Chúng ta đã từ lâu đã dự đoán rằng các backlink sẽ sớm không còn nắm giữ nhiều trọng số như trước trong các thuật toán xếp hạng của Google. Trong khi tất cả mọi người đều đang thảo luận về độ uy tín của thương hiệu (brand authority) và các trích dẫn thương hiệu (brand citations), thì Google đã công bố một bằng sáng chế có tên là Ranking search results (tạm dịch: Xếp hạng các kết quả tìm kiếm) hay còn được biết đến với tên gọi “Panda patent” (do bằng sáng chế được đăng ký cho kỹ sư Navneet Panda – người phát minh ra thuật toán Panda nổi tiếng, cùng các cộng sự) giúp chúng ta có một cái nhìn rõ ràng hơn về cách thức máy tìm kiếm xác định độ uy tín của một website.
Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Đào tạo SEO Á Âu điểm qua một số nội dung tóm tắt từ bằng sáng chế trên và tìm hiểu về một khái niệm mới, chính là “implied link”.
Implied Link và Brand Citation là gì?
Định nghĩa
Bằng sáng chế trên có điểm gì đặc biệt? Điều khiến bằng sáng chế này trở nên quan trọng là vì đây là lần đầu tiên Google thừa nhận rằng họ đang sử dụng các trích dẫn thương hiệu (brand citations) và các lượt đề cập thương hiệu (brand mentions) như là một yếu tố để xếp hạng. Phần nội dung liên quan và có nhiều giá trị nhất trong bằng sáng chế này chính là:
“Hệ thống này đếm và xác định một số lượng các liên kết độc lập cho một nhóm tài nguyên cụ thể. Một đường link được tính cho một nhóm các tài nguyên là một đường link dẫn đến một tài nguyên có trong nhóm đó, chẳng hạn như, một đường link trỏ về một trang mục tiêu có trong nhóm đó. Các đường link được tính cho nhóm đó có thể bao gồm các liên kết rõ ràng (express links), các liên kết ngụ ý (implied links), hoặc cả hai.
Một liên kết rõ ràng, ví dụ như một siêu liên kết (hyperlink), là một đường link được đặt trong một nguồn tài nguyên gốc (source resource) mà một người dùng có thể lần theo để điều hướng đến một nguồn tài nguyên mục tiêu (target resource).
Một liên kết ngụ ý là một tham chiếu (reference) đến một nguồn tài nguyên mục tiêu, ví dụ như, một trích dẫn đề cập đến tài nguyên đích, nằm trong một tài nguyên nguồn nhưng không phải là một liên kết rõ ràng đến tài nguyên đích.
Do vậy, một tài nguyên trong nhóm có thể là tài nguyên đích được một liên kết ngụ ý nhắm mục tiêu (“trỏ” đến) mà không nhất thiết yêu cầu người dùng phải có thể lần theo được liên kết ngụ ý này để điều hướng đến tài nguyên đó.”
Các khái niệm bổ sung
Xoay quanh đoạn trích trên, thì có một số khái niệm cần được bổ sung thêm, đó là:
Các nhóm tài nguyên (groups of resources) trên một website
Thay vì nhắm vào các page hoặc các website cụ thể như nhiều thuật toán khác, thì bằng sáng chế này sẽ tập trung vào các “nhóm” tài nguyên. Và các tài nguyên trong một nhóm có thể chỉ được hàm chứa trong một nhóm duy nhất.
Các nhóm này sẽ được xác định dựa trên một số yếu tố như địa chỉ (tất cả các tài nguyên trong một nhóm đều có cùng một tên miền như http://www.example.com, hoặc đều có cùng host name trên một tên miền như http://host1.example.com hay http://host2.example.com) hoặc được phân chia theo số lượng các truy vấn tham chiếu cho từng nhóm (mỗi phân nhóm được chia sẽ bao gồm các nhóm tài nguyên sở hữu số lượng truy vấn tham chiếu nằm trong một khoảng tương ứng nào đó).
Các liên kết độc lập (independent links)
Là các liên kết trỏ từ một tài nguyên nguồn (source resource) đến một tài nguyên đích (target resource), mà hai tài nguyên này được xác định là độc lập với nhau.
