Nấu bánh chưng là một phong tục tập quán, một nét đẹp truyền thống bao đời nay của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về. Cái không khí rộn ràng chuẩn bị gạo nếp, lá dong, lạt mềm… để gói bánh chưng đã tạo nên hồn vị Tết không thể nào quên được của mỗi người con đất Việt.
Bánh chưng là món bánh cổ truyền của dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết
Thấy bánh chưng là thấy Tết! Dù bạn có đi đâu, làm gì, chỉ cần trở về bên gia đình, cùng nhau quây quần gói chiếc bánh chưng hay ngồi canh nồi bánh sôi sùng sục trên bếp lửa đầy than hồng đã thấy không khí Tết ùa về. Mùi hương thơm lừng tỏa ra hòa quyện hương lá dong, gạo nếp cái hoa vàng cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng đã tạo nên hương vị Tết không thể lẫn vào đâu được.
Chiếc bánh chưng ngon không chỉ cần đảm bảo giữ được hương vị truyền thống mà còn phải được gói vuông vức, chắc chắn để khi bày lên mâm cỗ Tết, dĩa bánh chưng sẽ là điểm nhấn chính thu hút bất kỳ thực khách nào. Chỉ cần áp dụng ngay cách làm bánh chưng dưới đây và khéo léo một chút, bạn sẽ tự tin thể hiện cùng các thành viên nhà mình dịp Tết này rồi. Cùng xem ngay nhé!
Cách làm bánh chưng truyền thống
Nguyên liệu
- 400gr gạo nếp cái hoa vàng
- 200gr đậu xanh
- Thịt ba chỉ
- Muối, hạt nêm, tiêu
- Lạt tre mềm
- Lá dong
Các bước thực hiện
Chuẩn bị nguyên liệu
Lá dong: rửa từng lá thật sạch hai mặt và lau thật khô. Rửa càng sạch bánh càng đỡ bị mốc về sau. Trước khi gói, dùng dao mài thật sắc (loại dao nhỏ chuyên dùng để gọt) bỏ bớt cuống dọc sống lưng lá để lá bớt cứng, để ráo nước (nếu lá quá giòn có thể hấp một chút để lá mềm dễ gói).
Dùng lạt tre hoặc lạt giang ngâm nước cho mềm, dẻo để gói bánh
Lạt tre (lạt giang) đem ngâm nước khoảng 8 giờ, sau đó xé sợi mỏng khoảng 0,5 cm.
Gạo nếp: nhặt loại bỏ hết những hạt sạn, sỏi lẫn vào, vo sạch rồi ngâm gạo ngập trong nước cùng 4g muối trong thời gian khoảng 8 giờ. Sau đó vớt ra để ráo.
Đỗ xanh: Giã nhuyễn, ngâm nước trong khoảng 4 giờ cho mềm và nở, đãi bỏ hết vỏ, vớt ra để ráo. Thêm vào 4g muối và trộn đều.
Vo sạch đậu xanh rồi ngâm với nước khoảng 4 tiếng cho nở mềm
Thịt ba chỉ: Đem rửa sạch, để ráo. Sau đó cắt thịt thành từng miếng khoảng 4cm, sau đó ướp với 4g hạt nêm, 1g tiêu để trong khoảng 30 phút cho ngấm đều.
Ướp thịt ba chỉ với gia vị để món ăn có phần nhân thêm đậm đà
Khâu chuẩn bị nguyên vật liệu cho bánh chưng đặc biệt quan trọng để bánh có thể bảo quản được lâu dài. Không nên dùng nước mắm để ướp thịt.
Gói bánh chưng
Đầu tiên, bạn xếp lạt thành hình chữ nhật ở bên dưới rồi đặt khuôn lên trên. Xếp lá dong đã gấp vuông vức thành các cạnh hình chữ nhật trong khuôn. Khi xếp lá dong nên để các mặt xanh đậm của lá vào bên trong và mặt xanh nhạt hơn ra bên ngoài để mặt đậm của lá tiếp xúc với gạo sẽ làm cho bánh có màu xanh đẹp mắt hơn.
Xếp lá dong nên để các mặt xanh đậm của lá vào bên trong và mặt xanh nhạt hơn ra bên ngoài
Lấy chén múc khoảng 200g gạo nếp cho vào khuôn, ấn và dàn đều để gạo điền đầy khắp đáy khuôn.
Tiếp tục rải đều 100g đậu xanh lên trên gạo, đặt 1 miếng thịt lên trên rồi lại rải thêm 100g đậu xanh lên cho phủ kín thịt (không nên rải đậu xanh hết đến cạnh khuôn mà nên chừa lại khoảng 1,5 cm).
