
Bước 1: Sơ chế đậu phộng
Đậu phộng bạn ngâm nước qua đêm (hoặc ít nhất 5 tiếng), sau đó rửa sạch.
Nấu nồi nước sôi rồi cho đậu vào luộc trong 2 phút, sau đó chắt bỏ phần nước luộc.
Tiếp theo, cho đậu phộng vào nồi cùng 500ml nước, nửa muỗng cà phê muối. Đậy nắp và nấu đậu trên lửa liu riu tới khi đậu chín.
Đậu chín bạn tắt bếp, vớt đậu ra và để ráo. Giữ lại 50ml nước đậu phộng luộc.
Bước 2: Pha bột bánh đúc
Để pha bột bánh đúc, bạn cần hòa tan 2 muỗng cà phê vôi với 600ml nước. Sau khi khuấy tan bột, bạn để hỗn hợp nước vôi nghỉ trong 30 phút để bột vôi lắng xuống.
Sau 30 phút, bạn gạn lấy phần nước vôi trong, bỏ phần cặn vôi đã lắng.
Tiếp theo, bạn cho hết 250gr bột tẻ vào nước vôi, cho thêm 1 muỗng cà phê muối và khuấy thật đều. Khuấy tới khi thấy bột đã tan hết, không còn vón cục thì dừng lại. Để bột nghỉ 30 phút.
Sử dụng bột vôi pha sẵn chuyên dùng cho nấu ăn để pha bột (Ảnh: Internet)
Bước 3: Nấu chín bột
Cho hỗn hợp bột vào nồi và bắc lên bếp, khuấy liên tục trên lửa vừa. Khi hơi nước bắt đầu bốc lên thì bạn hạ nhỏ lửa và tiếp tục khuấy. Lửa to quá sẽ làm bánh bị cháy, dính đáy nồi mà chưa chín.
Bột bắt đầu sánh lại, bạn cho 50ml nước đậu luộc khi nãy vào và tiếp tục khuấy. Khuấy tới khi bột dẻo và trong thì bạn cho vào 2 muỗng canh dầu ăn.
Cuối cùng, bạn cho đậu phộng vào, tăng lửa lớn lên một chút, trộn thật đều rồi tắt bếp.
Cho bột ra khuôn hoặc đĩa, dàn bột mỏng 1 – 1.5cm, dùng màng bọc thực phẩm đậy kín bánh lại và để bánh nguội hoàn toàn.
Nấu bột tới khi dẻo mịn và đặc sánh (Ảnh: Internet)
Bước 4: Pha nước chấm bánh đúc lạc
Bạn múc 2 muỗng canh mắm tôm ra bát, thêm vào nửa muỗng cà phê đường, ớt băm nhỏ và vắt vào nửa quả nước cốt chanh. Khuấy thật đều hỗn hợp nước chấm.
Thành phẩm và thưởng thức
Bánh đúc sau khi để nguội, bạn cắt thành các miếng vừa ăn. Miếng bánh đúc trắng nõn, mịn màng, khi ăn sẽ cảm nhận vị dẻo dai cùng đậu phộng béo ngậy. Chấm bánh đúc cùng mắm tôm sẽ giúp hương vị món ăn trở nên đậm đà càng ăn càng mê. Bạn có thể làm món bánh đúc lạc này để để ăn sáng hoặc làm bữa xế sẽ rất chắc bụng và ngon miệng.
Bánh đúc lạc chấm cùng mắm tôm (Ảnh: Internet)
Bánh đúc lạc dừa không cần vôi
Nguyên liệu
Nguyên liệu bột
- Bột gạo: 125gr
- Bột khoai tây: 125gr
- Nước: 500ml
- Đậu phộng: 100gr
- Gia vị: muối, dầu ăn…
Nguyên liệu nước chấm
- Tương bần: 2 muỗng cà phê
- Đường: 1 muỗng cà phê
- Chanh: 1 muỗng canh
- Nước ấm: 3 muỗng canh
Cách làm bánh đúc lạc không cần vôi
Bước 1: Sơ chế đậu phộng
Đậu phộng bạn ngâm qua đêm sau đó rửa sạch.
Cho nồi nước lên bếp, nước sôi bạn cho đậu vào luộc trong 2 phút rồi chắt bỏ phần nước luộc.
Luộc đậu lần thứ với 500ml nước sôi, luộc tới khi đậu chín thì tắt bếp, vớt đậu ra và để ráo. Giữ lại nước luộc đậu để pha bột bánh.
Bước 2: Pha bột bánh đúc
Cho vào tô 125gr bột gạo, 125gr bột khoai tây, 500ml nước vào tô và trộn thật đều.
Bọc kín bột và để bột nghỉ trong 30 phút.
Sau 30 phút, bạn cho khoảng 50ml – 70ml nước luộc đậu phộng vào tô bột. Cho từ từ, vừa cho vừa khuấy. Kiểm soát lượng nước tránh để bột quá lỏng.
Pha bột bánh đúc theo tỉ lệ hướng dẫn để bột sánh mịn (Ảnh: Interent)
Bước 3: Nấu bột
Cho bột vào nồi và bắc lên bếp để nấu. Điều chỉnh mức lửa trung bình và khuấy liên tục.
Cách khuấy bột bánh đúc lạc để bánh ngon là bạn phải khuấy liên tục và đều tay.
Khuấy đến khi bột dần cạn nước, hơi dính đáy nồi thì hạ nhỏ lửa.
Bột đặc và mịn dẻo thì bạn cho vào 1 muỗng canh dầu ăn rồi cho hết phần đậu đã luộc vào. Trộn đều cho bột và đậu phộng hòa quyện lại với nhau. Trộn thêm 1 phút nữa là có thể tắt bếp.
Cho bột còn nóng ra một mặt phẳng như đĩa hoặc lá chuối. Dàn bột thật đều và để bột nguội từ từ là hoàn thành.
Khuấy bột liên tục để bột không dính đáy nồi (Ảnh: Internet)
Bước 4: Pha tương bần chấm bánh đúc
Để pha tương bần ngon, bạn cho vào bát 2 muỗng cà phê tương bần, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng canh nước cốt chanh, 3 muỗng canh nước ấm. Khuấy đều để đường tan hết là có ngay tương chấm bánh đúc đậm đà.
Tương bần chấm bánh đúc lạc (Ảnh: Internet)
Thành phẩm và thưởng thức
Bánh đúc sau khi nguội bạn cắt thành miếng vừa ăn. Với cách làm bánh đúc lạc không cần vôi này vẫn sẽ cho ra thành phẩm bánh dẻo, trắng mịn, béo bùi vị đậu phộng, đan xen chút vị đặc trưng từ nước chấm tương bần sẽ đem đến một món ăn vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.
Thưởng thức bánh đúc lạc với tương bần (Ảnh: Internet)
Trên đây là 2 cách làm bánh đúc lạc bằng bột gạo ngon và đơn giản. Từ nay bạn có thể dễ dàng làm bánh đúc tại nhà ngon chuẩn vị để thưởng thức rồi. Chúc bạn thực hiện thành công cà thưởng thức món ăn thật ngon miệng. Theo dõi Học Viện Bếp Bánh để bỏ túi thêm nhiều công thức làm các món bánh đơn giản, hấp dẫn khác nhé.
Để biết thêm thông tin về các khóa học làm bánh, bạn vui lòng điền vào form bên dưới hoặc liên hệ tới hotline 1800 6148 (miễn phí cước gọi) để Học Viện Bếp Bánh có thể hỗ trợ tư vấn chi tiết hơn nhé.
Ý kiến của bạn