Truy vấn tham chiếu (reference query)
Một truy vấn được gọi là “reference query” đối với một nhóm các nguồn tài nguyên cụ thể là truy vấn tìm kiếm đã được người dùng nhập vào trước đó mà đã được hệ thống phân loại là đề cập đến một tài nguyên nằm trong nhóm đó (thông qua một hoặc nhiều cụm từ trong truy vấn).
Theo như phương pháp được trình bày trong bằng sáng chế, thì một website có thể được chia thành nhiều nhóm, hoặc là một thành phần trong một nhóm có chứa nhiều website. Để xếp hạng các page trong những nhóm này, thì tỉ số (ratio) giữa số lượng liên kết độc lập (independent link) và các truy vấn tham chiếu (reference query) sẽ được nhân với một số điểm có liên quan đến các tín hiệu điều hướng (navigational signal) để xác định thứ hạng cuối cùng. Số điểm được này xác định bởi việc một trang có được xem là một kết quả điều hướng đối với một từ hoặc cụm từ truy vấn hay không. Nếu từ hoặc cụm từ đó càng có tính điều hướng, thì điểm số này sẽ cao hơn.
Implied link là gì? (Nguồn ảnh: Internet)
Dựa vào những gì được trình bày trong bằng sáng chế thì Google gọi “brand mentions” (lượt đề cập thương hiệu) là “implied links” (các liên kết ngụ ý) và các backlinks thông thường là “express links” (các liên kết rõ ràng). Điều này chắc chắn sẽ làm cho người đọc cảm thấy bối rối và dễ bị nhầm lẫn. Để dễ hình dung hơn, hãy xem qua một ví dụ sau đây:
Giả sử bạn là nhà quản trị của website huongnghiepaau.com, và thương hiệu này được đề cập đến trên những websites khác bằng các cụm từ như “huongnghiepaau” hoặc “huongnghiepaau.com”, thì khi có một người dùng nào đó đang gõ tên thương hiệu này trong một truy vấn tìm kiếm (sau khi người dùng truy cập hoặc không truy cập vào bài viết có nhắc đến tên thương hiệu như trên), một sự liên kết sẽ được hình thành trong mắt của Google. Google lưu trữ lại thông tin này và sẽ cho rằng bạn đã có được một liên kết ngụ ý (implied link) từ người dùng.
Như vậy, có thể hiểu liên kết rõ ràng chính là các hyperlink được đặt trên trang, trỏ người dùng đến một trang khác. Còn liên kết ngụ ý, hay implied link về bản chất chính là các trích dẫn trực tuyến (online citation) hay lượt đề cập thương hiệu (brand mention). Implied link sẽ được tạo ra khi có một website của bên thứ ba đề cập đến tên công ty, tên thương hiệu, thương hiệu sản phẩm hoặc thậm chí là một địa chỉ URL của bạn nhưng không thực sự đặt liên kết trỏ về website; nhưng nó còn có một điều kiện nữa được đề cập đến trong phần nội dung dưới đây.
Cách xây dựng implied link
Implied link không chỉ là brand mention hay số lần thương hiệu được một bên thứ ba đề cập hay nhắc tới. Thoạt đầu, nhiều người có thể nghĩa rằng họ có thể làm SEO dễ dàng hơn nếu thuật toán sử dụng và xem các trích dẫn (citation) như là một yếu tố xếp hạng. Một điều chắc chắn đó là mọi người có thể mua được các lượt đề cập thương hiệu, mọi người cũng có thể xây dựng được chúng thông qua các bài guest post, hoặc đơn thuần bằng việc xây dựng một số lượng lớn các nội dung dưới dạng infographic. Nhưng, hãy nhớ rằng các liên kết ngụ ý chỉ được xem xét khi có ai đó gõ tên thương hiệu của bạn trong một truy vấn tìm kiếm.
Implied link chỉ được kích hoạt khi tên thương hiệu được nhắc đến trong truy vấn
Liệu implied link sẽ là yếu tố để xếp hạng trong tương lai?