Cho lần lượt gạo nếp, đậu xanh, thịt vào để gói bánh chưng
Sau đó lấy tiếp 200g gạo nếp rải đều xung quanh và phủ kín mặt đậu xanh. Dùng tay ấn nhẹ gạo ở các góc và mặt bánh cho gạo nén xuống.
Cuối cùng gập các cạnh lá lại, những chỗ lá thừa không cần thiết thì ta dùng kéo cắt đi cho gọn. Sau đó tay trái giữ cho lá khỏi bung ra, tay phải từ từ lấy khuôn ra đeo vào cổ tay trái. Đổi tay phải giữ lá rồi bỏ khuôn ra khỏi tay. Kéo hai đầu của mỗi sợi lạt cột bánh lại.
Dùng lạt cột thêm cho đều và chắc bánh, cắt bỏ phần lạt còn dư cho bánh đẹp và gọn. Nếu công đoạn này khó thì các bạn có thể tham khảo clip dạy nấu ăn ở trên để có cách gói bánh đẹp hơn và không bị bung nếp ra nhé.
Luộc bánh chưng
Xếp bánh chưng vào nồi theo chiều thẳng đứng, đổ nước ngập quá mặt bánh và luộc liên tục trong khoảng 8 giờ.
Khi luộc bánh nếu thấy nước cạn thì phải đổ thêm nước sôi vào cho ngập mặt bánh để bánh chín đều.
Xếp bánh chưng vào nồi nước luộc liên tục trong 8 tiếng
Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn và phẳng đều trong vài giờ. Sau đó treo bánh lên hoặc để chỗ khô ráo trong nhà để bảo quản.
Yêu cầu thành phẩm
Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo mềm của nếp quyện với đỗ xanh bùi bùi, thịt ba chỉ béo ngậy, vị vừa vặn, cùng chút thơm the cay cay từ hạt tiêu.
Lưu ý khi gói bánh chưng tại nhà
Cách chọn nguyên liệu
- Gạo nếp gói bánh chưng nên chọn loại nếp cái hoa vàng, hạt bóng mẩy và đều nhau để thành phẩm vừa thơm vừa dẻo.
- Thịt ba chỉ: bạn nên chọn thịt ba chỉ có phần mỡ nhiều để bánh chưng không bị khô, miếng thịt hồng hào, không có mùi hôi.
- Đậu xanh: bạn nên chọn loại đậu xanh hạt tiêu, kích thước hạt nhỏ, có ruột vàng, sẽ mang lại vị bùi và thơm cho bánh chưng.
- Lá dong gói bánh chưng nên chọn những lá còn nguyên vẹn, có màu xanh đậm, phiến lá to vừa phải để có thể gói trọn phần nhân bên trong, nhưng cũng tránh mua lá dong to hoặc lá dong tẻ thường giòn, dễ bị rách khi gói.
- Lạt gói bánh chưng, bạn nên chọn lạt giang để có độ mỏng, mềm và dẻo dai.
Cách bảo quản
Bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 3-5 độ C. Với mức nhiệt này có thể bảo quản được cả tháng mà bánh không hỏng. Khi lấy ra rã đông, bạn hấp hoặc rán bánh chưng để thưởng thức, bánh vẫn rất thơm ngon.
Những lưu ý khi thực hiện
- Khi gói bánh, bạn nên gói chặt tay và dùng từ 4 – 6 chiếc lá để gói bánh chưng thì bánh mới dẻo, hình dáng vuông vắn đẹp mắt và để được lâu.
- Không được đổ nước lạnh vào khi tiếp nước cho nồi bánh chưng, nước lạnh sẽ làm bánh nửa chín nửa sống, bị lại gạo sau này.
- Trong lúc luộc bánh, bạn có thể lấy bánh ra, rửa qua bằng nước lạnh, thay một lượt nước mới khác, bánh sẽ dẻo và ngon hơn.
Với người Việt mà nhất là người Việt xa quê, món bánh chưng luôn là những gì ấn tượng, đặc biệt để họ kể về đầy tự hào và trân trọng mỗi khi nhắc tới Tết cổ truyền của dân tộc. Thưởng thức miếng bánh chưng thơm lừng mùi gạo nếp quyện cùng vị béo ngậy, bùi bùi của nhân thịt mỡ đậu xanh và mùi hương hơi cay nồng của tiêu kết hợp với dưa hành muối thì không còn gì tuyệt bằng. Bánh chưng còn được xem là món quà Tết độc đáo, ý nghĩa để người thân, bạn bè biếu tặng nhau, trao nhau những câu chúc an lành đầu năm mới.
Chúc bạn thực hiện thành công với cách làm bánh chưng đơn giản đậm đà hương vị truyền thống với cách làm Hướng Nghiệp Á Âu chia sẻ!
Kim Hà
- Cách đây 5 năm trước
Cho mình hỏi, nấu bánh chưng từ nước nguội hay nước sôi ạ?