Trong dài hạn, các liên kết ngụ ý có thể nắm giữ một số giá trị nhất định, nhưng chúng sẽ không bao giờ là yếu tố mạnh nhất để xếp hạng trên Google. Lý do là vì nó quá phức tạp và dễ phản ánh sai lệch hơn nhiều so các backlink thông thường. Khả năng bị phạt nếu tối ưu quá liều các anchor text theo kiểu này, hoặc xây dựng quá nhiều trích dẫn là rất thấp.
Vậy có nên tích hợp các liên kết ngụ ý này vào chiến lược SEO không? Câu trả lời là có, bạn vẫn có thể vận dụng và triển khai nó trong thực tế. Việc thương hiệu của bạn được đề cập đến trên một website phổ biến chắc chắn là sẽ mang lại giá trị nhất định.
Bên cạnh đó, mọi người đều hiểu một nguyên lý cơ bản rằng Google (và các máy tìm kiếm khác) phân bổ giá trị cho các đường link trỏ đến một website. Các đường link này càng có thẩm quyền hay độ uy tín cao thì Google sẽ trao cho website đó càng nhiều giá trị.
Đây đã và đang là một nền tảng cho những gì diễn ra trong thế giới SEO và nhờ có sự ra đời của khái niệm “liên kết ngụ ý”, thì vai trò của kỹ năng PR càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và tầm quan trọng của nó sẽ ngày một tăng dần trong tương lai, tùy thuộc vào khả năng của các nhân sự có thể tạo ra những câu chuyện, tin tức xoay quanh doanh nghiệp, thương hiệu, sản phẩm hay khách hàng… và đưa nó xuất hiện trên các môi trường xuất bản.
Phân biệt giữa Authority và Popularity
Câu hỏi của độc giả dành cho Google (Nguồn ảnh: Internet)
Ngoài ra, có hai khái niệm cần được phân biệt, đó là độ phổ biến (popularity) và độ uy tín (authority). Trong một video, kỹ sư Matt Cutts đến từ Google đã trả lời câu hỏi của độc giả về sự khác nhau giữa sự phổ biến (popularity) thuần túy và độ uy tín (authority) thật sự:
“Có những website cực kỳ phổ biến, chẳng hạn như những website khiêu dâm. Nhưng hầu như không ai trỏ liên kết đến những trang này cả. Và cũng có những website có tính thẩm quyền rất cao, chẳng hạn như website của Ủy ban Bất động sản Wisconsin, nhưng chắc chắn là sẽ không có nhiều người truy cập vào đó. Tuy nhiên vẫn có nhiều người liên kết đến các trang của chính phủ (government websites, là các trang có tên miền chứa “.gov”).
Ở một mức độ nhất định, thì độ phổ biến (popularity) được xem là thước đo cho nơi mà người dùng đi đến, trong khi PageRank thì thiên về danh tiếng (reputation) hay độ uy tín (authority) nhiều hơn. Nó thể hiện danh tiếng của những nơi mà mọi người trỏ link đến. Và hai khái niệm này hoàn toàn khác biệt với nhau, nếu không thì những trang khiêu dâm sẽ là những trang có PageRank cao nhất trong khi các trang chính phủ lại có PageRank rất thấp trong hệ thống xếp hạng của chúng tôi.
Các thuật toán không ngừng được thay đổi để trở nên hoàn thiện hơn và tối ưu cho người dùng, bạn không thể nói rằng “Đây là một website nổi tiếng, vậy nên chắc là nó sẽ “khớp” với truy vấn này”. Vấn đề là website đó phải có một vài bằng chứng cụ thể cho thấy rằng nó nên được xếp hạng cho một số nội dung nào đó có liên quan.”
Từ tất cả nội dung ở trên, chúng ta có thể thấy được một điều rằng: Xây dựng liên kết không chỉ giới hạn quanh việc đặt link lên các trang có uy tín. Liên kết ngụ ý (implied link) cũng là một dạng link, và nếu những liên kết ngụ ý này có thể xuất hiện trên các trang phổ biến (với lượng người truy cập lớn) thì sức mạnh của nó sẽ ngày càng được khuếch trương mạnh mẽ. Sự cân bằng và kết hợp giữa hai yếu tố “authority” và “popularity” sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc để tiến đến những vị trí cao nhất trên SERPs của công cụ tìm kiếm.
Ý kiến của bạn